Một thành viên NATO "háo hức" trở thành trung tâm khí đốt của Nga: Nhiệm vụ bất khả thi?

Hữu Hiển |

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một trung tâm vận chuyển khí đốt của Nga, ý tưởng này đã khơi dậy sự háo hức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng có nhiều thách thức có thể làm suy yếu tham vọng năng lượng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Theo kênh DW (Đức), Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới cho đến ngày 24/2/2022, khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Thị trường năng lượng toàn cầu rung chuyển và châu Âu phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, mà Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - từ chối tham gia. Ankara đã tìm cách duy trì cân bằng trong quan hệ với Nga và các đồng minh phương Tây.

Đáp lại, vào tháng 10/2022, ông Putin đã đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm vận chuyển khí đốt của Nga như một tuyến đường cung cấp khí đốt thay thế cho châu Âu - một kế hoạch được ông Erdogan ủng hộ. Nhưng mọi thứ cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào gần 'quỹ đạo của Moscow'

Theo kênh DW, cả hai vị tổng thống đều đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 14/5, giữa bối cảnh nước này đối diện lạm phát cao kỷ lục và suy thoái kinh tế. Trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 vừa qua đã làm gần 50.000 thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 103 tỷ USD, tương đương khoảng 9% thu nhập quốc dân dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.

Trong khi đó, Nga cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt qua các cấm vận kinh tế khắc nghiệt.

Chuyên gia năng lượng Agnia Grigas - một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) - nói: "Ông Putin đang treo 'củ cà rốt' cho Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành một trung tâm khí đốt nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ đến gần quỹ đạo của Moscow hơn - tương tự như những gì ông đã cố gắng làm với Đức và [đường ống dẫn khí đốt] Nord Stream."

Một thành viên NATO háo hức trở thành trung tâm khí đốt của Nga: Nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 1.

Có những lo ngại kỹ thuật về kế hoạch biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm khí đốt của Nga. Ảnh: DW

Những "cơn gió ngược" về kỹ thuật

Bất chấp những lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo hai nước, vẫn có những lo ngại kỹ thuật về kế hoạch biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm khí đốt của Nga.

Anne-Sophie Corbeau - học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) - nói với phóng viên DW rằng: "Ý tưởng đằng sau những tuyên bố của ông Putin dường như là gửi thêm khí đốt qua đường ống của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và khí đốt đó sau đó có thể được tái xuất khẩu sang châu Âu."

"Nhưng vấn đề là không có đủ công suất đường ống để thực hiện điều đó", bà Corbeau nói thêm.

Theo DW, hiện có hai hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động. Lớn nhất trong số này, TurkStream được thiết kế để vận chuyển 31,5 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm và cung cấp khí đốt cho cả châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hai đường ống. Hệ thống đường ống thứ hai, BlueStream, có công suất hàng năm là 16 bcm và chuyên phục vụ nhu cầu khí đốt trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết, cả hai hệ thống hiện đang bị quá tải nghiêm trọng và việc bổ sung thêm một hoặc nhiều đường ống sẽ mất nhiều năm.

Theo kênh DW, khí đốt của Nga hiện được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt vì rất nhiều quốc gia châu Âu vẫn đang phụ thuộc vào nó. Tuy nhiên, các quốc gia EU vẫn nỗ lực tìm cách giảm sự phụ thuộc này. Vì vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm năng lượng chứa khí đốt của Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng châu Âu có thể sẽ phải nhập khẩu chính loại khí đốt của Nga mà họ đang cố gắng loại bỏ.

Một thành viên NATO háo hức trở thành trung tâm khí đốt của Nga: Nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 58,7 bcm khí đốt tự nhiên vào năm 2021, trong đó 44,9% đến từ Nga. Ảnh: SWR

Thổ Nhĩ Kỳ liệu có thể trở thành một trung tâm khí đốt?

Chuyên gia năng lượng Grigas cho biết: "Mặc dù có dự án đường ống TurkStream, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có tiềm năng trở thành trung tâm khí đốt cho châu Âu vì các quốc gia EU và các nước gần Nga đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga."

"Tương tự như vậy, hầu hết các nước EU đang ưu tiên các nguồn cung khí đốt thay thế như từ Biển Caspi, Na Uy, Bắc Phi và xa hơn là Mỹ và Qatar bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)", bà Grigas nói.

Do khan hiếm dầu và khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga, Azerbaijan và Iran, cũng như nhập khẩu LNG từ Mỹ, Ai Cập, Qatar, Nigeria và Algeria.

Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, nhập khẩu LNG của nước này đã đạt 14,1 bcm, chiếm 24% tổng lượng nhập khẩu. Dữ liệu cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu LNG kể từ năm 2013.

Học giả Corbeau nhận định, để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm khí đốt và cung cấp cho châu Âu, "khả năng duy nhất mà tôi có thể thấy là Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu nhiều khí đốt hơn từ đường ống của Nga, khi đường ống đã được xây thêm… Nhưng tôi không nghĩ châu Âu muốn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga thông qua một con đường khác".

Con đường gập ghềnh phía trước

Theo kênh DW, vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen, quyền kiểm soát của họ đối với eo biển Bosphorus, và vị thế là thành viên NATO khiến nước này trở thành một đối tác có giá trị đối với Moscow trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, ý tưởng biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung tâm khí đốt của Nga có thể khiến Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow.

Một thành viên NATO háo hức trở thành trung tâm khí đốt của Nga: Nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí đốt tự nhiên tại Istanbul trong năm nay, nhưng cuối cùng đã bị hoãn vô thời hạn. Ảnh: Reuters

Kênh DW dẫn thông tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí đốt tự nhiên tại Istanbul trong năm nay, với sự tham dự của các nhà cung cấp khí đốt và các nước tiêu dùng ở châu Âu. Sự kiện ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 2, rồi bị lùi đến ngày 22/3 do thảm họa động đất, nhưng cuối cùng đã bị hoãn vô thời hạn.

Điện Kremlin hôm 20/3 cho biết, việc xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ là "một dự án phức tạp cần có thời gian để trở thành hiện thực".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: "Rõ ràng đây là một công việc khá phức tạp, đó là một dự án khá phức tạp, thật không may, không thể thực hiện được nếu không thay đổi thời gian, không có kỹ thuật hoặc các vấn đề khác."

"Những tình huống như vậy là không thể tránh khỏi liên quan đến trung tâm [khí đốt] ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của mình", ông Peskov nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại