Hồi chuông cảnh báo đối với toàn bộ thế giới phương Tây gióng lên trong tuần trước, khi đường ống dẫn khí kết nối các nhà cung cấp khí đốt của Nga với người tiêu dùng ở Trung Quốc được ra mắt. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại, chẳng mấy chốc sự phát triển theo hướng này sẽ trở thành ưu tiên “đối với người Nga”.
“Thời điểm hiện tại, chỉ có Đức là đang mua thêm khí đốt từ Nga, nhưng việc này sẽ kéo dài được bao lâu? Matxcơva và Bắc Kinh đang thảo luận về một đường ống khác, có khả năng vận chuyển tới 30 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Tây Siberia tới Trung Quốc qua khu vực Altai” - tờ Deutsche Welle viết ngày 11/12.
Theo ấn phẩm Đức, “chiến lược của Putin” là điều dễ hiểu: ông ấy không còn muốn phụ thuộc vào châu Âu, những người “đang tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập Crưm”.
“Chính chúng ta đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, và tạo ra cho họ một tình huống đôi bên cùng có lợi” - Deutsche Welle viết. Và theo tác giả của bài báo, sau đây là những gì Nga và Trung Quốc nhận được, khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, và Mỹ áp đặt thuế đặc biệt đối với Trung Quốc:
Thứ nhất, Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc: nước này sẽ có nguồn cung cấp khí đốt, dầu và nhiên liệu hóa thạch đảm bảo từ Nga; Thứ hai, thương mại giữa hai nước này cũng đang bước sang một ngã rẽ mới: theo kế hoạch con số này sẽ tăng lên 182 tỷ euro vào năm 2024; Thứ ba, Huawei của Trung Quốc sẽ thiết lập mạng di động thế hệ thứ năm tại Nga; Thứ tứ, cả hai nước nhận ra rằng, cùng với nhau, họ đang trở nên ít phụ thuộc hơn vào phương Tây.
Bây giờ, đã đến lúc Liên minh châu Âu phải tiến tới thỏa hiệp để ngăn chặn sự xích lại gần nhau hơn nữa giữa Trung Quốc và Nga. Bởi “không có Matxcơva. Brussels sẽ không thể tồn tại nổi giữa cuộc chiến giành quyền lực toàn cầu” - tờ Deutsche Welle kết luận.