Một thành phố Tây Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc tế

Pha Lê |

Theo quy hoạch, địa phương này sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của Việt Nam, các thành phố là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.

Một thành phố Tây Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc tế - Ảnh 1.

Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long - phía Tây Nam của Tổ quốc, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

Vị trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản…

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, 144 đơn vị hành chính cấp xã.

Một thành phố Tây Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc tế - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.

Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; thành phố Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7%/năm. Tỷ trọng khu vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 29,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,7% (trong đó, công nghiệp chiếm khoảng 15,0%), dịch vụ chiếm 41,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,6% trong cơ cấu kinh tế tỉnh.

GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng, tương đương 4.985 USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 4,7%/năm thời kỳ 2021-2030. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 0,17%/năm.

Theo Quy hoạch, giai đoạn sau năm 2030, thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logictics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thuỷ sản và cảng hàng không Rạch Giá.

Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang, bao gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành.

Một thành phố Tây Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc tế - Ảnh 3.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.

Theo Quy hoạch, Kiên Giang tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 tiểu vùng gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên, Vùng Tây sông Hậu, Vùng U Minh Thượng và Vùng hải đảo.

Điểm đến yêu thích của du khách

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng 3,38%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước tính 111.507,97 tỷ đồng, đạt 95,18% kế hoạch năm, tăng 17,60% so cùng kỳ.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa 64.209,02 tỷ đồng, đạt 82,11% kế hoạch và tăng 10,44% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 23.537,97 tỷ đồng, vượt 12,62% kế hoạch năm và tăng 64,83% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 630,25 tỷ đồng, đạt 105,04% kế hoạch năm, giảm 2,60% so cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 23.130,74 tỷ đồng, vượt 32,51% kế hoạch năm và tăng 6,32% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng ước đạt trên 40.585 tỷ đồng, đạt 84,24% kế hoạch năm, tăng 10,87% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước tính 831,14 triệu USD, đạt 81,48% kế hoạch năm và tăng 3,53% so cùng kỳ.

Một thành phố Tây Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc tế - Ảnh 4.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, ước tính khách du lịch đến tỉnh trong 10 tháng đạt 7.855,91 ngàn lượt, đạt 94,65% kế hoạch năm, tăng 18,93% so cùng kỳ. Trong đó, khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch 3.601,67 ngàn lượt, đạt 92,83% kế hoạch năm, tăng 17,16% so cùng kỳ (khách quốc tế 548,05 ngàn lượt khách, vượt 56,59% kế hoạch năm, tăng 242,01% so cùng kỳ).

Tổng thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt 11.916,43 tỷ đồng, đạt 97,86% dự toán, tăng 17,15% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 11.824,25 tỷ đồng, đạt 97,75% dự toán, tăng 18,15% so cùng kỳ và chiếm 99,23% tổng thu. Một số khoản thu tăng khá cao, như: Thu tiền sử dụng tăng 94,92%; thuế bảo vệ môi trường tăng 10,50%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước tăng 432,90%; thu xổ số kiến thiết tăng 7,92%; thu khác tăng 32,74%.

Chi ngân sách địa phương 10 tháng ước tính 12.543,20 tỷ đồng, đạt 71,84% dự toán năm, tăng 12,21% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 4.018,68 tỷ đồng, đạt 83,27% dự toán và tăng 39,45% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 8.520,38 tỷ đồng, đạt 83,08% dự toán và tăng 2,80% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 10 tháng ước tính 4.070,87 tỷ đồng, đạt 60,89% kế hoạch năm, tăng 18,96% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh trên 1.869 tỷ đồng, đạt 56,44% kế hoạch năm, tăng 38,68% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện trên 2.201 tỷ đồng, đạt 65,26% kế hoạch năm, tăng 6,14% so với cùng kỳ.

Giải ngân vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 10 tháng ước tính 3.646,26 tỷ đồng, đạt 58,42% kế hoạch năm, tăng 33,26% so với cùng kỳ, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương 2.945,42 tỷ đồng, đạt 66,55% kế hoạch năm, tăng 33,62% so cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại