Mỹ gặp khó trong “cuộc chơi” trên đại dương

HOÀNG VŨ |

Trong khi hải quân Mỹ có nhiều điều kiện để phát triển nhờ việc Washington tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng này lại đang bị chính giới truyền thông Mỹ đặt dấu chấm hỏi.

Tờ Business Insider mới đây cho biết, sự chậm trễ trong khâu sửa chữa và bảo trì khiến số lượng tàu sân bay Mỹ được triển khai thực hiện nhiệm vụ thấp ở mức kỷ lục trong 25 năm qua. Theo đó, trong năm 2018 này, chỉ 15% trong tổng số các tàu sân bay của Mỹ hoạt động.

Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1992 ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã. Trong khi đó, từ năm 2000 đến 2016, thời gian "đắp chiếu" của các tàu sân bay Mỹ là 1.300 ngày.

Theo Business Insider, sau khi thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, tàu sân bay USS Dwight D.Eisenhower được lệnh rời khỏi Trung Đông vào tháng 12-2016.

Theo kế hoạch ban đầu, sau khi được bảo trì, tàu USS Dwight D.Eisenhower sẽ được triển khai thực hiện nhiệm vụ vào tháng 2-2018. Thế nhưng, trên thực tế, thời gian bảo trì lại kéo dài gấp 3 lần so với dự kiến và phải tới năm 2019, tàu USS Dwight D.Eisenhower mới có thể tiếp tục hoạt động.

"Việc bảo trì tốn nhiều thời gian hơn so với dự kiến gây không ít thiệt hại cho hải quân Mỹ xét dưới góc độ SSCĐ. Các quan chức hải quân Mỹ cũng thừa nhận lực lượng này đang phải trả giá đắt do việc sử dụng quá mức các tàu sân bay trong những sứ mệnh hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11-9", tờ Business Insider nhấn mạnh.

Không chỉ gặp vấn đề với hạm đội tàu sân bay, hải quân Mỹ còn phải đối mặt với sự thiếu hụt tàu ngầm. Trước năm 2016, hải quân Mỹ tin rằng họ chỉ cần 48 chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN) trong 30 năm tiếp theo.

Thế nhưng, trước sự trỗi dậy của hạm đội tàu ngầm Nga và năng lực sản xuất tàu ngầm ngày càng được nâng cao của Trung Quốc, nhu cầu về tàu ngầm của hải quân Mỹ cần phải thay đổi theo.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề của hạm đội tàu sân bay Mỹ được giới truyền thông đề cập. Trong một bài viết, Tạp chí National Interest từng cho rằng hạm đội tàu sân bay Mỹ hiện đã già cỗi và lạc hậu.

Tạp chí này nhận định các tàu sân bay Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi "cuộc chơi" trên đại dương do sự phổ biến của các loại tên lửa hiện đại.

Theo đó, nếu xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Mỹ và một cường quốc, hạm đội tàu sân bay của Mỹ sẽ phải đón "những cơn mưa tên lửa" từ đối thủ, bởi những loại tên lửa chống hạm tầm xa hiện đại.

Theo Tạp chí National Interest, cả Nga và Trung Quốc hiện đang xây dựng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mạnh mẽ.

Các tàu ngầm hạt nhân Nga có thể mang cả tên lửa hành trình chống hạm Kalibr 3M-54 có phạm vi hoạt động lên tới 660km và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Oniks với tầm phóng hơn 600km.

Nếu các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ có thể xuất kích, chúng sẽ gặp phải một sát thủ ghê gớm là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400, với phạm vi tấn công xa đến 400km và sắp tới là hệ thống S-500 với tầm phóng tới 600km.

Đối với Trung Quốc, nước này cũng đã tuyên bố chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 có tầm phóng lên tới 3.500km.

Năm 2016, Bộ trưởng Hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Ray Mabus, cho biết hải quân nước này cần có trong biên chế 66 chiếc SSN và SSGN.

Thế nhưng, theo Tạp chí National Interest, đến giữa năm 2018, hải quân Mỹ mới chỉ có trong tay 56 chiếc SSN và SSGN, bao gồm 13 chiếc lớp Virginia, 36 chiếc lớp Los Angeles, 3 chiếc lớp Seawolf và 4 chiếc lớp Ohio vốn mang tên lửa đạn đạo đã được cải tiến thành những SSGN mang theo tên lửa hành trình Tomahawk vào đầu thập niên 2000.

Theo Tạp chí National Interest, hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt tàu ngầm nhiều hơn vì đến những năm 20 của thế kỷ này, nhiều chiếc tàu ngầm lớp Los Angeles vốn được mua ồ ạt trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước sẽ đến tuổi "về vườn".

Tương tự, 4 chiếc tàu ngầm lớp Ohio được cải tiến theo kế hoạch cũng sẽ bị loại khỏi biên chế vào cuối thập niên 2020. Hải quân Mỹ ước tính, đến năm 2029, tổng số lượng tàu ngầm của lực lượng này giảm xuống chỉ còn 41 chiếc SSN và SSGN.

"Tình cảnh hiện nay là chúng ta không thể đóng và bàn giao kịp các tàu ngầm để lấp đầy sự thiếu hụt đó", Tạp chí National Interest dẫn lời Phó đô đốc Bill Merz của hải quân Mỹ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại