Vì sao Nga cần xây căn cứ hải quân trên quần đảo Kuril?

Nhật Minh |

RIA Novosti dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, công tác xây dựng căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương Nga trên đảo Matua thuộc chuỗi quần đảo Kuril sẽ bắt đầu ngay trong năm nay.

"Quyết định thiết lập căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương trên hòn đảo này đã được đưa ra, công tác xây dựng sẽ bắt đầu trong năm nay" - nguồn tin nói.

Hai tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga cùng với Hiệp hội Địa lý Nga đã cử một đoàn thám hiểm nghiên cứu đến đảo Matua.

Trao đổi với tờ Svobodnaya Pressa, ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Quan hệ quốc tế cho rằng công tác xây dựng căn cứ hải quân mới của Nga không liên quan tới vấn đề tranh chấp quần đảo Kuril giữa Nga và Nhật Bản, bởi Matua không nằm trong số các đảo mà Nhật tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, trong tương lai, căn cứ này sẽ có tầm quan trọng quân sự và chiến lược.

Một sân bay có thể được xây dựng tại căn cứ. Về mặt lý thuyết, nó có thể triển khai các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 mang theo tên lửa hành trình tầm xa Kh-101. Vì vậy, các máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ có khả năng hoàn thành nhiều nhiệm vụ của lực lượng không quân chiến lược.

Theo ông Alexandrov, điều này sẽ nâng cao năng lực răn đe chiến lược của Nga trước Mỹ và NATO.

Vì sao Nga cần xây căn cứ hải quân trên quần đảo Kuril? - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-22M3

Căn cứ này sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa của Nga. Ngoài ra, các máy bay được điều tới căn cứ có thể theo dõi tàu ngầm Mỹ trong khu vực.

Ông Alexandrov nhận định, căn cứ mới của Nga trong chuỗi quần đảo Kuril sẽ không làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Tokyo.

"Nga đã có các căn cứ trên đảo Kunashir và Sakhalin. Tất nhiên, Nhật Bản sẽ không thích thú với căn cứ mới của Nga trong khu vực. Trước đó, một số chính trị gia Nhật Bản muốn gây áp lực cho Nga để buộc Moscow trả lại các vùng lãnh thổ, nhưng giờ thì tình thế đang thay đổi" - ông Alexandrov nói.

Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Kinh tế ở Moscow cho rằng việc căn cứ mới của Nga không đặt tại một trong những hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản có thể là tín hiệu cho thấy sự thỏa hiệp giữa Tokyo và Moscow.

"Quyết định xây căn cứ trên đảo Matua gây ngạc nhiên. Vào thời Liên Xô, hòn đảo này không được quân đội Nga sử dụng tích cực. Chỉ một lữ đoàn nhỏ của lực lượng biên phòng được triển khai tại đó.

Tôi cho rằng có thể có một sự thỏa hiệp (giữa 2 phía) về quần đảo Kuril. Không thể loại trừ khả năng một số lực lượng sẽ được tái triển khai từ các đảo phía nam tới Matua. Thỏa hiệp ở đây có thể là duy trì tình trạng phi quân sự tại các Vùng lãnh thổ phía Bắc" - ông Kashin nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại