Một tuần sau khi Uber đầu quân, tài xế Grab kêu ít khách

Hoàng Linh |

Những xáo trộn sau khi có sự gia nhập của các “tân binh” từ Uber, ứng dụng gọi xe liên tục gặp lỗi khiến cho sinh kế của nhiều tài xế Grab bị ảnh hưởng.

Tuần qua, sau khi ứng dụng Uber ngừng hoạt động vào ngày 08/04/2018, đại diện của Grab Việt Nam đã có những thông báo đầu tiên tới tài xế hãng và các đối tác mới, dự đoán số lượng đặt xe thông qua nền tảng ứng dụng Grab sẽ tăng lên và khuyến khích tài xế luôn online– mở ứng dụng hoạt động để có thêm thu nhập.

Trước những thay đổi bất ngờ trong suốt những ngày đầu tháng 4, nhiều tài xế Grab chia sẻ mong đợi, việc có thêm tài xế tham gia vào nền tảng Grab đồng nghĩa với việc gia tăng khách hàng mới chuyển sang từ Uber.

Một tuần sau khi Uber đầu quân, tài xế Grab kêu ít khách - Ảnh 1.

Công việc của các tài xế bị xáo trộn khi Uber chính thức đầu quân về Grab. Ảnh: Hoàng Linh

Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán và kỳ vọng, hai ngày qua, nhiều tài xế Grabbike đang phải đau đầu khi lượng khách giảm chóng mặt. Ngày 12/4, đã hơn 2h chiều nhưng anh Nguyễn Minh H. (tài xế Uber khu vực Cầu Giấy) chỉ mới nhận được hai cuốc xe vỏn vẹn 50.000 đồng.

"Thời kỳ hoàng kim nhất chắc là khi mới gia nhập Grab, khi đó thu nhập chạy xe có thể được tới 500.000 đồng/ ngày, nhưng nay chỉ được khoảng 200.000 đồng. Thậm chí, hai tuần nay, có ngày chỉ được 2 chuyến 50.000 đồng", tài xế H. bực bội cho biết.

Cũng trong tình trạng lượng khách không mấy sáng sủa, tài xế Grabbike Nguyễn Thế T. (32 tuổi) cho biết, so với trước khi có Uber gia nhập thì số lượng và việc phân bổ chuyến xe của nhiều lái xe ít đi khá nhiều.

"Nguồn khách không rõ ràng và biến động, có khi khách hàng chuyển sang ứng dụng khác, trong khi tài xế Grab giờ đông lên gấp nhiều lần, điều này có thể khiến số lượng đặt xe bị hụt đi", tài xế T. phân tích.

Trên các diễn đàn lớn của cánh lái xe, nhiều tài khoản hoang mang trước số lượng khách có dấu hiệu giảm nên cũng không mặn mà làm việc.

Tài xế ôtô không giấu được quan ngại trước khả năng cạnh tranh thị trường lớn hơn. So với Grabbike, họ chi nhiều chi phí cho việc sắm sửa, bão dưỡng xe và mức chiết khấu cao.

"Xe chạy khách đa phần đều là mua trả góp, vì thế, dù hãng có cam kết thu nhập sẽ vẫn ổn định nhưng nhiều thứ thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Chưa kể, giờ giá xăng cũng tăng, một cổ mấy trong, không biết anh em lái xe sống sao. Lo nhất là đủ thu chi hàng tháng của gia đình và trả lãi ngân hàng", anh Luận, tài xế đối tác của Grab tại Hà Nội lo lắng.

Một tuần sau khi Uber đầu quân, tài xế Grab kêu ít khách - Ảnh 2.

Trên các diễn đàn, nhiều tài xế Grab than nhận được ít chuyến đón khách.

Một tuần sau khi Uber đầu quân, tài xế Grab kêu ít khách - Ảnh 3.

Không chỉ đơn giản bị chia miếng bánh thị phần, hai tuần trước và sau khi Uber gia nhập Grab, hệ thống ứng dụng Grab liên tục bị lỗi, không hiển thị điểm đón khách. Theo các tài xế đây cũng là nguyên nhân khiến cho khiến cho số lượng cuốc xe giảm gần một nửa.

Bên cạnh những tài xế lâu năm ở Grab, cộng đồng tài xế mới gia nhập hãng này cũng than thu nhập giảm một nửa, do mất gần 2 tuần để chuyển từ Uber sang Grab.

"Những lái xe đã có tuổi là những người gặp nhiều lúng túng nhất khi cập nhập ứng dụng, cách đưa đón và trả khách", một tài xế Grabbike ở Cầu Giấy chia sẻ.

Trong lúc Hà Nội cắm biển cấm Grab hoạt động tại 13 tuyến phố giờ cao điểm, thì hãng lại có yêu cầu về việc hạn chế hủy các chuyến xe nếu không sẽ khóa tài khoản Grab. Cùng đó, thị phần bị ảnh hưởng, không ổn định, mức chiết khấu lên đến hơn 28% được cho là làm khó cánh tài xế dùng ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, trước nhiều ứng dụng quá mới và chưa phổ biến với người dùng Việt như T.NET hay VATO, các tài xế vẫn chọn sang Grab – một ứng dụng gọi xe quen thuộc hoặc nghe ngóng tình hình trước khi tiếp tục lựa chọn một ứng dụng khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại