img

Ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa người hùng và tội đồ đôi khi chỉ là một đường chỉ mong manh. Trong tiếng Anh, từ hero (anh hùng) và zero (con số không) cũng chỉ khác nhau một ký tự. Trong tiếng Tây Ban Nha, atinar (thành công) và petinar (thất bại) đọc tựa như nhau.

Nếu thế, Florentino Perez chính là người đi trên dây bậc thầy. Ông là nguồn cảm hứng cho những tranh cãi bất tận, trên những kênh truyền thông chống đối của Catalan và kênh ủng hộ của Madrid.

Bởi dưới sự điều hành của Perez, Real có thêm 3 chức vô địch Champions League, từ chỗ có thể phá sản vươn lên trở thành CLB kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Bernabeu thì trở lại thành Thánh đường bóng đá, thu hút những ngôi sao sáng nhất thế giới.

Nhưng cũng dưới tay Perez, Real dường như chưa có mùa bóng nào bình yên. Real của ông như chiếc tàu lượn siêu tốc, vừa lên cao đó lại xuống đáy ngay đó.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 1.

Nhưng dù cho đã sa thải bao nhiêu HLV, bán đi bao nhiêu cầu thủ đang được yêu quý, ra bao nhiêu quyết định tranh cãi, không một ai có thể phủ nhận một điều: trái tim của Perez đập bằng nhịp đập của một Madridista chân chính. Hãy cùng nhìn lại những thăng trầm của Perez để thấy tinh ẩn sau mọi quyết định của ông là một tinh thần Madridismo chân chính!

Florentino Perez luôn muốn mang Real Madrid trở lại thời kỳ hoàng kim của những năm 1950, 1960 khi ông hãy còn niên thiếu. Nhưng người đàn ông quyền lực ấy cũng đã vài lần đẩy CLB đến bên bờ vực thẳm.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 2.

Florentino Pérez ngồi trên khán đài Santiago Bernabéu. Bên tay phải ông là Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, bên trái là Bộ trưởng Ngoại giao. Xung quanh là hơn 80.000 CĐV đang theo dõi trận El Clasico, cùng với hàng trăm triệu khán giả xem trực tiếp qua truyền hình.

Real đang bị đại kình địch dẫn trước 3 bàn không gỡ. Kết quả này càng bẽ bàng ở chỗ Barca chưa phải dùng đến Lionel Messi, chỉ vừa bình phục chấn thương và ngồi dự bị.

Sau khi được tung vào sân, Messi gần như ngay lập tức "tìm thấy" Luis Suarez trong tình huống Barca nâng tỷ số lên 4-0. Khởi đi từ một nhóm CĐV quá khích, thông điệp "Florentino, dimisión" (Florentino, hãy từ chức) đã vang dậy khắp sân.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 3.

Không dừng lại ở đó, đám đông còn chỉ trích cả Cristiano Ronaldo, chân sút số một qua mọi thời đại của họ, chủ nhân của 3 Quả bóng vàng. Florentino cố giữ sự bình tĩnh trên nét mặt. Người đàn ông 68 tuổi vẫn mặc bộ vest xám, thắt chiếc cà vạt ưa thích màu xanh, cư xử như không nghe thấy gì cả dù sau này, ông thừa nhận đấy là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất đời mình.

Không có nhiều nhân vật trong lịch sử Real có thể sánh được với Perez. Ông là người vực dậy Real Madrid sau hai cơn đại khủng hoảng, về tài chính lẫn thể thao. Nhiệm kỳ đầu tiên, ông tạo ra "dải ngân hà", với đỉnh cao là chức vô địch Champions League 2002. Nhiệm kỳ thứ hai, ông chặn đứng sự thống trị của Barcelona dưới thời Pep Guardiola.

Chỉ 18 tháng trước trận El Clasico tai hại nêu trên, Real còn giành được cú Decima. Họ cũng là CLB giàu nhất thế giới, doanh thu hàng năm gần 600 triệu USD, với sân bóng và khu tập luyện thuộc hàng đẹp nhất thế giới.

Không có Perez, Real chỉ là một CLB lạc lối, khủng hoảng và chật vật về tài chính. Perez mang đến sự hứng khởi, quyền lực và đam mê trở lại Bernabeu. Ông luôn mang về những cầu thủ tốt nhất và những HLV tốt nhất.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 4.

Vậy mà bất chấp những gì đã làm, ông vẫn bị các CĐV kêu gào từ chức, ngay trong chính ngôi đền thiêng của mình. Joaquín Maroto, cựu trưởng phòng truyền thông của cả Real Madrd lẫn công ty xây dựng ACS mà Perez làm chủ, cho biết: "Không gì làm Florentino đau khổ hơn là Bernabeu kêu gọi ông từ chức. Ông ấy luôn xem các Madridista là một phần quan trọng trong thế giới của mình. Khi người của chính mình mà còn chối bỏ mình, ông ấy hiển nhiên phải đau khổ".

