Muốn rút khỏi Syria, Mỹ “dụ” các nước Arab thế chân

Thùy Linh |

Theo Wall Street Journal, Tổng thống Donald Trump muốn rút lực lượng quân đội Mỹ khỏi Syria và đề xuất thay thế bằng lực lượng của các nước Arab.

Cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton, cùng ứng cử viên Ngoại trưởng Mike Pompeo đang thúc đẩy việc xây dựng một liên minh các lực lượng quân đội Arab có thể “thế chân” Mỹ ở Syria và hoạt động như một lực lượng đảm bảo ổn định trong khu vực một khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại.

Theo Wall Street Journal, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã có cuộc điện đàm với Quyền Giám đốc Tình báo Ai Cập Abbas Kamel, bàn về khả năng Cairo tham gia thực hiện kế hoạch này.

CNN cũng nói rằng, Nhà Trắng đang thúc đẩy một thỏa thuận với Saudi Arabia cùng các thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) để ông Trump vừa đạt được mục đích rút quân đội Mỹ khỏi Syria, lại vừa giải quyết được danh sách dài các lo ngại mà giới chức an ninh Washington cảnh báo liên quan đến việc rút quân này.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel bin Ahmed Al-Jubeir ngày 17/4 nói rằng Saudi Arabia sẽ xem xét việc gửi quân tới Syria cùng với các nước Arab khác. Ông Jubeir cũng nhắc lại rằng, ý tưởng này không hoàn toàn là mới, vì Saudi Arabia đã từng có đề xuất tương tự với chính quyền Obama nhưng khi đó, Mỹ không xem xét đề xuất này.

Tuy nhiên, việc kêu gọi sự tham gia của các nước Arab chắc chắn sẽ phải có một cái giá không hề nhỏ, và chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đang xem xét sẽ phải mang lại cho các nước Arab một lợi ích nào đó.

Mỹ sẽ cho Arab những gì?

Dù các nước như Saudi Arabia đã ám chỉ rằng, một liên minh Arab ở Syria như Mỹ mong muốn là có thể thực hiện được, thì Washington Mỹ vẫn chưa quyết định sẽ sẵn lòng mang gì ra đổi lấy sự tham gia của các nước Arab.

Theo nguồn thạo tin, một trong những ý tưởng đang được thảo luận với Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ là cho Saudi Arabi quy chế đồng minh ngoài NATO nếu họ đồng ý gửi lực lượng cũng như hỗ trợ tài chính tới Syria.

Việc cho trao quy chế đồng minh ngoài NATO sẽ chính thức thừa nhận chỗ đứng của họ là đối tác quân sự chiến lược của Mỹ ở cấp độ đồng minh chủ chốt như Israel, Hàn Quốc và Jordan.

Theo nhà phân tích về vấn đề Trung Đông của Mỹ, bà Nicholas Heras, quy chế đồng minh ngoài NATO là điều mà nhiều nước muốn và nếu Saudi Arabia trở thành đồng minh ngoài NATO của Mỹ, Washington sẽ trở thành “người bảo trợ cho an ninh của Saudi trong tương lai”.

Ý tưởng khó thực hiện

Tuy nhiên, việc xây dựng một liên minh Arab tại Syria mà vẫn duy trì được lợi ích chiến lược của Mỹ trên thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều.

“Tôi không biết liệu Mỹ có đặt niềm tin hoàn toàn vào bất cứ đồng minh khu vực nào khi tính đến việc ổn định Syria hay không”, bà Heras nói. Bởi hiện nay, các đối tác Arab có khả năng nhất cũng đang tham gia vào các cuộc xung đột khác trong khu vực.

Bà Heras cho rằng, quy chế đồng minh ngoài NATO có thể thể là viên kẹo bọc đường đối với Saudi Arabia, nhưng việc “bảo trợ” cho an ninh của Saudi Arabi cũng là cái giá lớn mà nhiều người coi là một khoản đầu tư rủi ro của Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích nói rằng, việc Washington muốn các quốc gia Arab điều động quân đội tới Syria là đề xuất không khả thi. Hiện một số nước Arab như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đều đang triển khai lực lượng tại Yemen. Dù cả 2 nước đều bày tỏ khả năng phối hợp với các đồng minh, nhưng họ cũng rất cảnh giác về việc triển khai lực lượng tới Syria.

Ai Cập được cho là cũng có khả năng đóng vai trò xương sống của một liên minh Arab ở Syria, nhưng họ cũng thiếu ý chí để làm điều đó trong khi chính Cairo cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên “sân nhà”.

Các chuyên gia quân sự cũng nhận định, bất chấp việc mua hàng tỷ USD khí tài quân sự của Mỹ, hầu hết các lực lượng quân đội Arab lại đang bị hạn chế về năng lực. Ngay cả những lực lượng quân sự tiên tiến nhất trong khu vực cũng vẫn phải dựa vào Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo và vẫn phải thu thập thông tin từ vệ tinh của Mỹ.

Những yếu tố kể trên sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả nếu họ triển khai lực lượng tới chiến trường Syria. Trong trường hợp đồng ý điều động quân đội tới Syria, họ vẫn cần sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ, và như vậy thì Mỹ vẫn khó có thể hoàn toàn rút khỏi Syria./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại