Vụ thử nghiệm vũ khí la-de được thực hiện trên trực thăng tấn công AH-64D Longbow tại bãi thử White Sand (New Mexico). Trong quá trình thử nghiệm, nguyên mẫu vũ khí la-de đã được sử dụng ở nhiều độ cao khác nhau, tấn công nhiều loại mục tiêu giả lập và được xác nhận là đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể về vụ thử vẫn được giữ bí mật.
Trực thăng tấn công AH-64D với nguyên mẫu vũ khí la-de tham gia thử nghiệm.
Hồi tháng 3-2017, Raytheon đã thử nghiệm dòng vũ khí la-de mới có công suất phát 60KW. Trong quá trình thử nghiệm, năng lượng của chùm la-de phát thực tế đạt tới 58KW trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Điều này đã đáp ứng yêu cầu của Lầu Năm góc để khởi động chương trình phát triển vũ khí la-de mới.
Thế hệ vũ khí la-de mới của Raytheon sử dụng sợi dẫn quang để dẫn hướng. Các chùm hạt năng lượng cao được phát qua cáp quang tới thiết bị hội tụ. Điều này cho phép tạo ra tia la-de năng lượng cao từ các chùm hạt định hướng năng lượng thấp.
Theo các chuyên gia của Raytheon, công nghệ trên được phát triển từ năm 2014 và cho phép tạo ra tia la-de công suất lớn nhưng chỉ tiêu tốn năng lượng bằng 50% so với các hệ thống la-de trạng thái rắn cũ.
Giới chức quân đội Mỹ hiện rất tin tưởng vào khả năng tác chiến của vũ khí la-de và chùm hạt năng lượng cao, nhất là khi để đối phó với thiết bị bay và các đạn pháo, cối cỡ lớn của đối phương. Ngoài ra, với độ chính xác cao, vũ khí la-de cũng hỗ trợ đắc lực trong việc tiêu hủy mìn và các thiết bị nổ tự chế đối phương cài lại.
Một trong những ưu điểm lớn của vũ khí la-de là không bị giới hạn bởi cơ số đạn. Vũ khí la-de có thể hoạt động liên tục tới khi nào còn được cung cấp điện từ máy phát. Cùng với đó, chi phí sử dụng mỗi lần khai hỏa vũ khí la-de cũng thấp hơn nhiều so với các loại đạn truyền thống.