Mỹ không còn theo đuổi quan điểm trung lập?
Biển Đông đang nhanh chóng trở thành “đấu trường nóng” trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố này tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Quan trọng hơn, tuyên bố này nêu cụ thể hơn những gì mà Mỹ coi là chủ quyền hợp pháp trong khu vực.
Biển Đông -tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại và vận chuyển quốc tế - đang là “điểm nóng” của sự cạnh tranh với các yêu sách chủ quyền chồng chéo, nhiều tiền đồn quân sự, thường xuyên diễn ra các hoạt động quân sự và bán quân sự.
Từ trước đến nay, Mỹ luôn theo đuổi lập trường trung lập và thận trọng đối với phán quyết của Tòa quốc tế cùng các yêu sách trên Biển Đông. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng lên tiếng ủng hộ quá trình xét xử của tòa quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình. Mỹ đã hối thúc các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và điều đáng lưu ý là chính quyền ông Obama luôn tránh chỉ trích trực diện Trung Quốc.
Khác với thời ông Obama, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại đưa ra lập trường cứng rắn và sắc bén hơn. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật. Mỹ cũng phản đối các hoạt động bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Bằng cách gắn kết chặt chẽ hơn với phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Pompeo khẳng định rằng yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra “không có cơ sở luật pháp quốc tế”.
Theo nhà phân tích Christian Le Miere, thuộc tổ chức tư vấn chiến lược Arcipel, phát ngôn của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ cho thấy, Washington đã chọn đứng về phía những quốc gia “đối đầu” Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Pompeo đã viện dẫn những hành vi bắt nạt của Trung Quốc đối với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei. Trong cuộc họp báo hôm 15/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định: “Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và sẽ ủng hộ tất cả những nước đang bị Trung Quốc vi phạm các yêu sách lãnh thổ và các yêu sách trên biển hợp pháp của họ. Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho họ trong khả năng của chúng tôi, dù đó là các tổ chức đa phương hay các nước trong khối ASEAN”.
Đây có thể coi là lời khẳng định đanh thép, cho thấy Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đồng minh và đối tác nhằm chống lại điều mà ông Pompeo cho là nỗ lực của Trung Quốc để thành lập một “đế chế hàng hải” ở Biển Đông, nhà phân tích Christian Le Miere đánh giá.
Mỹ đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng này, Washington tổ chức cuộc tập trận có sự tham gia của hai nhóm tác chiến tàu sân bay. Đây là lần đầu tiên 2 nhóm tàu sân bay của Mỹ cùng hiện diện tại Biển Đông kể từ năm 2014. Trong một số diễn biến khác, Mỹ đã triển khai các tàu hải quân theo dõi tàu khảo sát của Trung Quốc, hay bảo vệ tàu khảo sát Malaysia khỏi hành vi “quấy rối” của Bắc Kinh.
Có thể thấy rằng, Mỹ đang kết hợp giữa sự cứng rắn về mặt ngoại giao với các hành động quyết đoán hơn về mặt quân sự để răn đe Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với Washington, Biển Đông mang đến cơ hội để họ khẳng định chiến lược về một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Theo nhà phân tích Christian Le Miere, Mỹ thể hiện đang đứng về phía các quốc gia nhỏ hơn và yếu thế hơn để chống lại Trung Quốc. Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 lại càng giúp Washington có cơ sở để giữ vững lập trường này, giữ gìn luật pháp và đảm bảo rằng “chính xác” có thể là một yếu tố có ảnh hưởng hơn trong chính sách ngoại giao hơn là “có thể”.
Trung Quốc sẽ phải “trả giá”?
Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá, sự thay đổi lập trường của Washington có thể không dập tắt được tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc, nhưng lại đóng vai trò quan trọng khi cho thấy nỗ lực lâu dài nhằm hỗ trợ các đối tác của Mỹ và buộc Trung Quốc phải trả giá vì các hành vi “cưỡng ép và bắt nạt” ở Biển Đông.
Hơn nữa, chính sách của Mỹ có thể phát huy tác dụng ngay lập tức trên mặt trận ngoại giao, giúp Washington dễ dàng hơn trong việc tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để chống lại những hành vi gây bất ổn. Các quan chức Mỹ có thể sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố tại nhiều diễn đàn quốc tế, các cuộc gặp song phương hoặc đa phương chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị G7 hay nhóm Bộ tứ, và thuyết phục đồng minh cùng với đối tác làm điều tương tự.
Ông Gregory B. Poling cho rằng, điều này cũng tiếp thêm sức mạnh cho các quốc gia nhỏ hơn có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông như Việt Nam hay Philippines để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong thời gian tới, khi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm trái phép các đảo và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hay Indonesia, Mỹ có thể sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn chống lại hành động phi pháp này, khiến vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế bị ảnh hưởng.
Chưa hết, sự thay đổi lập trường của Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc phải chịu tổn thất về kinh tế. Bằng cách tuyên bố hầu hết hoạt động hàng hải của Bắc Kinh là “trái pháp luật”, chính quyền Tổng thống Trump có căn cứ để ban hành lệnh trừng phạt với những công ty và tổ chức của Trung Quốc thực hiện các hoạt động đó. Vòng trừng phạt mới sẽ bao gồm nhiều mục tiêu hơn, rộng lớn và và kịp thời hơn so với các vòng trừng phạt trước đây của Mỹ.
Trước đó, các dự luật trừng phạt từng được đề xuất tại Quốc hội Mỹ năm 2017 và 2019 chỉ tập trung vào hoạt động nạo vét, xây dựng và nhiều hành động khác trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông cũng là một trong những vấn đề hiếm hoi được sự đồng thuận của chính quyền và các đảng phái tại Mỹ. Ngay sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố chính sách sách mới, các thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã ra tuyên bố ủng hộ, đồng thời bày tỏ hy vọng quyết định này sẽ dẫn tới những nỗ lực tiếp theo của Mỹ, các đối tác của Mỹ và toàn bộ thành viên cộng đồng quốc tế nhằm ủng hộ luật pháp quốc tế liên quan tới Biển Đông.
Theo ông Gregory B. Poling, lập trường của chính quyền Tổng thống Trump sẽ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Kinh lên một nấc thang mới. Diễn biến này cũng làm gia tăng lo ngại xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa hai quốc gia, vốn đã bất đồng về một loạt vấn đề như Hong Kong, thương mại, dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, nếu Mỹ thành công trong việc gây sức ép với Trung Quốc và xây dựng một liên minh quốc tế rộng lớn hơn để hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đối phó với Bắc Kinh, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ và tiến tới sự thỏa hiệp, thì đây có thể coi là cơ hội tốt nhất để các nước liên quan tìm ra giải pháp giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình./.