Trong một phiên chất vấn tại Quốc hội diễn ra ngày hôm qua (18/12), các nghị sĩ Đức đã hỏi nữ Thủ tướng Merkel về khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Đức đang tham gia xây dựng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc với Nga. Thủ tướng Đức đã trả lời rằng, bà kiên quyết phản đối những biện pháp trừng phạt như vậy. Bà Merkel nhấn mạnh một cách đầy chắc nịch và cứng rắn rằng, những biện pháp như vậy không thể khiến Berlin từ bỏ dự án. “Chúng ta đã không lùi bước trước áp lực của Mỹ trong vấn đề do thám của NSA và bây giờ chúng ta cũng sẽ không lùi bước”, Thủ tướng Merkel nói.
Trước đó, hôm 17/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thực thể của Đức tham gia vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Giới chức ở Washington từ lâu đã luôn tìm cách gây sức ép để buộc Đức phải từ bỏ dự án với lý lẽ rằng dự án đó sẽ khiến Đức quá phụ thuộc vào Moscow.
Tuy nhiên, bà Merkel luôn phản pháo lại rằng, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 phục vụ cho các lợi ích kinh tế của Đức và Nga là một đối tác đáng tin cậy trên thị trường khí đốt. Bà Merkel luôn bác bỏ lập luận cho rằng, với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, Đức có nguy cơ phụ thuộc về mặt kinh tế và chính trị vào Nga.
Phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov lên án chiến dịch chống phá dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của phía Mỹ, miêu tả đó là một hành động “cạnh tranh bất hợp pháp.”
Đây không phải là lần đầu tiên Đức thể hiện một lập trường cứng rắn với Mỹ trong dự án hợp tác về khí đốt với Nga. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng từng tuyên bố thẳng thừng rằng đất nước ông cần phải theo đuổi dự án này, ủng hộ Moscow như là một đối tác đáng tin cậy.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã nhận được đề nghị bình luận về phát biểu được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong năm 2018, trong đó nói rằng Berlin bị Nga “bắt giữ làm con tin” trong vấn đề khí đốt.
Bộ trưởng Altmaier đã bác bỏ phát biểu của ông Trump, nhấn mạnh rằng Đức “sẽ không bao giờ chấp nhận việc bị dọa dẫm”. Hơn nữa, không có lý do để tin rằng Moscow bằng cách nào đó sẽ phớt lờ các cam kết của họ và gây phương hại đến hoạt động cung cấp khí đốt trong bối cảnh họ đã an toàn cung cấp khí đốt cho Đức trong nhiều thập kỷ qua, ông Altmaier cho biết.
Trong suốt 40 năm qua, Đức chỉ có những trải nghiệm tốt đẹp với Nga trong lĩnh vực khí đốt. Thậm chí sau khi Liên Xô tan vỡ, Moscow vẫn tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ của họ và “tôi không nghi ngờ gì về việc họ tiếp tục tuân theo hợp đồng”, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, Berlin vẫn tìm kiếm các cách thức để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và mong muốn duy trì Ukraine như là một nước trung chuyển khí đốt đi vào Châu Âu.
Điều đó có nghĩa là việc hoàn thành Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là “nằm trong lợi ích của chúng tôi về an ninh năng lượng”, ông Altmaier khẳng định.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu được xây dựng sẽ giúp chuyển khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic đến Đức. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trở nên gây tranh cãi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Berlin “trở thành con tin của Nga” vì mua khi đốt của Moscow.
Đức nhập 55 tỉ mét khối khí đốt, 70% nhu cầu của nước này, từ Nga và đường ống dẫn khí đốt mới sẽ giúp tăng gấp đôi số lượng khí đốt nhập khẩu.
Ukraine cũng quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi nước này sợ rằng một hệ thống đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ của họ có thể sẽ không còn được cần đến nữa. Phần phí mà Ukraine thu được từ việc đóng vai trò làm trạm trung chuyển khi đốt cho Nga chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ.
Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều trấn an rằng, Ukraine vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển khí đốt cho Châu Âu.