Theo hãng tin Sputnik (Nga), USS Zumwalt (DDG-1000) - đứa con tinh thần yêu quý, được dán mác "chiến hạm tiên tiến nhất trên thế giới" của Hải quân Mỹ - đang bị tranh cãi bủa vây, bởi nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng chiếc "siêu tàu khu trục" này không có bất cứ giá trị chiến đấu nào.
Hôm 20/5, Hải quân Mỹ đã tiếp nhận chiếc tàu đầu tiên lớp Zumwalt - dự kiến sẽ cầm đầu hạm đội tàu khu trục tương lai của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng tình rằng, chất lượng chiến đấu của nó vẫn là một dấu hỏi, nhất là khi xét đến tỷ lệ giá cả/giá trị.
Tính thiết thực của con tàu lần đầu tiên được mổ xẻ vào năm 2008, trong quá trình xây dựng. Đô đốc Gary Roughead, Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ khi đó đã tuyên bố rằng DDG-1000 là một con tàu vô dụng, bởi năng lực vận hành kém, thiếu khả năng bảo vệ, không được trang bị vũ khí laser, điện từ.
Phần mũi nhọn của tàu được thiết kế để "rẽ sóng" nhưng lại khiến nó trông giống như một chiếc tàu giáp sắt từ thời nội chiến Mỹ, vốn mang tiếng là có độ ổn định thấp.
Thiết kế mũi nhọn khiến Zumwalt bị chê là trông giống tàu giáp sắt thời nội chiến Mỹ.
Theo kế hoạch ban đầu, con tàu sẽ được lắp đặt pháo laser và pháo điện từ, tuy nhiên, Mỹ đã đình chỉ chương trình phát triển những vũ khí này khi tàu đang trong quá trình xây dựng. Thay vào đó, Zumwalt trang bị các hệ thống pháo và tên lửa truyền thống.
Tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow của Zumwalt có tầm bắn 50km và tầm đánh chặn 15km, khiến nó không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ phòng không hỗn hợp mà con tàu "khổng lồ" dài 186m được tạo ra để đảm nhiệm.
"Chiến hạm của tương lai" này cũng không có các tên lửa chống tàu, trong khi đây là một thành tố vô cùng cần thiết đối với những tàu chiến loại này.
USS Zumwalt chỉ có thể đáp trả đối phương bằng pháo 155mm, đây là loại pháo mạnh nhưng lại có tốc độ bắn chậm, chỉ 10 phát/phút.
Theo các chuyên gia Nga, vũ khí trên tàu Zumwalt không đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ mà nó được tạo ra để đảm nhận.
Năng lực "độc đáo" của Zumwalt là khả năng "gần như không bị đối phương phát hiện, cho tới khi quá muộn". Song, theo nhà bình luận quân sự Nga Viktor Baranets, đó là "sự thổi phồng", hay "một câu chuyện cổ tích cho kẻ khù khờ".
Các thiết bị trinh sát hiện đại trên không và trong không gian sẽ không cho phép cỗ máy khổng lồ này tiếp tục là mục tiêu khó phát hiện trên mặt biển, ông Baranets tuyên bố.
Tuy nhiên, con tàu có thể tránh bị phát hiện ở những vùng biển sâu và phần lớn có cấu tạo tự động hóa.
Khả năng 'tàng hình' của Zumwalt được xem là một sự thổi phồng.
Một nhược điểm khác của Zumwalt, đó là mặc dù tiêu tốn tới 4,4 tỷ USD nhưng nó lại không có vai trò chiến thuật đặc biệt nào trong hạm đội.
"Con tàu này rõ ràng là dấu hiệu tiến bộ về kỹ thuật quân sự", chuyên gia quốc phòng Viktor Litovkin nói với RT, "tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Người Mỹ sẽ dùng chiếc tàu khu trục này để đánh nhau với ai? với Nga ư?
Đối đầu với Nga đồng nghĩa với việc đẩy bản thân vào nguy cơ bị tấn công hạt nhân. Mỹ sẽ không liều lĩnh như vậy. Có vẻ họ sẽ dùng nó để dọa dẫm những nước yếu hơn. Còn xét về tính thực tế, Zumwalt là một sự thừa thãi".
Song, Litovkin cho rằng Nga phần nào có thể "hưởng lợi" từ con tàu mới nhất này, đó là áp dụng kinh nghiệm của người Mỹ.
"Bất chấp những khiếm khuyết, Zumwalt vẫn là một bước tiến", ông Litovkin nhấn mạnh, "chúng ta cũng đang nghiên cứu theo hướng này nhưng chúng ta không có nhiều tiền để trang trải cho thứ kinh nghiệm tốn kém và liều lĩnh ấy".
"Chúng ta có những dự án tương tự và chúng ta cần phải làm rõ tính thiết thực của chúng trước khi triển khai. Tại Nga, chúng ta cố gắng phát triển những tiềm năng đầy đủ để ngăn chặn kẻ thù mà không bị lôi kéo vào các cuộc chạy đua vũ trang" - ông Litovkin kết luận.
Khu trục hạm USS Zumwalt lần đầu thử nghiệm trên biển.