Nhà chế tạo USS Zumwalt - siêu tàu khu trục thế hệ mới của Hải quân Mỹ - hứa hẹn rằng con tàu này sẽ gần như "vô hình" trước radar đối phương.
Tuy nhiên, trao đổi với đài Sputnik (Nga), chuyên gia phân tích quân sự Viktor Baranets cho rằng điều đó thật "lố bịch".
Tàu khu trục USS Zumwalt dự kiến được bàn giao chính thức cho Hải quân Mỹ vào hôm nay (20/5) tại buổi lễ tổ chức ở thành phố Bath, tiểu bang Maine. Con tàu được tung hô là một sáng chế tuyệt vời.
Zumwalt sẽ là tàu khu trục lớn nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ, nó được các đối thủ tiềm năng của Mỹ mô tả là một cỗ máy khổng lồ nguy hiểm, khiến kẻ địch gần như không thể phát hiện được cho tới khi mọi chuyện đã quá muộn.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ gọi chiếc tàu 4,4 tỷ USD này là một trong những siêu hạm lớn nhất và tiên tiến nhất trong lịch sử hải quân thế giới, với thiết kế góc cạnh độc đáo và vật liệu hấp thụ radar.
Ngoài pháo hạm và vũ khí phòng không, Zumwalt còn được trang bị 20 cụm ống phóng tên lửa đa năng, có thể phóng 80 tên lửa hành trình Tomahawk.
Trước đó, theo hãng thông tấn AP, khả năng tàng hình của Zumwalt khiến nó khó phát hiện gấp 50 lần so với các tàu khu trục hiện nay.
Trao đổi với đài Sputnik về bước phát triển mới này trong lĩnh vực thiết kế hải quân toàn cầu, cựu đại tá Viktor Baranets - nhà bình luận quân sự lỗi lạc của tờ Komsomolskaya Pravda cho rằng, những tuyên bố về khả năng "vô hình" của tàu Zumwalt mà phía Mỹ đưa ra thật "lố bịch".
Lầu Năm Góc đã chi tới 4,4 tỷ USD cho 1 chiếc tàu khu trục. Trong khi đó, 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia loại mới nhất có chi phí 2,2 tỷ USD. Như vậy, Mỹ đã dùng nguồn ngân sách dành cho 2 tàu ngầm hạt nhân để đóng 1 tàu khu trục Zumwalt.
Ông Baranets nhận định, người Mỹ thích những dự án hoành tráng mà đôi lúc vượt khỏi lý trí.
Vị chuyên gia Nga đồng thời nhấn mạnh rằng, công nghệ tàng hình của Zumwalt về cơ bản không đủ làm suy yếu khả năng phát hiện tàu đối phương của những cường quốc quân sự lớn.
Về khả năng tàng hình của con tàu, theo Baranets, đó chẳng qua chỉ là một câu chuyện cổ tích dành cho những kẻ khù khờ.
"Với khả năng của những loại vũ khí sử dụng hệ thống trinh sát trên không và trong không gian hiện nay, kết hợp với khả năng của các UAV, cỗ máy khổng lồ này không còn là mục tiêu khó phát hiện trên mặt biển" - ông Baranets nói.
Trao đổi với đài Sputnik, Mikhail Lukanin - một chuyên gia phân tích quân sự khác nhận định, Zumwalt là mẫu tàu thú vị với nhiều giải pháp sáng tạo, song, năng lực chiến đấu của nó vẫn là một dấu hỏi.
Thực chất, đây chỉ là một siêu máy tính nổi mang tên lửa, không thể làm thay đổi cán cân lực lượng.
Cũng theo Lukanin, mức chi phí 4,4 tỷ USD cho Zumwalt bằng với chi phí đóng 1 tàu sân bay, trong khi đây lại là phương tiện chiến đấu quan trọng hơn nếu xét từ góc độ quân sự.
Với 4 tỷ USD, Mỹ có thể đóng thêm 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke được vũ trang mạnh hơn. Nếu Zumwalt có 80 ống phóng thì Arleigh Burke có tới 96 ống phóng.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, công nghệ tàng hình được tung hô trên chiếc tàu mới "thực ra đã trở nên khá phổ biến, thậm chí còn được ứng dụng trên các tàu chiến Nga với lượng giãn nước nhỏ hơn".
Dự án tàu Zumwalt khiến người ta liên tưởng tới dự án tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Chương trình F-35 lúc đầu cũng được Lầu Năm Góc ra sức tung hô, nhưng sau đó phải thừa nhận họ đã xúc tiến một chương trình vô ích.
Mỹ công bố hình ảnh chạy thử của khu trục hạm tỷ đô DDG 1000 Zumwalt