"Động thái lạ" của Mỹ khi giáng đòn trừng phạt thâm độc nhằm vào Iran

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Quyết định này không chỉ chứng tỏ rằng Mỹ không thể ngăn cản được Iran xuất khẩu dầu, mà đây còn có thể là một cử chỉ giảm nhẹ đối với Iran.

Quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 5/11/2018. Đây là đợt trừng phạt lần thứ hai kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2018.

Các biện pháp trừng phạt lần này mang tính chất toàn diện hơn, đánh vào tất cả các ngành kinh tế chủ chốt của Iran, chủ yếu là các lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan đến ngành công nghiệp và xuất khẩu dầu mỏ, cũng như các giao dịch giữa ngân hàng trung ương Iran với các tổ chức tài chính quốc tế.

Các biện pháp trừng phạt này còn nhằm vào 700 cơ quan và cá nhân Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân.

Tác động của lệnh trừng phạt mới

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasem cho rằng: "Những biện pháp trừng phạt này của Mỹ chỉ là đòn chiến tranh tâm lý, không thể đạt được mục tiêu kinh tế cũng như chính trị chống Iran".

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ lần này là hết sức khắc nghiệt và thâm độc, chắc chắn sẽ gây thêm nhiều khó khăn mới cho kinh tế Iran cũng như đời sống của người dân nước này.

Đợt trừng phạt thứ nhất tháng 5/2018 vừa qua mới chỉ nhằm vào một số lĩnh vực thương mại và đầu tư thôi, nhưng đã làm cho đồng Rial của Iran mất đến 2/3 giá trị trong sáu tháng qua.

Đời sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra ở thủ đô Tehran và các thành phố khác ở Iran. Nay, việc cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, một lĩnh vực đem lại 70-80% thu nhập quốc nội (GDP) chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn hết sức to lớn cho nền kinh tế Iran.

Động thái lạ của Mỹ khi giáng đòn trừng phạt thâm độc nhằm vào Iran - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: WaPo

Về quốc tế, việc cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ sẽ làm cho thị trường dầu mỏ thế giới chao đảo do thiếu hụt hơn một triệu thùng/ngày. Ả Rập Saudi và Nga, hai nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng không thể tăng thêm ngay sản lượng để bù đắp lại sự thiếu hụt này do các nguyên nhân kỹ thuật và cả nguyên nhân chính trị nữa.

Về kỹ thuật, các giếng dầu của Ả Rập Saudi đang sản xuất 11 triệu thùng/ngày, đạt ngưỡng tối đa. Tại Nga, các giếng dầu, đặc biệt ở vùng Siberia khi mùa đông đến sẽ bị đóng băng cũng khó có thể tăng thêm sản lượng. Đấy là chưa kể đến quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp lắm giữa Mỹ với hai nước này.

Trong tình hình như vậy, giá dầu sẽ có nhiều khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng, ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế toàn cầu, trước hết là các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Giá dầu tăng cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới nền chính trị và kinh tế Mỹ vừa mới được phục hồi và ông Trump sẽ rơi vào thế yếu trước đảng Dân chủ trong nửa cuối nhiệm kỳ Tổng thống kết thúc vào năm 2020.

Tương lai quan hệ Mỹ-Iran

Iran đã sống 40 năm dưới sự cấm vận của Mỹ kể từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo giành được thắng lợi lật đổ chế độ của Vua R. Pahlevi thân Mỹ năm 1979. Trong 40 năm ấy quan hệ Iran-Mỹ luôn luôn trong tình trạng căng thẳng.

Chưa kể đến thời kỳ trước khi đạt được Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015, cả thế giới cấm vận Iran theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Iran vẫn đứng vững.

Nay, tình hình quốc tế đã thay đổi, Iran đã có nhiều bạn bè và đồng minh, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể gây khó khăn, nhưng khó có thể làm cho chính quyền Hồi giáo ở Iran sụp đổ hoặc thay đổi đường lối đối nội, đối ngoại của Tehran.

Cùng với các biện pháp trừng phạt, chính quyền Trump đã đưa ra 12 điều kiện mà ai cũng thấy Iran không thể thực hiện được để bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, việc Mỹ ráo riết chuẩn bị kế hoạch thành lập một "NATO" Ả Rập chống Iran sẽ chỉ làm cho quan hệ Mỹ-Iran trở nên căng thẳng thêm.

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran vòng hai, các lực lượng không quân thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) và quân đội Iran đã bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước tới nay mang tên "Những người bảo vệ bầu trời năm 2018" với sự tham gia của các máy bay, hệ thống tên lửa do Iran chế tạo.

Mục đích của cuộc tập trận quy mô lớn này là nhằm gửi đi một thông điệp tới Washington và các đồng minh của họ ở khu vực rằng Iran sẵn sàng cho khả năng đối đầu quân sự.

Tình hình hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là trái với các tuyên bố trước đây của Nhà Trắng quyết "đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về số 0", Washington đã cho phép 8 nước tiếp tục được mua dầu của Iran.

Quyết định này không chỉ chứng tỏ rằng Mỹ không thể ngăn cản được Iran xuất khẩu dầu và không muốn gây tổn hại cho kinh tế của các nước đồng minh, mà đây còn có thể là một cử chỉ giảm nhẹ đối với Iran trong tình hình mối quan hệ Mỹ-Ả Rập Saudi trục trặc sau vụ nhà báo Khashoggi bị giết nhằm giữ cầu với Tehran và mở cửa cho khả năng đối thoại giải quyết các bất đồng giữa hai nước.

Iran là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lên tới 157,3 tỷ thùng, sản lượng trên dưới 4,2 triệu thùng/ngày, đứng thứ tư thế giới cả về trữ lượng và sản lượng là một nhân tố hết sức quan trọng không thể thiếu được trong việc ổn định giá dầu. Việc loại Iran ra khỏi thị trường dầu mỏ thế giới là một hành động sai lầm mang tính chất thiển cận.

Một tập hợp lực lượng mới nhằm đối phó lại lệnh trừng phạt và ảnh hưởng của Mỹ.

Động thái lạ của Mỹ khi giáng đòn trừng phạt thâm độc nhằm vào Iran - Ảnh 2.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran là hành động đơn phương. Hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế đều bác bỏ lệnh trừng phạt này của Washington và ủng hộ lập trường của Iran. Lệnh trừng phạt của Mỹ đang đẩy Iran liên kết với các nước lớn khác như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)...

Một tập hợp lực lượng mới chống lại sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới thông qua việc áp dụng phương thức hàng đổi hàng, thành toán các hợp đồng thương mại bằng đồng nội tệ, chẳng hạn như đồng Rúp của Nga, Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Euro của châu Âu và đồng Yên của Nhật Bản.

Đây không chỉ đơn thuần là một tập hợp mang nội hàm kinh tế để đối phó lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà còn là một tập hợp chính trị, thậm chí cả về quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ.

Việc phối hợp quan điểm giữa các nước này trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, cuộc xung đột Palestine-Israel, việc một số nước khu vực chuyển sang mua vũ khí hiện đại của Nga, trong đó có hệ thống phòng không S-400 là những dấu hiệu cho thấy một cục diện mới ở khu vực Trung Đông cũng như trên thế giới đang bắt đầu hình thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại