Mua hàng công nghệ ở Việt Nam ngày Black Friday khó hay dễ?

Tùng Linh |

Dịp giảm giá Black Friday hàng năm đang được coi là cơ hội mua sắm lớn nhất trong năm cho người dùng. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng có được sản phẩm mà mình muốn.

Black Friday là dịp giảm giá cuối năm lớn nhất bắt nguồn từ nước ngoài nhưng hiện nay với sự phát triển của thương mại điện tử, đây đã trở thành cơ hội tăng doanh số cho các nhà bán lẻ trong nước và là dịp mua hàng giá rẻ cho khách hàng Việt Nam.

Thế nhưng với các sản phẩm công nghệ, mọi việc có vẻ không hề dễ dàng. Trải qua nhiều dịp giảm giá lớn khác, khá nhiều kinh nghiệm đã được khách hàng chia sẻ khi mua hàng giảm giá.

Nhiều lựa chọn nhưng phải kiểm tra kỹ

Đối với sản phẩm của các nhà bán lẻ trong nước, sau mỗi bán hàng hạ giá, trên mạng xã hội lại chia sẻ rất nhiều câu chuyện về vấn đề sản phẩm không đến tay người dùng hoặc gặp vấn đề.

Một “chiêu” khuyến mại phổ biến được các website thương mại điện tử trong nước áp dụng là giảm giá sốc nhưng dựa trên giá ban đầu.

Ví dụ với mẫu loa di động Harman Kardon Onyx Studio 3, trong ngày Black Firday được một website thương mại điện tử giảm giá còn 2,99 triệu đồng từ giá gốc 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên khi tiếp tục tìm kiếm về sản phẩm trên Internet, từ lâu nhiều nhà phân phối khác đã bán sản phẩm với giá chưa tới 3,1 triệu đồng chưa giảm giá.

Mua hàng công nghệ ở Việt Nam ngày Black Friday khó hay dễ? - Ảnh 1.

Cùng sản phẩm loa di động, một trang web tuyên bố giảm gần 40% nhưng thực tế mức giá bình thường của sản phẩm cũng ở gần mức đã giảm

Như vậy bài học trong trường hợp này là với một sản phẩm phổ biến, khách hàng nên tiếp tục tìm kiếm để có những giảm giá lớn hơn hoặc có thể nhận được hàng ngay mà không cần chờ thời gian vận chuyển vài ngày.

Một hình thức khác cũng được các đơn vị phân phối hàng công nghệ thực hiện là giảm giá rất mạnh một sản phẩm. Mức giá này là mức được giảm rất lớn so với giá họ công bố bán trước đó. Giá trị khách hàng nhận được là giá trị thật, tuy nhiên chỉ có một số ít sản phẩm được bán ra.

Đối với các sản phẩm bán trực tiếp ở cửa hàng, khách hàng buộc phải xếp hàng ở nơi bán. Tuy nhiên cách này khá mất thời gian vì nếu có quá đông người xếp hàng, cửa hàng sẽ phải tổ chức bốc thăm để chọn khách hàng được mua sản phẩm.

Các sản phẩm mua online số lượng hàng sẽ được các trang web công khai ngay trên giao diện trang giảm giá. Khách hàng nếu may mắn cũng có thể mua kịp những sản phẩm vừa mới xuất hiện. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp có thể xảy ra tình trạng tiếp theo, đó là từ chối đơn hàng.

Những website bán hàng như Lazada hay Lotte thường bị người dùng phản ánh về tình trạng nhận đơn hàng và thanh toán xong không giao hàng, tự ý huỷ đơn hàng. Chỉ khi khách hàng phản ánh lên trung tâm chăm sóc khách hàng họ mới được hoàn tiền.

Việc hoàn tiền này cũng thường bị kéo dài tới vài ngày. Lý do được các trang web này đưa ra khi huỷ đơn hàng là do nhà cung cấp hết sản phẩm.

Với những trường hợp này khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn, mọi nỗ lực chọn hàng hay thanh toán nhanh hơn đều không giúp khách hàng chắc chắn mua được.

Hàng quốc tế hấp dẫn nhưng khó mua

Việc mua các sản phẩm quốc tế đối với khách hàng tại Việt Nam lúc này không còn quá phức tạp như trước đây. Có 2 cách để thực hiện đó là mua qua các dịch vụ mua hàng hộ hoặc tự mua hàng bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế.

Với những người muốn tự mua, hấp dẫn nhất nằm ở các nội dung số cụ thể là trò chơi, phần mềm, nôi dung bản quyền.

Giới game thủ coi đây là một dịp mua sắm lớn vì cả 2 hệ thống phân phối trò chơi, phần mềm bản quyền lớn trên thế giới là Steam và Playstation đều giảm giá từ 30 đến 75%. Có những trò chơi và phần mềm được niêm yết giá sẵn bằng tiền Việt nên người mua sẽ không mất phí đổi ngoại tệ của ngân hàng.

Đây cũng là mảng có nhiều khuyến mại hấp dẫn nhất. Với những người có nhu cầu mua phần cứng, chỉ nên chọn các sản phẩm hiếm hoặc ở Việt Nam có giá quá đắt.

Ví dụ khi mua một sản phẩm trên trang Amazon, người mua sẽ có 2 lựa chọn.

Mua hàng công nghệ ở Việt Nam ngày Black Friday khó hay dễ? - Ảnh 2.

Amazon có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn nhưng để mang về được không hề đơn giản

Một là sử dụng các dịch vụ chuyển hàng. Người mua sẽ tiến hành đặt hàng và thanh toán ngay trên trang web, sau đó yêu cầu giao hàng tới địa chỉ của đơn vị vận chuyển về Việt Nam tại Mỹ.

Như vậy khách hàng sẽ phải chờ thời gian kéo dài tới gần 1 tháng để hàng về Việt Nam do thời điểm này việc giao hàng tại Mỹ cũng sẽ bị chậm do lượng đơn hàng tăng lên. Tuy nhiên đây là cách mua rẻ nhất vì khách hàng chỉ tốn thêm phí vận chuyển thường vào khoảng 150.000 đồng cho mỗi kilogram.

Cách khác cũng được nhiều người thực hiện là yêu cầu nhà bán hàng chuyển thẳng sản phẩm tới Việt Nam. Quy trình sẽ gồm khách hàng đặt hàng và thanh toán trên trang web.

Sau đó đơn vị vận chuyển tại Việt Nam sẽ liên lạc với khách hàng tới một địa chỉ nào đó tại nơi có cảng hàng không hoặc đường biển để đóng tiền thuế và các loại phí cần thiết rồi sẽ được nhận hàng.

Với cách này hàng có thể được chuyển nhanh hơn nếu không có vấn đề gì, tuy nhiên rủi ro mất hàng là rất lớn. Những người hay mua sắm quốc tế thường khuyên không nên mua các sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, laptop do rủi ro về nguy cơ hàng bị rơi vỡ trong quá trình vận chuyển ngoài ra thuế và phí với những sản phẩm này rất cao.

Nhiều trường hợp khi thanh toán đủ, tổng số tiền mà khách bỏ ra còn cao hơn đi mua sản phẩm chính hãng tại Việt Nam. Cách này chỉ nên áp dụng với các loại phụ kiện hiếm trên thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại