Mỹ đe dọa tấn công quân sự, phá hủy tên lửa "có thể xuyên thủng mọi lá chắn" của Nga

Vy Lam |

Mỹ tin rằng Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa trên bộ, cho phép Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân gần như tức thì nhằm vào châu Âu.

Theo Washington, điều này đã vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 1987.

Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho biết mặc dù vẫn hướng tới giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này, nhưng Washington cũng đã chuẩn bị tinh thần cân nhắc phương án tấn công quân sự nếu Nga tiếp tục chương trình phát triển hệ thống tên lửa tầm trung này.

"Tại thời điểm đó, chúng tôi sẽ xem xét khả năng phá hủy tên lửa mà Nga có thể sử dụng để tấn công bất cứ quốc gia nào trong liên minh" - bà Hutchison phát biểu trong cuộc họp báo.

"Các biện pháp đối phó [do Mỹ tiến hành] sẽ nhằm phá hủy các tên lửa [Nga đang phát triển] vi phạm hiệp ước", bà Hutchison nói, "Họ [Nga] đã được cảnh báo về điều này".

Hiện Bộ Ngoại giao Nga chưa đưa ra bình luận nào trước tuyên bố trên. Trước đó, Moscow cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Mỹ để duy trì hiệp ước và sẽ tuân thủ các điều khoản đề ra nếu Mỹ cũng thực hiện nghiêm túc.

Mỹ đe dọa tấn công quân sự, phá hủy tên lửa có thể xuyên thủng mọi lá chắn của Nga - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cảnh báo khả năng Mỹ tấn công quân sự, phá hủy tên lửa Nga vi phạm hiệp ước INF.

Theo Reuters, tuyên bố của bà Hutchison là lời cảnh báo "trực tiếp nhất" về khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga kể từ sau khi một quan chức Mỹ hồi năm ngoái thông báo rằng, Washington sẽ cân nhắc phát triển hệ thống tên lửa tương tự nếu Moscow tiếp tục vi phạm Hiệp ước INF.

Hiệp ước này nghiêm cấm phát triển các tên lửa tầm trung có thể tấn công châu Âu hoặc Alaska. Năm 2017 đã đánh dấu 30 năm hiệp ước INF được ký kết.

Tuy nhiên, cũng trong năm này, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ phát hiện Nga đã vi phạm các điều khoản "không sở hữu, sản xuất, hay thử nghiệm bay" tên lửa hành trình phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500-5.000km, "hoặc không sở hữu/sản xuất các bệ phóng tên lửa đó".

"Trong vài năm qua, chúng tôi đã cố gửi thông điệp đến Nga rằng chúng tôi biết họ vi phạm hiệp ước, và đã đưa ra bằng chứng để chứng minh điều này" - bà Hutchison nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề trên với các đối tác NATO tại cuộc họp kéo dài hai ngày ở Brussels, bắt đầu từ ngày mai (3/10).

"Tôi không thể đoán trước tình hình sẽ đi đến đâu, điều đó sẽ do Tổng thống quyết định, nhưng theo tôi được biết thì Quốc hội và Bộ Ngoại giao Mỹ đang rất lo ngại về tình hình hiện nay.

Tôi sẽ mang về các lời khuyên từ phía các quốc gia đồng minh và tham gia vào cuộc thảo luận đó để xác định đường hướng sắp tới" - ông Mattis nói với các phóng viên tại Paris.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), loại tên lửa mà bà Hutchison đề cập là tên lửa hành trình mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729 của Nga.

Với tầm bắn gần 5.500 km và hành trình bay phức tạp, tên lửa hành trình 9M729 được coi là mối đe dọa không thể đối phó đối với Mỹ và đồng minh châu Âu.

Tháng 4 năm ngoái, tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, thừa nhận tên lửa 9M729 (NATO gọi là SSC-8) có thể đánh bại các lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại