Nhìn vào chuyến công du 4 nước của ông Pompeo, thấy mục đích thực của Mỹ ở Đông Bắc Á

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhìn vào những chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Đông Bắc Á là có thể thấy, đối với Mỹ khu vực Đông Bắc Á hiện đã khác trước như thế nào.

Chuyện chung ở Đông Bắc Á

Chuyến công du khu vực Đông Bắc Á lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đặc biệt hơn tất cả những chuyến tới nơi này trước đấy của chính ông Pompeo và của cả những người tiền nhiệm.

Ông Pompeo là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đầu tiên trong khuôn khổ một chuyến đi tới tất cả 4 nước ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trước ông Pompeo chỉ có một lần duy nhất Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tới Triều Tiên là bà Madeleine Albright dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Vậy mà đảm trách cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ mới có nửa năm, ông Pompeo đã 4 lần tới Triều Tiên. Chỉ hai điều này không thôi đã đủ để cho thấy đối với Mỹ khu vực Đông Bắc Á hiện đã khác trước như thế nào và sứ mệnh của ông Pompeo trong hoạt động ngoại giao này đặc biệt như thế nào.

Ông Pompeo phải xử lý chuyện chung của Mỹ với cả khu vực là hoà bình và hoà giải với Triều Tiên và chuyện riêng của Mỹ với từng nước trong khu vực.

Thực chất của chuyện chung là giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với Triều Tiên, là nước láng giềng với Triều Tiên và được coi là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên nên có lợi ích chiến lược rất to lớn với việc có vai trò và ảnh hưởng trong chuyện chung này. Cho nên khi tới Bắc Kinh, ông Pompeo không thể không thương thảo với Trung Quốc về chuyện chung kia.

Chuyện riêng với Trung, Nhật, Triều

Chuyện riêng lại rất khác nhau, cho dù liên quan mật thiết với nhau. Lộ trình chuyến đi này của ông Pompeo cho thấy rất rõ điều ấy. Ông Pompeo đến Nhật Bản đầu tiên, để lắng nghe yêu cầu của Nhật Bản và trấn an tâm lý của Nhật Bản.

Nhật Bản vừa muốn Mỹ bình thường hoá quan hệ với Triều Tiên nhưng không quên những đòi hỏi lâu nay của Nhật Bản đặt ra cho Triều Tiên mà chưa được Triều Tiên đáp ứng, lại vừa muốn có vai trò và ảnh hưởng trong tiến trình hoà bình và hoà dịu đang diễn ra ở khu vực.

Ông Pompeo chắc chắn đã tìm cách để phía Nhật Bản yên tâm vì suy cho cùng Mỹ cũng vẫn phải cần đến Nhật Bản cả khi găng lẫn lúc dịu với Triều Tiên, cả hiện tại cũng như sau này.

Những cuộc trao đổi của ông Pompeo với lãnh đạo Triều Tiên là một trong hai trọng tâm chính của hoạt động ngoại giao lần này của ông Pompeo ở khu vực Đông Bắc Á.

Nhìn vào chuyến công du 4 nước của ông Pompeo, thấy mục đích thực của Mỹ ở Đông Bắc Á - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Câu hỏi chính mà ông Pompeo phải trả lời là mọi điều kiện cần thiết đã có đủ và chín muồi cho cuộc gặp thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay chưa, tức là Triều Tiên đã cụ thể hoá cam kết phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên đủ mức như Mỹ mong đợi và Mỹ đã sẵn sàng nhượng bộ Triều Tiên đủ mức để Triều Tiên tạm tin Mỹ hay chưa.

Cứ theo sự thể hiện thái độ của ông Pompeo sau các cuộc trao đổi trong thời gian 3 giờ lưu lại ở Bình Nhưỡng thì Mỹ và Triều Tiên đã có sự "có đi có lại" đủ để hai bên cùng làm "toại lòng nhau".

Ở Hàn Quốc, ông Pompeo thông báo cho phía Hàn Quốc biết về kết quả các cuộc trao đổi trước đó tại Bình Nhưỡng và bàn thảo về phối hợp hành động giữa hai bên cho thời gian tới như thế nào, để hai bên tiếp tục đồng hành và song hành. Hàn Quốc có lợi ích trong việc đi cùng với Mỹ chứ không để cho Mỹ đi theo lối đường riêng.

Nhìn vào chuyến công du 4 nước của ông Pompeo, thấy mục đích thực của Mỹ ở Đông Bắc Á - Ảnh 3.

Có thể nói ở cả ba nơi này, ông Pompeo có được chuyến đi thành công.

Ở Trung Quốc, cái khó khăn nhất đối với ông Pompeo không phải là chuyện chung kia mà là chuyện riêng của Mỹ với Trung Quốc.

Mối quan hệ song phương này hiện trắc trở như rất hiếm thấy từ khá lâu nay, không phải vì Triều Tiên mà vì thương mại, chính trị an ninh mà có thể gói gọn được trong cụm từ "cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng".

Ở Trung Quốc, ông Pompeo không thể mong đợi được đón tiếp trọng thị, thân tình và nồng nhiệt như ở ba nước kia. Ở Trung Quốc, ông Pompeo đạt được thoả thuận duy nhất với phía Trung Quốc là: "Chúng tôi nhất trí là không nhất trí gì với nhau".

Tuy nhiên, chỉ riêng việc ông Pompeo vẫn đi Trung Quốc và vẫn được phía Trung Quốc đón tiếp trong bối cảnh quan hệ song phương tồi tệ lại đủ để cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều có ý giữ dư địa cho việc lại đi vào hữu hảo với nhau ở thời điểm nào đó sau này. Găng thì sẽ còn găng nữa với nhau, nhưng cầu quan hệ vẫn được duy trì chứ không bị đánh sập.

Vì thế, cả ở Trung Quốc, ông Pompeo không đến nỗi thất bại, nếu như không muốn nói là cũng thành công về ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại