Hải quân Mỹ ngày 18/7 đã tiêu diệt một máy bay không người lái (UAV) của Iran trên Eo biển Hormuz. Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiếc UAV của Iran đã đi vào phạm vi "đe dọa" tới các lực lượng Mỹ và phớt lờ "nhiều lời kêu gọi rút lui".
Ông Trump cho biết, việc tàu tấn công đổ bộ USS Boxer lớp Wasp của Hải quân Mỹ tấn công phá hủy UAV Iran là biện pháp "phòng vệ" cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là hành động mới nhất trong một loạt động thái mang tính khiêu khích và thù địch được Tehran tiến hành chống lại các tàu thuyền "trong vùng biển quốc tế".
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tehran tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt đáp trả những chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Washington.
Mặc dù vậy, Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra kiềm chế chưa sử dụng tới vũ lực sau vụ Iran bắn rơi một máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ.
Tuy nhiên, hành động tiêu diệt chiếc UAV của Iran ngày 18/7 đã cho thấy chính quyền Mỹ đang tỏ ra cứng rắn và có nguy cơ đẩy mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước leo lên một nấc thang mới.
Tàu tấn công đổ bộ USS Boxer. Ảnh: Reuters
Benjamin H. Friedman, Giám đốc nghiên cứu chính sách của tổ chức Defense Priorities cho rằng, vụ việc Hải quân Mỹ bắn hạ máy bay do thám không người lái Iran đã tạo ra nguy cơ dễ dẫn tới những tính toán sai lầm khiến tình hình có thể bùng phát thành một cuộc chiến tranh rộng lớn.
"Chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran suy yếu nhưng không đạt được mục đích đề ra. Nó đã tạo cớ để Iran tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân và gia tăng các chính sách cứng rắn".
Chuyên gia Behnam Ben Taleblu, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Quỹ phòng vệ Dân chủ nhận định, việc chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ "khó có thể dẫn tới chiến tranh Thế giới thứ Ba" vì mục tiêu của Iran hiện nay chỉ là tìm cách để Mỹ nới lỏng sức ép trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Taleblu cũng cho rằng "mặc dù trong ngắn hạn, chính quyền Tehran có thể sẽ điều chỉnh chính sách nhưng nhiều khả năng Iran sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động leo thang ở những khu vực khác, trên toàn vùng Vịnh hoặc trên không gian mạng".
Tình trạng sẵn sàng chiến đấu trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer. Ảnh: NBC
Phía Mỹ đã tỏ ra kiềm chế nhưng nếu Iran vẫn cố tình thực hiện các hành động gây hấn thì Washington khó có thể bỏ qua.
Ngày 18/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố bắt giữ một tàu chở dầu nước ngoài mang cờ hiệu Panama với cáo buộc con tàu này buôn lậu một triệu thùng dầu.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh thông báo Iran cố gắng ngăn chặn một tàu chở dầu của Anh đi qua Eo biển Hormuz. Vụ việc diễn ra sau khi các lực lượng Anh bắt giữ một tàu chở dầu Iran đang trên hành trình tới Syria với lý do nó đã vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Mặc dù cả hai bên, Mỹ và Iran, đều khẳng định không muốn xảy ra chiến tranh nhưng những căng thẳng tồi tại âm ỉ trước đây trong khu vực cùng với việc Tehran tỏ thái độ giận giữ vì bị từ chối những lợi ích mà thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đem lại khiến chỉ cần nảy sinh một tính toán sai lầm cũng có thể dẫn tới xung đột lớn hơn.
"Chúng ta đang sống trong một môi trường vô cùng nguy hiểm", Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif phát biểu tại Liên Hợp Quốc trước thời điểm thông tin chiếc UAV bị bắn hạ được công bố. "Nước Mỹ đang đẩy chính họ và phần còn lại của thế giới đến bên bờ vực thẳm".
Nhóm tàu tác chiến đổ bộ USS Boxer tuần tra biển Ả Rập trong bối cảnh căng thẳng với Iran gia tăng