Mỹ-Israel sẽ phải ngã giá như thế nào để Nga đồng ý trở mặt, chống Iran?

Lâm Vy |

Cuộc gặp 3 bên đầu tiên giữa các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Nga và Israel có thể trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi, hất cẳng quân đội Iran ra khỏi Syria.

Nhưng cái giá để điều này diễn ra là bao nhiêu – và ai sẽ là người trả?

Cơ hội để Mỹ-Israel thay đổi ván cờ

Theo tờ Haaretz, cố vấn an ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat sẽ có cuộc gặp với hai người đồng cấp đến từ Mỹ và Nga (ông John Bolton và Nikolay Patrushev) vào cuối tháng 6.

Cuộc họp như thế này chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, giờ đây cả ba quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khu vực và cần phối hợp cùng nhau để tìm ra giải pháp.

Một số người có thể xem đây là một "ân huệ" của Tổng thống Donald Trump dành cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, bất chấp sự sắp đặt chính trị này thì cuộc họp ba bên đại diện cho một cơ hội chiến lược quan trọng mà những người khởi xướng xứng đáng nhận được lời khen ngợi.

Chủ đề trọng tâm của cuộc họp sẽ là Syria, và đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Iran tại đây – nhân tố đã khiến Israel phát động hàng chục cuộc không kích.

Mỹ-Israel sẽ phải ngã giá như thế nào để Nga đồng ý trở mặt, chống Iran? - Ảnh 1.

Quân đội Israel công bố hình ảnh không kích vào Syria ngày 2/6/2019. Ảnh: Lực lượng phòng vệ Israel.

Theo ông B. Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel từ 2011-2017, Nga đã ngầm đồng ý để Israel tiến hành các chiến dịch chuyên nghiệp, chính xác cao nhằm vào các cơ sở tên lửa và máy bay không người lái của Iran – một vài hệ thống trong đó từng được sử dụng để tấn công Israel. Song, ông Netanyahu đang tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với Nga để loại bỏ mối đe dọa này.

Cho tới hiện tại, Nga có rất ít hành động nhằm hạn chế sự hiện diện của Iran tại Syria. Do đó, đây sẽ là yêu cầu chính của Israel và Mỹ tại cuộc họp ba bên giữa các cố vấn. Họ sẽ đề nghị Nga, với tầm ảnh hưởng lớn tại Syria và đối với chính quyền Assad, trở nên cứng rắn với Iran và buộc nước này phải rút lực lượng khỏi Syria.

Vấn đề là vẫn có những hoài nghi về động cơ và mức độ đáng tin cậy của Nga.

Đôi khi Nga tuyên bố rằng họ không có đủ thẩm quyền, chỉ Tổng thống Assad mới có thể quyết định lực lượng nước ngoài nào được phép đóng quân trên lãnh thổ Syria. Nhưng cũng có những lúc Nga tỏ ra "thông cảm" với Israel và cho rằng cần buộc các lực lượng Iran, Hezbollah, cũng như các phiến quân dòng Shia cách xa biên giới Israel ít nhất là 60km.

Trước thái độ lấp lửng của Nga, Israel cảm thấy mình buộc phải phát động tấn công vào các cơ sở hạ tầng, thiết bị và quân lực mà Iran bố trí tại nhiều địa điểm ở Syria để ngăn chúng đe dọa lãnh thổ của họ.

Trong bối cảnh đó, liệu việc Mỹ tham gia vào cuộc thảo luận có thể thay đổi tình thế hay không?

Phóng viên Barak David của kênh truyền hình Channel 13 (Israel) cho biết, trong thời gian gần đây, Washington đã nói rõ với Nga rằng họ hoàn toàn ủng hộ các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria, và Mỹ cũng muốn Iran rút quân khỏi Syria, chứ không riêng gì Israel.

Song, tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Syria bị hạn chế. Khi chiến dịch chống IS dần hoàn tất, Tổng thống Trump đã nói rằng ông muốn rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria. Do một phần lực lượng Mỹ vẫn hiện diện tại đây nên không mấy khó hiểu khi Nga tỏ ra nghi ngờ cam kết của Washington.

Có thể thấy các cuộc đàm phán về những thỏa thuận sau chiến tranh tại Syria phần lớn được tiến hành giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không có các đại diện của Mỹ.

Chính vì vậy, Israel và Mỹ cần tận dụng cơ hội trong cuộc họp sắp tới để thuyết phục Nga giảm bớt sự hiện diện của Iran tại Syria.

Mỹ-Israel sẽ "ngã giá" thế nào?

Do đang muốn nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran nên Mỹ có thể sẽ mời Nga tới tham dự hoặc thậm chí đảm nhận vai trò hòa giải. Nga hiện không ủng hộ vũ khí hạt nhân Iran nhưng nước này vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đơn phương rút khỏi.

Mỹ-Israel sẽ phải ngã giá như thế nào để Nga đồng ý trở mặt, chống Iran? - Ảnh 2.

Cố vấn An ninh Mỹ John Boltin và Thủ tướng Israel Netanyahu trong cuộc họp báo tại Jerusalem ngày 6/1/2019. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem

Bên cạnh đó, Moscow cũng không muốn Mỹ-Iran nổ ra xung đột quân sự. Những tác động gây bất ổn định mà cuộc chiến này hoặc sự sụp đổ của chính phủ cầm quyền Iran mang lại có thể là một lý do khiến Nga không muốn chiến tranh diễn ra, nhưng tất nhiên đó không phải là lý do chính.

Điều Nga mong muốn nhất là tránh được một tình huống mà trong đó đòi hỏi Mỹ phải đưa toàn bộ lực lượng quay trở lại Trung Đông.

Trong khi hai đời Tổng thống liên tiếp của Mỹ đều tìm cách hạn chế và giảm bớt các cam kết quân sự của Mỹ tại khu vực này thì Nga lại đầu tư toàn lực vào Syria, và tận hưởng tầm ảnh hưởng lớn hơn những gì mà họ có được trong nhiều thập kỷ trước.

Vì thế, Moscow sẽ tìm cách thông qua các biện pháp ngoại giao, như thuyết phục Iran nhượng bộ, để hạn chế tối thiểu nguy cơ xảy ra xung đột Mỹ-Iran.

Tuy nhiên, Mỹ và Israel cũng cần lưu ý để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc đàm phán. Chẳng hạn, Nga có thể sẽ tìm cách chia rẽ hai đồng minh Mỹ-Israel hoặc mượn áp lực từ Israel để buộc Mỹ phải cam kết những điều kiện nhượng bộ "không thể chấp nhận được".

Mỹ-Israel sẽ phải ngã giá như thế nào để Nga đồng ý trở mặt, chống Iran? - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại Moscow ngày 27/2/2019. Ảnh: AP

Ông Netanyahu – người đã có 2 chuyến công du tới Moscow trước và sau chuyến thăm tới Washington hồi tháng Ba năm nay – đã tự đưa mình lên vị trí giống như một trung gian hòa giải giữa ông Trump và Putin, thúc đẩy một cuộc đối thoại "muốn nhưng khó thực hiện" giữa hai nhà lãnh đạo.

Thế nhưng, Israel và Mỹ có thể rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chẳng hạn, ông Patrushev, có thể tìm cách để giảm bớt các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Nga sau khi Moscow can thiệp vào Ukraine và sáp nhập Crimea, nhằm đổi lại việc Nga đồng ý "hất cẳng" Iran khỏi Syria.

Mỹ không nên đồng ý điều kiện này bởi họ sẽ hy sinh các lợi ích chiến lược cốt lõi tại châu Âu để đổi lại những lời hứa mơ hồ của nga tại Trung Đông. Và tất nhiên, Israel cũng không nên thuyết phục hay thúc giục Mỹ đi theo con đường ấy.

Riêng về phần Israel, vai trò "người trợ giúp" cho những gì mà ông Trump mong đợi nhất (nhưng khiến các nhà chỉ trích nghi ngờ nhất) – đó là đạt được mối quan hệ bình thường hóa với ông Putin – có thể đẩy Israel vào giữa một vở kịch mà nước này không muốn tham gia.

Israel có đầy đủ lý do để theo đuổi các lợi ích chiến lược, họ có thể tận dụng mối quan hệ thân mật giữa ông Netanyahu và ông Putin, cũng như cuộc họp ba bên sắp tới để hạn chế tối thiểu các mối đe dọa Iran tại Syria.

Tuy nhiên, tốt hơn hết là Tel Aviv nên theo đuổi những mục tiêu ấy theo một phương thức nào đó để họ không phải trở thành một phần trong màn trình diễn chính trị lớn nhất mà Washington có thể vẽ ra.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông B. Shapiro

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại