Ngày mai (5/11), Mỹ bắt đầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ. Áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào Iran, nhưng Mỹ cũng cấp quyền miễn trừ cho 8 quốc gia để tạm thời tiếp tục mua dầu Iran.
Bước đi này được cho là giúp giảm nhẹ cú sốc lớn đối với thị trường dầu, cũng như đảm bảo Iran có thời gian để thích ứng dần với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Dự kiến danh sách các quốc gia được miễn trừ áp lệnh trừng phạt với Iran sẽ được chính thức công bố vào ngày mai (5/11), khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran bắt đầu có hiệu lực. Danh sách các nước trong quyền miễn trừ này được cho là các đồng minh của Mỹ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho rằng nước này cũng nằm trong số các nước nhận được quyền miễn trừ: “Theo thông tin chúng tôi nhận được, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số những nước nhận được quyền miễn trừ. Tuy nhiên chưa có thông báo chính thức. Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động thương mại dầu và khí đốt với các quốc gia láng giềng. Các lựa chọn là rất giới hạn. Những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự cảm thông của một số đối tác”.
Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran cũng có thể nằm trong danh sách nhận quyền miễn trừ, khi Mỹ đang cố gắng làm hạ nhiệt những căng thẳng với Trung Quốc bên cạnh các bất đồng thương mại đang gia tăng.
Hiện chưa rõ số lượng bao nhiêu dầu thô các quốc gia này được phép mua của Iran. Xuất khẩu của Iran trước lệnh trừng phạt ở mức khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, mặc dù giảm mạnh trong những tuần gần đây, xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Với quyết định miễn trừ trừng phạt cho 8 quốc gia, bước đi của Mỹ nhằm làm giảm cú sốc nguồn cung dầu trên thị trường.
Phản ứng tích cực
Thị trường đã ngay lập tức có phản ứng tích cực với việc giá dầu giảm, khi các nhà đầu tư cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không “khắc nghiệt” như dự đoán và sẽ không dẫn tới việc giảm ngay lập tức nguồn cung dầu trên thị trường.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao cũng nhận định, quyết định của Mỹ đưa ra nhằm “cân bằng” mối quan hệ với các đồng minh cũng như là một sự nhượng bộ sau áp lực gia tăng từ EU đang vận động hành lang để giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo Iran.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng có một số nước khó có thể thực hiện ngay lập tức dừng hoàn toàn việc mua dầu của Iran. Vì vậy, Mỹ muốn gia tăng sức ép tối đa với Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô, nhưng cũng không muốn làm tổn hại các nước đồng minh và bạn bè vốn phụ thuộc nhiều vào dầu của Iran”.
Nếu đúng như dự đoán về danh sách các nước nhận quyền miễn trừ trừng phạt thì đây đều là các quốc gia mua lượng dầu lớn của Iran, và các nước này có thời gian thích ứng dần dần với các hợp đồng mua dầu không bị cắt đột ngột.
Trong một phản ứng đưa ra, các quan chức Iran cho rằng việc Mỹ miễn trừ trừng phạt cho 8 quốc gia này cho thấy tầm quan trọng của ngành năng lượng nước này và Iran không thể bị loại khỏi thị trường dầu.
Miễn trừ tạm thời
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, quyền miễn trừ trừng phạt này chỉ có tác dụng tạm thời. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, đây chỉ là quyền miễn trừ tạm thời và Mỹ mong muốn các nước sẽ tiếp tục cắt giảm dần lượng dầu mua của Iran.
Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm loại bỏ hoàn toàn các nguồn lợi mà Iran nhận được, gia tăng sức ép buộc quốc gia này phải từ bỏ các hành động mà Mỹ cáo buộc bất hợp pháp gây mất ổn định khu vực.
Iran cũng đang nỗ lực tìm cách đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua (3/11) đã có cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và những người đồng cấp Đức, Thụy Điển, Đan Mạch nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu trong bối cảnh Mỹ dự định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran./.