Mỹ gạ bán máy bay F-16, Trung Quốc thẳng thừng từ chối: Bắc Kinh cầm vàng lại để vàng rơi!

Trịnh Ngọc Tiến |

Trong những năm 1980, Trung Quốc đã có cơ hội sở hữu một trong những chiến đấu cơ tốt nhất của Mỹ khi đó, tuy nhiên mọi việc lại không diễn ra suôn sẻ như Bắc Kinh hy vọng.

Tuần trăng mật Mỹ - Trung

Vào cuối những năm 1960, khi quan hệ Trung Quốc - Liên Xô bắt đầu xấu đi, thậm chí còn có những cuộc tranh chấp biên giới, từ một đồng minh thân thiết Bắc Kinh trở thành đối thủ "không đội trời chung" với Moscow.

Đây cũng là giai đoạn chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ đỉnh điểm, Mỹ đang muốn lợi dụng mối bất đồng Trung - Xô, để lôi kéo Trung Quốc vào liên minh chống Liên Xô, do vậy bắt đầu từ đầu những năm 1970, quan hệ Trung - Mỹ dần "ấm lên".

Năm 1979, Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và bắt đầu thời kỳ "trăng mật" Trung - Mỹ.

Vì muốn lôi kéo Trung Quốc vào liên minh chống Liên Xô, nên Mỹ đương nhiên phải thể hiện sự chân thành. Đầu năm 1978, mặc dù hai nước chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Harold Brown đã đến thăm Trung Quốc.

Dưới sự chỉ đạo của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, ông Brown nói với Trung Quốc rằng: "Mỹ có thể bán các thiết bị quân sự phi sát thương cho Trung Quốc."

Đây cũng là lần đầu tiên, Washington bày tỏ ý định sẵn sàng bán vũ khí sự cho Bắc Kinh.

Năm 1979, một phái đoàn của Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã đến thăm Mỹ và lần đầu tiên, đại diện quân đội hai nước đã tiến hành trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế. Kể từ đó, quan hệ Trung-Mỹ ngày càng trở nên "nòng ấm".

Vào tháng 3/1980, Mỹ chính thức điều chỉnh xếp hạng quân sự cho Trung Quốc như là một "quốc gia không đồng minh thân thiện".

Khi Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Geng Biao đến thăm Mỹ năm 1983, Mỹ đã tăng bậc quan hệ quân sự với Trung Quốc, đạt đến cấp độ tương đương với các đồng minh châu Âu. Với cấp độ quan hệ này, Trung Quốc có thể mua nhiều loại vũ khí của Mỹ.

Mỹ gạ bán máy bay F-16, Trung Quốc thẳng thừng từ chối: Bắc Kinh cầm vàng lại để vàng rơi! - Ảnh 2.

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Geng Biao (giữa ảnh) trong chuyến thăm Mỹ vào năm 1983. Ảnh: nara.getarchive.

Thấy thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc, các nước châu Âu cũng đã bắt đầu bán vũ khí và thiết bị cho Bắc Kinh. Năm 1984, khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đến thăm Trung Quốc, ông đã công khai nhấn mạnh: "Một Trung Quốc hùng cường hoàn toàn vì lợi ích của Mỹ".

Hợp tác trong lo sợ

Trong thời gian đó, Trung Quốc đã mua được nhiều vũ khí và thiết bị quân sự tiên tiến mà trước đây họ không dám nghĩ tới, chẳng hạn như trực thăng Sikorsky S-70 phiên bản dân sự (sau này được Trung Quốc phát triển trực thăng Z-20), động cơ tua bin khí cho tàu biển, ngư lôi hạng nhẹ MK46, máy bay vận tải đa năng C-130 cùng nhiều loại vũ khí khác.

Ở thời điểm đó Không quân Mỹ cũng bắt đầu đưa các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 vào trang bị hàng loạt, sự kiện này giành được sự chú ý đặc biệt từ phía Bắc Kinh. Điều này cũng dễ hiểu khi Không quân Trung Quốc trong những năm 1980 quá nghèo nàn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dĩ nhiên muốn không quân nước của họ sở hữu một chiến đấu cơ như F-16 "Falcon", mới được Không quân Mỹ đưa vào biên chế năm 1978.

Mặc dù muốn lợi dụng Trung Quốc để chống Liên Xô, nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ cũng hiểu rõ "tư tưởng nước lớn" của Trung Quốc, vì vậy Mỹ vẫn giữ thái độ "cảnh giác" trước Trung Quốc.

Mỹ cũng hiểu rất rõ rằng, một khi F-16 tiên tiến nhất được trao cho Trung Quốc vào thời điểm đó, trong trường hợp Trung Quốc bất ngờ quay lưng lại với Mỹ (như trường hợp quay lưng lại với Liên Xô), thì các phi công Mỹ phải đối mặt với chính những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất và thậm chí những chiếc F-16 này có thể rơi vào tay của Liên Xô.

Và người Mỹ với tính "thực dụng" của mình, đã tính toán bán các phiên bản F-16 bị cắt giảm nhiều tính năng cho Bắc Kinh. Như vậy Washington vừa bán được vũ khí mà lại không sợ bị lo thất thoát công nghệ.

Mỹ gạ bán máy bay F-16, Trung Quốc thẳng thừng từ chối: Bắc Kinh cầm vàng lại để vàng rơi! - Ảnh 3.

Phiên bản xuất khẩu F-16 có tên mã F-16/79 mà Mỹ dự định bán cho Trung Quốc. Ảnh: f-16.net.

Để phục vụ cho chính sách xuất khẩu thương mại của Mỹ vào thời điểm đó, hãng General Dynamics đã chế tạo ra một phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng so với phiên bản gốc của F-16 (có tên mã F-16/79); động cơ F100-PW-200 nguyên bản được thay thế bằng động cơ J79-GE-17X yếu hơn (động cơ của F-4 Phantom II).

Ngoài ra, phiên bản F-16 xuất khẩu cho Trung Quốc cũng bị giới hạn ở khả năng tấn công mặt đất, tải trọng và phạm vi hoạt động kém hơn F-16 bản gốc. Nhưng dù có bị cắt giảm tính năng, F-16/79 vẫn vượt xa so với tất cả các loại máy bay chiến đấu hiện có khi đó của Không quân Trung Quốc.

Trung Quốc muốn mua nhưng không có tiền

Mặc dù, thương vụ F-16/79 được Tổng thống Reagan "bật đèn xanh" nhưng sau nhiều lần đàm phán Trung Quốc lại bất ngờ từ bỏ kế hoạch mua sắm chiến đấu cơ Mỹ, khiến General Dynamics "vuột" mất một trong những hợp đồng xuất khẩu lớn nhất thời điểm đó.

Một trong những lý do chính khiến Trung Quốc không mua F-16 là vì họ khi đó không có tiền. Ngay cả phiên bản F-16/79 cũng được Mỹ bán với giá hơn 10 triệu USD, nếu là F-16 bản gốc, giá là hơn 14 triệu USD.

Vào thời điểm đó, nếu Trung Quốc mua F-16, ngoài số tiền phải bỏ ra mua máy bay, kèm theo đó là vũ khí và gói bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; do vậy trên thực tế, giá một chiếc F-16 phải có giá gấp 2 đến 3 lần giá mua một máy bay ban đầu.

Mỹ gạ bán máy bay F-16, Trung Quốc thẳng thừng từ chối: Bắc Kinh cầm vàng lại để vàng rơi! - Ảnh 4.

Trực thăng vận tải đa năng Sikorsky S-70 là một trong nhiều thiết bị quân sự được Trung Quốc mua từ Mỹ trong những năm 1980. Ảnh: AviationIntel.com.

Nhưng vào thời điểm năm 1985, Trung Quốc chưa có bất kỳ nguồn dự trữ ngoại hối nào. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng chỉ mới mở cửa được mấy năm, GDP chỉ hơn 120 tỷ USD mỗi năm.

Hơn nữa, vẫn còn rất nhiều thiết bị quân sự có tính cấp bách mà Trung Quốc cần mua hơn vào thời điểm đó. Vì vậy, Trung Quốc cũng không thể dồn mọi nguồn lực để mua F-16.

Sau khi cân nhắc ưu và nhược điểm, Trung Quốc quyết định hủy thương vụ mua F-16. Đây cũng là điều đáng tiếc cho cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng sau này lại là điều "may mắn" với Mỹ, khi chứng kiến Trung Quốc "sao chép" hàng loạt chiến đấu cơ Su-27 của Nga, mà "không cần hỏi ý kiến" dưới tên J-11.

Theo Trì Hạo Điền, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thái độ của Mỹ lúc đó rất xây dựng; mặc dù Mỹ không đồng ý bán tất cả các loại vũ khí và thiết bị cho Trung Quốc, nhưng Mỹ luôn tỏ thiện chí trong các cuộc đàm phán.

Khi đó Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể cung cấp công nghệ và dây chuyền sản xuất, đặc biệt là công nghệ sản xuất các thiết bị chính như động cơ và radar trên máy bay, nhưng phía Mỹ hoàn toàn không đồng ý vì lo sợ phía Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

Trong thời điểm đó, Trung Quốc không chỉ có sự lựa chọn với máy bay F-16; Công ty Grumman của Mỹ cũng có liên hệ thường xuyên với Trung Quốc, để bán máy bay chiến đấu F-14 Tomcat nổi tiếng. Thông tin cho thấy, Mỹ cũng có ý định bán máy bay chiến đấu F-14 cho Trung Quốc, giống như họ đã xuất khẩu F-14 cho Iran.

Thậm chí, để "dỗ" Trung Quốc, Mỹ đã cho phép các công ty quốc phòng của nước này bán tên lửa không đối không nổi tiếng AIM-54 "Undead Bird" đi kèm với đó là công nghệ và dây chuyền sản xuất, nếu Trung Quốc đồng ý mua F-14.

Nhưng khi đó Trung Quốc chưa có tàu sân bay, việc mua một loại máy bay chiến đấu trên hạm, là một sự lãng phí; ngoài ra cơ cấu "cánh cụp, cánh xòe" của F-14 rất khó bảo trì, sửa chữa; cộng với giá thành quá cao của loại chiến đấu cơ này và ngân sách quốc phòng hạn hẹp của Trung Quốc, cuối cùng ý tưởng đã bị hủy bỏ.

Đến cuối những năm 1980, mối quan hệ giữa Mỹ - Trung bắt đầu đi xuống, kéo theo đó việc đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự. Washington và phương Tây còn áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Bắc Kinh, và cơ hội duy nhất để Trung Quốc mua máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất đã biến mất.

Chuyên gia quân sự Mỹ Jimmy Cooper từng viết rằng, nếu thời kỳ "trăng mật" Mỹ - Trung kéo dài chỉ thêm vài năm nữa, Bắc Kinh có thể sẽ trở thành khách hàng lớn của hãng chế tạo máy bay quân sự Mỹ. Thật đáng tiếc rằng, lịch sử không có chữ "nếu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại