Hình minh họa
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản, nông sản của Việt Nam.
Theo chia sẻ của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12/12, 3 quý đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Trung Quốc tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD cả năm, nhưng 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đã đạt 1,95 tỷ USD nên chắc chắn cuối năm sẽ vượt con số này, thậm chí tăng gấp đôi, Đại sứ khẳng định.
Trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn sầu riêng với tổng giá trị gần 6,4 tỷ USD, tăng 88% về lượng và tăng 81% giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Trong 10 tháng năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 451.600 tấn, tăng hơn 30 lần, giá trị tăng hơn 31 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sầu riêng là một mặt hàng được yêu thích tại Trung Quốc. Một báo cáo do ngân hàng HSBC công bố đầu tháng 9 cho thấy, “nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc”.
Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu tăng từ đầu năm 2017, nhu cầu thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022.
HSBC cho biết thêm, khoảng 90% sầu riêng được vận chuyển trên toàn thế giới có nguồn gốc từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng từ mức 60% cách đây 7 năm.
Tại quốc gia tỷ dân này, người tiêu dùng không chỉ xem sầu riêng là một loại trái cây mà còn là món quà thể hiện sự giàu có của giới thượng lưu. Ngoài ra, việc tặng sầu riêng làm quà theo phong tục cho bạn bè và người thân khi đính hôn đã trở nên phổ biến.
“Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ vợ (chồng) tương lai một quả sầu riêng sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới”, nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC chia sẻ.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. HAGL hiện đang là doanh nghiệp có diện tích vùng trống lớn nhất Việt Nam với quy mô khoảng 7.000 ha chuối và 1.000 ha sầu riêng.
Hầu hết trái cây của công ty đều được xuất khẩu sang Trung Quốc từ Cảng Sài Gòn. Với diện tích vùng trồng tại Lào, HAGL xuất khẩu theo C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) của nước này.
Năm 2023 là năm đầu tiên Hoàng Anh Gia Lai bán sầu riêng thu tiền. Theo chia sẻ từ công ty này, tổng sản lượng thu hoạch năm nay theo HAGL dự tính là 1.000 tấn, tạm tính theo giá bán xô (cân ký tính tiền chứ không phân loại) là 77.000 đồng/kg, tương đương sầu riêng có thể thu về 77 tỷ đồng cho HAGL.
Công ty đã thu hoạch một vườn 21ha và đã thu tiền. Thống kê cho thấy, tổng chi phí HAGL bỏ ra cho 21ha này vào khoảng 3,6 tỷ đồng, thì tổng tiền thu về là 18 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận lên đến 14 tỷ, tương đương bỏ ra 1 đồng vốn HAGL thu về 5 đồng lời.
“Năm 2024, doanh số sầu riêng của HAGL sẽ không nhỏ, doanh số chưa chắc vượt mảng chuối nhưng lợi nhuận có thể vượt. Có thể nói, giá trị lớn nhất trong tương lai của HAGL là sầu riêng” , bầu Đức khẳng định.
HAGL dự tính trong 5 năm tới, mỗi năm HAGL sẽ trồng thêm 200ha để đưa diện tích lên khoảng 2.000ha.