Một tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô được công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời đầu tư 420 triệu USD

Pha Lê |

Đây được xem là mức đầu tư lớn nhất của tập đoàn này tại nước ngoài đối với lĩnh vực quang điện.

Một tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô được công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời đầu tư 420 triệu USD - Ảnh 1.

Tập đoàn Trina Solar được thành lập năm 1997 với hoạt động chủ yếu nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh các mô-đun năng lượng mặt trời, trạm điện năng lượng mặt trời và các sản phẩm hệ thống cũng như dịch vụ vận hành, bảo trì.

Trina Solar được xếp hạng trong số 500 công ty sản xuất hàng đầu Trung Quốc và đứng đầu trong Top 100 công ty hàng đầu ngành năng lượng mặt trời thế giới. Tính đến nửa đầu năm 2023, Trina Solar đã 25 lần phá kỷ lục về công nghệ năng lượng mặt trời và sản phẩm xuất ra thị trường vượt qua 150 GW.

Một tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô được công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời đầu tư 420 triệu USD - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Chủ tịch Tập đoàn Trina Solar - Ảnh: VGP/Hải Minh

Từ năm 2016, Trina Solar thành lập Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar Việt Nam, cơ sở chính đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư lên tới hơn 500 triệu USD.

Tại Thái Nguyên, Tập đoàn đã đầu tư 2 dự án trong Khu công nghiệp Yên Bình với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 478 triệu USD.

Đầu tiên là dự án Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar thành lập năm 2020 thực hiện Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm mô-đun năng lượng mặt trời; có vốn đầu tư đăng ký là 203 triệu USD.

Tiếp đến là Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Viet Nam). Doanh nghiệp này được thành lập năm 2022 thực hiện Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer, sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể; có vốn đầu tư đăng ký 275 triệu USD.

Tập đoàn đang lên phương án thực hiện đầu tư sản xuất giai đoạn 3 với tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đây được xem là mức đầu tư lớn nhất của Tập đoàn tại nước ngoài đối với lĩnh vực quang điện. Với phương án này, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam được nâng lên gần 900 triệu USD.

Tập đoàn Trina Solar mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn nghiên cứu và đầu tư Dự án điện mặt trời áp mái tại Thái Nguyên.

Một tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô được công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời đầu tư 420 triệu USD - Ảnh 3.

Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và được xác định là một trong những trung tâm vùng của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên có 3 thành phố và 6 huyện.

Tài nguyên khoáng sản tại tỉnh rất phong phú về chủng loại. Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước. Các kim loại màu phải kể đến thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân…

Khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng. Về than, tỉnh có 4 mỏ với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Quặng sắt có 47 mỏ và điểm mỏ với trữ lượng gần 100 triệu tấn. Ti tan có 18 mỏ với trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn. Thiếc có 3 mỏ với trữ lượng trên 13 triệu tấn; vonfram với trữ lượng trên 110 triệu tấn...

Về vật liệu xây dựng, Thái Nguyên có 2 mỏ sét với trữ lượng trên 80 triệu tấn; đá vôi xây dựng với trữ lượng 100 tỷ m3; mỏ sét cao lanh với trữ lượng trên 20 triệu m3...

Một tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô được công ty hàng đầu thế giới về năng lượng mặt trời đầu tư 420 triệu USD - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê Tỉnh Thái Nguyên

Về tình hình kinh tế - xã hội, trong 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên ước đạt 4,35% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước (4,24%). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 694,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68% so với cùng kỳ, bằng 68,1% kế hoạch cả năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ và đạt 78,2% kế hoạch. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 42,89 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước đạt 11.327 tỷ đồng, bằng 84,4% so với cùng kỳ, đạt 57,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 56,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Thái Nguyên đạt 42.900 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh có 1.134 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng; 359 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng, tương đương cùng kỳ; 722 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 14,6% so với so cùng kỳ và 673 doanh nghiệp đóng mã số thuế, tăng 34,9% so với cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại