Tình hình kinh tế của tỉnh miền núi phía Bắc vừa được phê duyệt 2 cao tốc hơn 1 tỷ USD: Tăng trưởng GRDP năm 2023 ngang Hà Nội, một chỉ số tăng vọt

Nhật Minh |

Tỉnh miền núi này đang phấn đấu trở thành nền kinh tế động lực chủ đạo vùng Đông Bắc.

Tình hình kinh tế của tỉnh miền núi phía Bắc vừa được phê duyệt 2 cao tốc hơn 1 tỷ USD: Tăng trưởng GRDP năm 2023 ngang Hà Nội, một chỉ số tăng vọt - Ảnh 1.

(Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn)

Ngày 4/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định số 2014/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Quyết định nêu rõ dự án được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,87 km, với tổng mức đầu tư dự án là 11.179 tỷ đồng, dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến từ quý 1/2024.

Sau đó một ngày, chiều 5/12, UBND tỉnh Cao Bằng công bố kết quả chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, theo phương thức đổi tác công tư PPP.

Cao tốc này nối 2 tỉnh Lạng sơn và Cao Bằng. Ở Lạng Sơn, cao tốc có điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Điểm cuối tại điểm giao với quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư thực hiện dự án. Cao tốc giai đoạn 1 dài 93,35 km, với tổng mức đầu tư 14.300 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành năm 2026

Một chỉ số trong kinh tế tăng mạnh

Là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn không chỉ là trung tâm giao thương của kinh tế khu vực Đông Bắc, mà còn là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc.

Phấn đấu trở thành nền kinh tế động lực chủ đạo vùng Đông Bắc, bức tranh kinh tế của vùng “phên dậu” này có nhiều điểm sáng trong thời gian qua.

Theo Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh đã đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội (6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt), kinh tế phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,27%, ngang thủ đô Hà Nội, GRDP bình quân đầu người ước đạt 60,31 triệu đồng/năm, tương đương 2.566,6 USD.

Dự toán tỉnh giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 là 8.200 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 2.200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.000 tỷ đồng. Năm 2023, ước thu nội địa đạt 107,5% dự toán.

Tình hình kinh tế của tỉnh miền núi phía Bắc vừa được phê duyệt 2 cao tốc hơn 1 tỷ USD: Tăng trưởng GRDP năm 2023 ngang Hà Nội, một chỉ số tăng vọt - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo Lạng Sơn).

Thực tế, số liệu từ Cục thống kê Lạng Sơn, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11 tháng năm 2023 ước đạt 6.932 tỷ đồng, đạt 85,6% so với dự toán Trung ương giao, đạt 84,5% so với dự toán tỉnh giao, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 11/2023 là 1.728 tỷ đồng, ước thực hiện 11 tháng năm 2023 là 9.575 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán giao đầu năm, bằng 113,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 11/2023 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,34% so với kỳ gốc 2019 và tăng 1,74% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 1,76% so với tháng trước. Trong khi một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm hoặc đi ngang thì chỉ số này tăng cao ở các ngành như sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,26%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,24%; ngành sản xuất trang phục tăng 9,2%; ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 6,53%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,94%; ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 4,49%.

Trong thương mại và dịch vụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước đạt 28.341,3 tỷ đồng, tăng 28,67% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 2.536,1 tỷ đồng, tăng 74,02%. Đây là chỉ số tăng cao nhất trong bức tranh kinh tế của Lạng Sơn 11 tháng đầu năm. Tiếp theo là nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 2.537.3 tỷ đồng, tăng 30,99%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 16.024 tỷ đồng, tăng 24,21% so với cùng kỳ;...

Dự tính 11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.555,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 27,69%. Hiện nay, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại một số huyện như: Lộc Bình, Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng…. Phát triển du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tới.

Về các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã có đề xuất phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự kiến có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.125,2ha và 37 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.904,7ha.

Trước đó theo công bố của VCCI, trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại