Theo nguồn tin riêng của Nikkei, Mitsubishi vừa đưa ra quyết định sẽ dừng hoạt động sản xuất ô tô ở Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, Mitsubishi đã trao đổi những việc cuối cùng với Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC) để rút hoạt động sản xuất khỏi quốc gia này. Tập đoàn Ô tô Quảng Châu là một nhà sản xuất ô tô nội địa của Trung Quốc, đồng thời là đơn vị mà Mitsubishi thành lập liên doanh để sản xuất xe tại đây.
Mitsubishi sẽ dừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Mitsubishi tại Trung Quốc đã rất khó khăn với doanh số luôn ở mức thấp, nguyên nhân là bởi các thương hiệu nội địa phát triển quá mạnh, kèm theo đó là "cơn bão" xe điện vẫn đang diễn ra.
Mitsubishi chỉ có một nhà máy duy nhất tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Hoạt động tại nhà máy này, trên thực tế, đã dừng từ tháng 3 và sẽ không có cơ hội hoạt động trở lại.
Airtrek là mẫu xe điện duy nhất của Mitsubishi bán tại Trung Quốc.
Trên thực tế, không chỉ Mitsubishi mà các thương hiệu xe khác của Nhật Bản cũng đang rất chật vật tại Trung Quốc, và có thể cũng sẽ phải nghiên cứu lại chiến lược kinh doanh tại đây. Xét về chiến lược chung, các thương hiệu xe của Nhật Bản nhận đánh giá là khá chậm chạp trong việc phát triển xe điện.
Toyota, thương hiệu đã nhiều năm là nhà sản xuất xe có doanh số cao nhất thế giới, chỉ có hai mẫu xe thuần điện là Toyota bZ4X và Toyota bZ3; trong đó, bZ4X là sản phẩm cùng nghiên cứu với Subaru (mẫu xe tương ứng là Subaru Solterra), còn bZ3 là mẫu xe dành riêng cho thị trường Trung Quốc, do Toyota và 2 đối tác Trung Quốc là BYD và FAW cùng phát triển.
Mitsubishi cũng có một mẫu xe điện dành riêng cho thị trường Trung Quốc là Mitsubishi Airtrek. Mẫu SUV điện này được xem là phiên bản chạy điện của mẫu Outlander, do liên doanh Mitsubishi-GAC phát triển. Dù rằng Trung Quốc được xem là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với 5,9 triệu chiếc (chiếm 59% tổng doanh số xe hạng nhẹ) được bán ra trong năm 2022, nhưng Mitsubishi chỉ bán được vỏn vẹn 515 chiếc cùng năm.
Sau Wuling HongGuang MiniEV, BYD Song (trong ảnh) là mẫu xe điện bán chạy thứ 2 tại Trung Quốc.
Đầy ắp công nghệ và giá rẻ là những cụm từ dùng để mô tả các mẫu xe do các thương hiệu nội địa Trung Quốc phát triển. Một nghiên cứu của JATO Dynamics (đơn vị nghiên cứu, tư vấn uy tín trong ngành xe) nêu ví dụ rằng một chiếc xe của Chery (Trung Quốc) rẻ hơn khoảng 36% so với một chiếc Toyota cùng bán ở Nam Phi; một chiếc Haval rẻ bằng một nửa giá Jeep; hay một chiếc MG có giá thấp hơn 41% giá trung bình của các mẫu xe mới.
Các thương hiệu xe phương Tây đã thống trị thị trường xe Trung Quốc trong nhiều năm, tiêu biểu như Volkswagen lên tới 15 năm, nhưng nay đã bắt đầu thất thế trước các thương hiệu nội địa. Trong nửa đầu năm nay, Volkswagen bán được 430.000 chiếc, đã đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc; vị trí đầu bảng đã nhường lại cho BYD với khoảng 440.000 chiếc.