Công bằng mà nói, lúc ấy Real đang trải qua khoảng thời gian thực sự tồi tệ. Quyết định sa thải Carlo Ancelotti của Perez đi ngược lại ý muốn của các CĐV lẫn cầu thủ. Rồi việc bổ nhiệm Rafa Benitez làm cho tình hình tệ hơn. Real đã làm mọi cách để đẩy tượng đài lớn của mình là Iker Casillas đi, nhưng lại không thể có được người thay thế mong muốn là David de Gea vì... máy fax.

Benitez mau chóng nhận ra nơi này không chào đón ông. Việc không thừa nhận Cristiano Ronaldo là cầu thủ giỏi nhất khiến cho ngôi sao số một trong đội phật ý. Ông công khai chỉ trích thủ quân Sergio Ramos sau trận hòa Atletico hồi tháng 10 và giam bản hợp đồng 90 triệu USD James Rodriguez trên ghế dự bị. Và ngay trong bài kiểm tra quan trọng nhất là trận El Clasico, Real đã để cho Barca hạ nhục ngay trên sân nhà.

"Rafa Benitez là giải pháp, chứ không phải vấn đề," Perez nói trong cuộc họp báo ngay sau trận đấu ấy. "Chúng tôi ký với ông ấy để thay đổi tình hình. Hãy để ông ấy làm việc". Đấy là lần thứ ba trong vòng có vài năm, Perez mở cuộc họp báo để bày tỏ sự ủng hộ dành cho HLV. Và cả hai lần trước, Jose Mourinho và Carlo Ancelotti đều bị sa thải.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 5.

Tuần tiếp theo vẫn tràn ngập tin kém vui. Karim Benzema dính vào nghi án tống tiền người đồng đội ở đội tuyển Pháp Mathieu Valbuena. Real tung vào sân một cầu thủ không được đăng ký và bị loại khỏi Cúp Nhà vua. Thất bại trước Villarreal khiến Real chính thức tụt lại sau lưng Baca trên bảng xếp hàng.

Hai tuần sau đó, Perez làm một việc hiếm khi làm: xuất hiện trên một chương trình phát thanh. Và trên show El Larguero, ông nói: "Tôi lớn lên trong nghịch cảnh. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Cái ngày tôi rời Madrid lần nữa sẽ đến, nhưng không phải là sau trận thua Barcelona 0-4".

Trận sân nhà tiếp theo của Real (đá với Rayo Vallecano) là một trong những trận cầu lạ lùng nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Hôm ấy, chỉ có 61.584 khán giả đến sân, con số thấp nhất mùa, và họ đã huýt sáo Benitez lẫn các cầu thủ suốt cả trận. Real bị dẫn trước 1-2, nhưng hai chiếc thẻ đỏ của Rayo tạo điều kiện cho Real ghi liền... 9 bàn và kết thúc trận đấu với tỷ số 10-2.

Bất chấp kết quả hủy diệt ấy, đám đông vẫn huýt sáo đội nhà và quay sang cổ vũ Rayo. Sau trận đấu, một phóng viên hỏi Ramos và quyết định ủng hộ Benitez của Perez. Và Ramos đã nói:

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 6.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 7.

Florentino Pérez ngồi trên sân vận động mới tái xây dựng Santiago Bernabéu, một tháng sau sinh nhật thứ 13. Chàng thiếu niên Perez là một trong 125.000 người có mặt trên sân, chứng kiến Real Madrid chạm trán Barcelona, lần đầu tiên trong khuôn khổ một trận bán kết Cúp C1.

Perez đã nhảy lên ăn mừng với hai người anh, Ignacio và Enrique; với người mẹ Soledad và ông bố Eduardo khi Alfredo Di Stéfano mở tỷ số phút thứ 17 với một cú bay người đánh đầu. Ít lâu sau, Ferenc Puskás nhân đôi cách biệt với pha dứt điểm cận thành.

Đám đông sung sướng tận hưởng trận đấu với giàn đèn mới toanh ngoài sân và giàn sao tuyệt vời ở trong sân. Với "mũi tên bạc" Di Stefano, "khẩu thần công nhỏ" Puskas và cầu thủ Tây Ban Nha hay nhất vào thời điểm đó là Paco Gento, Real đã vô địch Cúp C1 trong cả 4 năm tổ chức đầu tiên. Cứ sau mỗi một bàn thắng, Real như thể khẳng định với thế giới rằng họ là đội bóng bất khả chiến bại.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 8.

Với những CĐV còn trẻ như anh em Perez, sự thống trị ấy là bình thường. Nhưng với bố mẹ của họ, đấy là một cuộc đổi đời lịch sử. Trong cuộc nội chiến, Real là một đội bóng có ngân khố trống rỗng. Sân Chamartín của họ từng bị giật sập rồi bị tháo ra làm củi đốt sau một cuộc bao vây. Kết thúc mùa giải 1947/48, Real chỉ cách khu vực rớt hạng có 2 điểm, bất lực nhìn Barca giành chức vô địch.

Nhưng Chủ tịch Santiago Bernabéu bắt đầu dùng tâm sức và tầm ảnh hưởng của mình để chuyển biến Real Madrid thành một nhà vô địch. Sân Nuevo Estadio Chamartín mở cửa năm 1947, cũng chính là năm mà Florentino Perez cất tiếng khóc chào đời.

Bốn năm sau, chuyến viếng thăm của cậu Madridista nhí này đã để lại một dấu ấn, theo đúng... nghĩa đen. Perez nói với tờ ABC năm 2013: "Tôi vẫn còn một vết sẹo trên môi, vết tích từ cú ngã thời còn bé. Sau một pha ghi bàn ở dưới sân, tôi bật dậy đi tìm bố mẹ và ngã sấp mặt vào bậc thềm, sứt môi chảy máu. Các bác sĩ đã cố, nhưng tôi đã có một vết sẹo vĩnh viễn".

Tháng 10/1953, Florentino, lúc này 6 tuổi, chứng kiến đội nhà hạ hục Barcelona với tỷ số 5-0, mở đường đến chức vô địch La Liga đầu tiên sau 21 năm. Di Stefano lập cú đúp trận ấy, cũng là trận ra mắt Real Madrid. Bản hợp đồng của Di Stefano là một quả bom, cả về thể thao lẫn chính trị.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 9.

Di Stefano vốn đã ký với Barca, nhưng rốt cục lại mặc màu áo trắng vì Bộ trưởng thể thao Tây Ban Nha José Moscardó, người đã chiến đấu cạnh tướng Francisco Franco trong cuộc nội chiến hai thập kỷ trước, quyết định can thiệp. Ông buộc Barca phải "buông" Di Stefano cho Real Madrid.

Bản thân Bernabeu cũng từng chiến đấu cho phe quốc gia trong cuộc nội chiến nêu trên. Là một người thực dụng nhiều hơn là một nhà tư tưởng, ông hiểu tầm quan trọng của việc sở hữu một siêu sao. Bóng đá đã trở thành công cụ hữu hiệu để chế độ độc tài Franco giao tiếp với thế giới.

Trong cái năm Madrid ký với Di Stéfano, Franco cũng đạt được hiệp ước quan trọng với Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, cho phép quân đội Mỹ đóng quân ở Tây Ban Nha. Năm 1955, Tây Ban Nha vào Liên hiệp quốc và sân nhà của Real được chuyển thành tên của ngài Chủ tịch. Cũng năm ấy, Real Madrid giành chiếc Cúp C1 đầu tiên, ngay trong năm đầu tiên giải đấu này tổ chức.

Những náo nhiệt ấy là kế hoạch được vạch ra bởi Bernabéu và cánh tay phải của ông, chuyên gia về quan hệ công chúng Raimundo Saporta, Nhờ vào nguồn tài chính lẫn khả năng makerting theo kiểu Hollywood, họ đã mang về những ngôi sao hàng đầu thế giới vào thời điểm đó như Héctor Rial, Raymond Kopa, Puskás, và Didi để về đá cặp với Di Stéfano.

Đội ngũ thiện chiến này đã giúp Real đánh bại nhà vô địch của Pháp, Italia, Anh, Nam Tư, Bỉ, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo suốt 4 năm đầu tiên của Cúp C1. Trong 4 năm ấy, họ không thua bất kỳ một trận nào ở sân chơi châu âu.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 10.

Nhưng vào cái ngày 21/4/1960 mà chúng ta đang nói đến, Barca bất ngờ có bàn thu hẹp khoảng cách xuống còn 1-2 do công của Eulogio Martínez. Mạch trận toàn thắng hoành tráng của Real đang bị đe dọa bởi lúc ấy Barca đang là một thế lực đang lên, ở cả trong nước lẫn châu âu.

Barca vừa vô địch La Liga mùa giải ấy, có cùng 46 điểm sau 30 vòng đấu nhưng trội hơn Real hiệu số bàn thắng bại. Barca cũng có một dàn sao lừng lẫy. Trong đó có Luis Suárez, đến nay vẫn là cầu thủ Tây Ban Nha duy nhất giành Quả bóng vàng. Hay như bộ đôi Hungray László Kubala và Sándor Kocsis. Đội ngũ ấy được dẫn dắt bởi Helenio Herrera, được Barca mang về bằng mọi giá với mục tiêu chặn đứng sự thống trị của Madrid.

Tháng 11/1959, Real đánh bại Barca 2-0 tại Bernabeu, nhưng chỉ vài tuần trước cuộc chạm trán ở châu u, Barca phục thù khi giành thắng lợi 3-1 ở Nou Camp, một sân vận động cũng lớn và hoành tráng không kém gì gì Bernabeu.

Sự lo âu ở Madrid thể hiện rất rõ thông qua việc sa thải HLV người Paraguay Fleitas Solich và bổ nhiệm Miguel Muñoz, một cầu thủ vừa mới giải nghệ trong chính màu áo Real Madrid. Nếu như nhiệm vụ của Herrera là chặn đứng sự thống trị của Real thì nhiệm vụ Muñoz là... chặn đứng âm mưu ấy.

Sang hiệp 2, tỷ số vẫn là 2-1 và thế trận trở nên giằng co. Anh em nhà Perez hồi hộp theo dõi trận đấu khi Barca liên tục tạo ra những cơ hội để gỡ hòa. Nhưng 3 phút trước khi hết giờ, Di Stéfano bật lên rất cao ở cột xa và đánh đầu vào lưới. 125.000 khán giả gầm lên vui sướng. Real sẽ bước vào trận bán kết lượt về ở Catalonia với lợi thế dẫn trước 3-1.

Đêm ấy, gia đình nhà Perez trở về nhà, ở khu vực trung lưu Chamberí với sự tự tin là âm mưu của Barca đã bị chặn đứng,

Sáng ngày hôm sau, tờ báo ABC dành trọn 10 trang để đưa tin và bình luận về trận đấu, trong đó có bức ảnh trắng đen sau này sẽ trở nên nổi tiếng của Di Stéfano. Trong bức ảnh ấy, "Mũi tên bạc" đang cất tiếng gầm hoan hỉ, hai cánh tay giang rộng để ăn mừng trong tư thế đang lơ lửng trên không.

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 11.

Diego Torres, người chuyên trách các bài viết về Real Madrid cho nhật báo El País nhiều năm qua, gọi sự thống trị của Real Madrid trong giai đoạn này chính là tiêu biểu cho một Tây Ban Nha vẫn tin và mơ ngày trở lại thành cường quốc thế giới.

Torres nói: "Thật vậy. Người Tây Ban Nha tin định mệnh của họ là thống trị thế giới, đấy là di sản của đế chế Tây Ban Nha. Họ là những Madridista, họ không bao giờ cho phép Barcelona chiếm lấy vị trí của mình ở trung tâm thế giới. Những năm giữa thế kỷ ấy, bóng đá và chính trị thực ra là một".

Sáu ngày sau trận lượt đi, họ đá trận lượt về ở Barcelona. Real giành thắng lợi với tỷ số 3-1 tương tự, để vào chung kết với tỷ số đậm đà 6-2 chung cuộc. Ở chung kết, Real chơi một trong những trận đấu hay nhất lịch sử bóng đá thế giới cấp CLB. Puskás ghi 4 bàn, Di Stéfano lập hattrick để Real đè bẹp nhà vô địch Đức Eintracht Frankfurt 7-3 ở Hampden Park, Glasgow.

"Sự vĩ đại của Real Madrid ngày ấy thật khó đong đếm", Sid Lowe, nhà báo chuyên viết về bóng đá Tây Ban Nha cho tờ Guardian và có riêng một quyển sách viết về trường hận thù kinh điển giữa Real Madrid và Barcelona, cho biết:

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 12.

Trong suốt thời niên thiếu, Florentino Perez chứng kiến Barca trải qua 16 năm liên tiếp cứ đến Bernabeu là bại trận trở về. Khi Florentino biết đến sân lần đầu tiên vào năm 1955, đấy cũng là lúc chặng đường chinh phục 5 chiếc Cúp C1 liên tiếp của Real khởi đầu. Ông chứng kiến một Real bất khả chiến bại và sở hữu những cầu thủ giỏi nhất thế giới.

Ký ức ấy đã theo Perez suốt cuộc đời. Ông luôn mơ ước tái hiện hình ảnh thống trị và hào nhoáng của Real thời ấy. Không chỉ là mơ ước, nó thậm chí còn là một nỗi ám ảnh...

Một trời hận thù Siêu kinh điển, cũng từ trái tim cuồng si và quyền lực tối thượng ấy mà ra - Ảnh 13.

Quế Nam
Nhật Ánh, Hoàng Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ14/11/2016