Grab sẽ trở thành độc quyền sau khi Uber rút đi?

Tùng Linh |

Chỉ 2 ngày sau khi Uber chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam, khách hàng đã có những cảm nhận đầu tiên khi thị trường dịch vụ đặt xe qua ứng dụng chỉ còn 1 tên tuổi lớn.

Ngày hôm qua, Uber đã chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam, đi kèm với đó là sự tiếc nuối của nhiều lái xe, khách hàng.

Từ phía lái xe, họ cho rằng ứng dụng Uber là cách mang lại thu nhập tốt hơn cho mức thu của nhà cung cấp dịch vụ với lái xe ít hơn, chính sách của Uber “dễ thở” với lái xe hơn Grab . Còn từ phía khách hàng, họ coi Uber là dịch vụ có mức giá rẻ hơn, văn minh hơn, không bị lái xe từ chối khi đi quá gần.

Trước khi Uber bán lại hoạt động của mình tại Đông Nam Á cho Grab, khách hàng chính là đối tượng được hưởng lợi. Việc cạnh tranh giữa 2 dịch vụ mang lại cho khách hàng rất nhiều ưu đãi, từ giảm giá cước di chuyển đến ưu đãi các dịch vụ liên kết với 2 nhà cung cấp.

Nhưng 2 ngày gần đây, khách hàng đã dần cảm nhận nhận được điều gì xảy ra khi thị trường chỉ còn 1 nhà cung cấp dịch vụ lớn.

Nhiều khách hàng sử dụng Grab đã khá bất ngờ khi giá dịch vụ trong 2 ngày hôm nay bỗng nhiên tăng so với bình thường.

Trong lúc không phải giờ cao điểm, nhiều khách hàng đã lên mạng xã hội cho biết giá cước chuyến đi mình phải trả bỗng nhiên cao hơn khoảng 7.000 đến 20.000 đồng. Ứng dụng cũng không hiện thông báo đang tăng giá du nhu cầu khách hàng tăng.

Nếu khách hàng lựa chọn thanh toán bằng tài khoản trả trước của Grab, mức giá sẽ được giảm 10.000 đồng, mức giá này gần với mức giá mà trước đây khách hàng phải trả nếu áp dụng trả qua thẻ hoặc tiền mặt.

Trước đây giá cước của cả Uber và Grab đều bị khách hàng phản ánh là có mức tăng quá cao nhưng khi đó là lúc thời tiết xấu, nhiều lái xe không hoạt động, tắc đường.

Lúc này Grab chưa đưa ra bình luận nào về thông tin giá di chuyển cao hơn trước khi Uber “về chung nhà” với Grab.

Dịch vụ nội vẫn chưa phát huy hiệu quả

Trong khi thị trường chỉ còn 1 hãng đặt xe công nghệ lớn nước ngoài hoạt động thì dịch vụ trong nước vẫn chưa thật sự bắt được cơ hội.

Nhiều khách hàng sau khi Uber ngừng hoạt động đã cài đặt các ứng dụng trong nước như Vato, TNet. Tuy nhiên không phải ai cũng đặt được xe trong lần thử đầu tiên.

Số lượng xe quá ít đi kèm với đó trong một số trường hợp, giá xe còn đắt hơn cước phí của Grab khiến khách hàng chưa thấy hài lòng thật sự với dịch vụ.

Grab sẽ trở thành độc quyền sau khi Uber rút đi? - Ảnh 1.

So sánh giá cước của Vato, T.Net và Grab. Các dịch vụ trong nước có giá tương đương nhưng khó gọi xe hơn Grab.

Ưu điểm của các dịch vụ trong nước hiện nay là giao diện tương đối giống với Uber và Grab trước đây, ngoài ra một lượng lớn lái xe sẵn sàng hợp tác vì không muốn làm việc cho đối tác nước ngoài.

Nhưng khoảng cách vẫn là rất lớn cho những dịch vụ mới tham gia vào thị trường. Trong khi Grab đã có hệ thống thanh toán đầy đủ từ tiền mặt, thẻ quốc tế, ví trả trước thì các dịch vụ Việt Nam vẫn chỉ duy trì sử dụng tiền mặt.

Các phương thức thanh toán hiện đại như dịch vụ quốc tế vẫn chưa áp dụng. Chưa kể đến các ưu đãi với đối tác để thu hút khách hàng mới.

Trước khi Uber tham gia vào thị trường xe 2 bánh, một số startup tại Việt Nam cũng đã tham gia vào dịch vụ gọi xe. Nhưng hầu hết trong số này sau một thời gian đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang chia sẻ ô tô để dán quảng cáo hoặc đi vào mảng thị trường nhỏ hơn là xe đưa đón sân bay, đường dài.

Trong khi đó một đối thủ của dịch vụ ngoại là taxi truyền thống có thể sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Một trong những khó khăn trước đây của taxi truyền thống là nguồn vốn thì hiện nay 2 hãng lớn kết hợp sẽ làm cho khó khăn này trở nên phức tạp hơn.

Ngoài ra các hãng taxi trong nước gặp vấn đề với việc thay đổi cách hoạt động để phù hợp với công nghệ.

Việc kết hợp giữa các dịch vụ công nghệ gọi xe và các hãng vận tải truyền thống trong nước cũng đang gặp khó khăn.

Nếu chỉ có một mình Grab là cái tên lớn nhất trên thị trường, thiệt hại sẽ nằm ở phía người dùng vì không có nhiều lựa chọn, cũng như bị phụ thuộc giá cước, chất lượng dịch vụ vào dịch vụ duy nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại