Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 545 tấn với kim ngạch đạt 0,9 triệu USD, giảm 31,3% về lượng so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 8.296 tấn ớt, thu về hơn 15,7 triệu USD, tăng mạnh 136,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu ớt bình quân đạt 1.892 USD/tấn, giảm mạnh 28% so với năm 2022.
Về các thị trường, Trung Quốc và Lào là 2 thị trường chính xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng lần lượt 81,9% và 7,9%, tương đương với 7.393 tấn và 656 tấn.
Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4.904 tấn ớt với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD.
Năm 2020, do vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Trung Quốc và Malaysia - hai thị trường lớn tiêu thụ ớt Việt Nam đã ngừng nhập khẩu. Đến tháng 5/2021, hai nước này đồng ý nhập khẩu lại hàng hoá này kèm với một số yêu cầu về mã vùng trồng, loại thuốc bảo vệ thực vật...Đến tháng 10/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý với các biện pháp kỹ thuật do Cục đề xuất và tiến hành kiểm tra trực tuyến với các cơ sở đóng gói của Việt Nam.
Ớt là loại quả không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt Nam, được bán với mức giá dao động từ 22.000 – 28.000 đồng/kg. Trên thế giới, ớt được trồng trên diện tích khoảng 19,89 triệu ha. Các nước trồng ớt chính là Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Romania, Trung Quốc, Nigeria và Mexico…
Năm 2020, sản lượng ớt của thế giới là khoảng 60 triệu tấn, bao gồm cả ớt cay, ớt chuông và ớt xanh. Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, không kém cà phê hoặc trà. Diện tích trồng ớt của Trung Quốc là hơn 1,3 triệu ha, chiếm 35% tổng diện tích trồng của thế giới. Mỗi năm quốc gia này xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt bột và ớt khô sang các thị trường như: Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á….
Tại Việt Nam, cây ớt ở Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt. Sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.
Bên cạnh đó, một “thủ phủ” ớt khác của Việt Nam là Lạng Sơn, trong vụ ớt này, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479 ha, tăng 91 ha so niên vụ năm 2022. Cây ớt được trồng chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan... Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào.