Động thái này để tăng cường an ninh trong khu vực và hiện đại hóa quân đội của nước này, Cơ quan hợp tác an ninh phòng thủ Mỹ DSCA cho biết.
Ba Lan đã đề nghị mua hệ thống HIMARS, được sản xuất bởi tập đoàn Mỹ Lockheed Martin, vào năm ngoái.
"Thương vụ được đề xuất này sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách cải thiện an ninh của một đồng minh NATO, một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu", DSCA cho biết.
DSCA dẫn đầu các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc đào tạo và trang bị cho các đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cũng đã ký kết một chương trình mới để nâng cấp quân đội của nước này hôm thứ Tư, bao gồm tăng cường an ninh mạng và các hệ thống phòng không mới và tên lửa tầm xa.
Việc mua các bệ phóng HIMARS và các thiết bị liên quan, ước tính chi phí khoảng 655 triệu USD, là một phần của chương trình nâng cấp này. "Đây là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hợp đồng đột phá này cho quân đội Ba Lan," ông Blaszczak tweet hôm thứ Sáu – ngày 30/11.
Lực lượng vũ trang của Ba Lan nhiều thập kỷ qua đã rơi vào tình trạng thiếu thốn đầu tư và khoảng 2/3 số thiết bị của họ có từ thời Xô Viết.
Ba Lan đã từ lâu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, một phần để ngăn chặn những gì họ coi là những hành động tăng cường hiện diện của Nga trong khu vực, đồng thời muốn bổ sung thêm sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.
Trong một cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Chín, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Ba Lan sẵn sàng đầu tư 2 tỷ USD để tạo điều kiện cho sự thiết lập một căn cứ lâu dài của Mỹ ở nước này.
Ông Duda cũng cho biết, ông muốn kế hoạch của chính phủ trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030 sẽ được đẩy nhanh đến năm 2024 nếu nền kinh tế cho phép.
NATO đã yêu cầu các nước thành viên chi tiêu ít nhất 2% GDP của họ vào phòng thủ.