Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi coi đây là một sự đe dọa. Những hành động này đe dọa lợi ích và an ninh của chúng tôi. Đặc biệt là việc một bên thứ ba thiết lập sự hiện diện quân sự gần với các đường biên giới của chúng tôi. Đó là Mỹ, thậm chí không phải là một nước châu Âu."
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh: "Mỹ đang thực hiện cam kết của mình đối với vấn đề an ninh tập thể thông qua các hành động nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực đối với các đồng minh NATO và các đối tác của Mỹ trước việc Nga can thiệp vào Ukraine."
Việc đưa binh sĩ và xe tăng đến Ba Lan được coi là cuộc triển khai quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Hành động triển khai quân sớm của Mỹ được coi là nỗ lực nhằm buộc chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump phải tiếp tục chiến lược này.
Việc triển khai quân, được NATO mô tả là nhằm đối trọng với hành động "xâm lược của Nga" tại Đông Âu, sẽ cho thấy lần đầu tiên quân đội Mỹ có thể đóng quân dài hạn dọc theo biên giới phía Tây của Nga.
Ngày 12/1, Mỹ đã bắt đầu đưa binh sĩ và xe tăng tới Ba Lan, như là một phần trong kế hoạch triển khai quy mô lớn nhất đối với các lực lượng Mỹ tại châu Âu kể từ thời Chiến tranh Lạnh./.