Mỹ và Châu Âu được cho sẽ nhắm vào nền công nghiệp quốc phòng Nga.
Thời điểm này, một số quốc gia châu Á đang ngập tràn trong không khí Tết cổ truyền; còn ở phương Tây, cuộc xung đột vẫn rất căng thẳng xoay quanh khủng hoảng an ninh ở Đông Âu.
Châu Âu và Mỹ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine, danh mục khí tài cung cấp cho Ukraine ngày một “nặng” hơn. Nhưng chắc chắn phương pháp này đã bị giới hạn do quan điểm từ đầu của Washington là không đối đầu vũ trang trực diện với Moscow. Chính vì thế, trong năm 2023 đồng minh phương Tây được cho sẽ có nhiều “sáng kiến” phong tỏa Nga trên mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao. Vậy đâu là những “cái cớ”?
Lần đầu tiên trong lịch sử nền công nghiệp quốc phòng Nga, Tổng thống Putin cậy nhờ đến phương tiện quân sự từ bên ngoài. Trong đó, Triều Tiên và Iran được cho là đang bù đắp máy bay không người lái (UAV), đạn pháo và rocket cho quân đội Nga.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã công bố tài liệu khẳng định Mỹ sẵn sàng và có khả năng trừng phạt những cá nhân, công ty và quốc gia cung cấp đạn dược cho Nga hoặc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Nền công nghiệp quốc phòng Nga cũng bị nhắm đến và thực tế trên, các lệnh cấm vận thương mại thông thường phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất vũ khí của Điện Kremlin. Hệ thống nhà máy sản xuất vũ khí tại Nga nhập khẩu phần lớn chip bán dẫn, thiết bị tinh vi từ châu Âu và Mỹ trang bị cho xe tăng, máy bay, tàu ngầm và nhiều khí tài khác.
Các quốc gia được cho là “ủng hộ Nga” hoàn toàn có thể rơi vào tầm ngắm, đặc biệt là các thị trường liên thông, công ty bình phong đổi quốc tịch giúp nền kinh tế, quốc phòng Nga tiếp cận với nguồn từ bên ngoài.
Rõ ràng, nhìn lại toàn cục, đây là cuộc xung đột mà luật pháp quốc tế, tính công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia hoàn toàn bị bỏ qua. Một sự so sánh rất đơn giản mà ai cũng hiểu, đó là Mỹ và đồng minh công khai cung cấp vũ khí cho Kiev - được cho là hợp lệ.
Dĩ nhiên, phương Tây quy kết Nga phá vỡ trật tự luật pháp quốc tế. Nhưng Moscow cũng có lý do của họ - ngăn ngừa NATO, bảo vệ từ xa an ninh quốc gia.
Nga và phương Tây ngày càng bất đồng quan điểm sâu sắc.
Sâu xa trong cuộc đụng độ không khoan nhượng này là bất đồng quan điểm sâu sắc về chiến lược an ninh, chủ quyền quốc gia trong tình hình mới. Đây mới là nguồn cơn nảy sinh mâu thuẫn dai dẳng dẫn đến cuộc chiến hao người tốn của. Bởi lẽ, suy đến cùng chẳng bao giờ có hòa bình nếu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Chiến tranh không bao giờ dừng lại nếu vũ khí vẫn tuồn ra chiến trường một cách đều đặn.
Và, chắc chắn rằng vũ khí Mỹ, châu Âu dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể giúp người dân Ukraine trở lại với cuộc sống hòa bình dựa trên các giá trị cốt lõi của nó - tự do, an toàn và phát triển.
Cũng như thế, nước Nga của Tổng thống Putin dù tiềm lực đến đâu cũng không thể “đơn thương độc mã” chống lại số đông. Chẳng ai có thể hy vọng về tương lai nước Nga tươi sáng nếu quân đội Kremkin có thể “nuốt chửng” toàn bộ Ukraine.
Lịch sử chiến tranh dạy cho loài người nguyên tắc căn bản, tuyệt đối hóa vai trò của vũ lực chỉ đẻ ra thêm vũ lực; và tất thảy mọi cuộc chiến tranh lớn nhỏ chỉ có thể chấm dứt trên bàn đàm phán.