Mỹ gấp rút tìm cách thoát ly "ông trùm đất hiếm": Cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam?

Tất Đạt |

Sự phụ thuộc quá mức vào đất hiếm Trung Quốc khiến Mỹ gặp những vấn đề chiến lược nghiêm trọng, đặc biệt khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.

Quá phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc

Theo SCMP, mặc dù hiện tại Bắc Kinh vẫn đang cố gắng duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực đất hiếm, nhưng các nước phương Tây đang ngày càng đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm để thoát ly khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc.

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói Mỹ muốn chấm dứt "sự phụ thuộc quá mức" vào đất hiếm, tấm pin mặt trời và các mặt hàng quan trọng khác từ Trung Quốc, để ngăn Bắc Kinh sử dụng các nguồn tài nguyên đó như một vũ khí thương mại bằng cách cắt giảm nguồn cung cấp, như nước này đã từng làm với các quốc gia khác.

"Chúng ta không thể cho phép các quốc gia như Trung Quốc sử dụng vị thế thị trường của họ trong các nguyên liệu thô, công nghệ hoặc sản phẩm quan trọng để phá vỡ nền kinh tế của nước Mỹ hoặc thực hiện các đòn bẩy địa chính trị mà Mỹ không mong muốn", bà Yellen cho biết và nói thêm rằng Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và cải thiện chuỗi cung ứng.

Mỹ gấp rút tìm cách thoát ly ông trùm đất hiếm: Cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và các đồng minh ngày càng có xu hướng cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là đất hiếm, vốn được sử dụng để chế tạo các thành phần trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm điện thoại thông minh, xe điện và vũ khí dẫn đường chính xác.

David Merriman, giám đốc nghiên cứu về đất hiếm tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: "Các đồng minh phương Tây là động lực chính để tách khỏi Trung Quốc, chứ không phải Trung Quốc đang tìm cách tách khỏi phương Tây".

"Phương Tây vẫn là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm đất hiếm của Trung Quốc. Trung Quốc thu được nhiều lợi ích kinh tế khi duy trì mối quan hệ này. Tuy nhiên, quan điểm của phương Tây hiện tại là tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ địa chính trị ngày càng xấu đi."

Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, với 44 triệu tấn vào năm 2021, chiếm hơn 36% kho dự trữ toàn cầu, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS). Cơ quan chính phủ Mỹ cho biết 78% đất hiếm nhập khẩu của Mỹ là từ Trung Quốc.

Năm ngoái, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua việc sáp nhập 3 công ty nhà nước để tạo thành Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc - một động thái được các nhà phân tích trong ngành coi là một bước quan trọng nhằm củng cố năng lực dẫn đầu trong sản xuất khoáng sản của nước này.

Chính quyền ông Biden vào tháng 2 đã công bố các động thái của chính phủ liên bang và ngành công nghiệp tư nhân trong nước nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tiềm năng của Việt Nam

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Kỹ thuật Quốc phòng Mỹ (DTIC) - cơ quan lưu trữ thông tin nghiên cứu và kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Việt Nam có những thế mạnh tiềm tàng to lớn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là đất hiếm.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết nguồn tài nguyên đất hiếm của Việt Nam được đánh giá có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc, gồm các vùng Nậm Xe, Đông Pao, Mường Hum và Yên Bái. Trữ lượng của Việt Nam tới nay đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, do chưa phát triển được công nghệ khai thác, nên nước ta chưa tận dụng được hết giá trị của đất hiếm.

Mỹ gấp rút tìm cách thoát ly ông trùm đất hiếm: Cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Việt Nam có vị thế trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc trở thành nguồn cung cấp đất hiếm lớn trong tương lai. Đặc biệt, báo cáo còn khuyến nghị Mỹ cần bắt đầu dự trữ các dòng đất hiếm loại nặng, đặc biệt là yttrium, để thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

May mắn thay, các thân quặng đất hiếm của Việt Nam rất giàu yttrium. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một đối tác tiềm năng trong việc tìm kiếm sự đa dạng của các nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ.

Ngoài ra, việc Mỹ có thể hợp tác tái chế các quặng oxit đất hiếm và giúp Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân càng khiến cho đất hiếm Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Giải pháp của Mỹ

Việc hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới để khai thác đất hiếm sẽ cần nhiều thời gian. Hiện tại, các biện pháp trước mắt của Mỹ bao gồm một hợp đồng trị giá 35 triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ với MP Materials để xử lý các nguyên tố đất hiếm nặng tại cơ sở sản xuất California của công ty - cơ sở chế biến và phân tách đầu tiên thuộc loại này ở Mỹ.

"Liệu nó có thành công không? Đó là một câu hỏi khác", Kristin Vekasi, phó giáo sư và chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Maine, người đã tiến hành nghiên cứu về nền kinh tế chính trị toàn cầu của đất hiếm, cho biết.

"An ninh kinh tế, an ninh chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi... các chính phủ khác nhau tập trung vào những khía cạnh khác nhau".

Ông Vekasi nói rằng Nhật Bản đã có "một số thành công" trong việc đa dạng hóa nguồn cung, tách khỏi Trung Quốc sau một tranh chấp thương mại vào năm 2010.

"Tôi nghĩ việc giảm thị phần có lẽ là điều không thể tránh khỏi," ông Vekasi nói. "Nhưng đó cũng là do thị trường ngày càng lớn... các nước sẽ sản xuất nhiều hơn, vì vậy thị phần của Trung Quốc sẽ trở nên nhỏ hơn."

Mỹ gấp rút tìm cách thoát ly ông trùm đất hiếm: Cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam? - Ảnh 3.

Trung Quốc cũng đang chi một khoản tiền lớn để nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của nước này. Vào tháng 5, chính quyền địa phương ở vùng Nội Mông, nơi có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới nằm ở khu khai thác Bayan Obo, cho biết đã chi 12,9 tỷ nhân dân tệ (1,9 tỷ USD), số tiền đầu tư cao kỷ lục cho khu vực này để dùng cho 41 dự án đất hiếm mới kể từ tháng 10/2021.

Một số nhà máy mới này đã đi vào sản xuất, phần còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Mục tiêu của khoản đầu tư này là tăng giá trị của ngành công nghiệp đất hiếm từ hơn 350 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 lên 1 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2025 - theo các nhà chức trách Nội Mông.

Theo SCMP, các nhà phân tích vẫn nghi ngờ về việc liệu nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm thoát ly khỏi Trung Quốc có mang lại kết quả hay không.

Theo ông Vekasi, chiến lược đa dạng hóa của Nhật Bản bao gồm các thỏa thuận đối tác kinh tế mới, liên doanh, thăm dò khai thác và các nhà máy chế biến đất hiếm ở khắp châu Á, châu Mỹ và Úc. Nhưng Nhật Bản cũng đã mất hơn một thập kỷ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và không phải tất cả các khoản đầu tư khổng lồ của họ đều thành công.

Từ năm 2008 đến 2018, tỷ lệ nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản từ Trung Quốc đã giảm từ 91,3% xuống còn 58%, theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ tổng hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại