Giáo sư Mỹ: Tôi hiểu, nhiều người bầu cho Trump vì họ đã không may mắn như tôi

Linh Nguyễn |

Trao đổi với chúng tôi, GS. Edward Arke cho biết, với cá nhân ông, 8 năm cầm quyền của Obama là thời kỳ suôn sẻ. Nhưng nhiều người Mỹ không may mắn như ông, nên họ muốn thay đổi.

Giáo sư ngành báo chí - truyền thông Edward Arke từ Messiah College và Giáo sư ngành chính phủ - quan hệ quốc tế William Frasure từ Connecticut College chia sẻ với báo điện tử Trí thức trẻ về những điểm đặc biệt trong bài diễn văn chia tay của Tổng thống Obama cũng như nhìn lại di sản 8 năm cầm quyền của vị Tổng thống đảng Dân chủ.

Tổng thống Obama đã nhắc đến từ "dân chủ" 20 lần trong diễn văn chia tay của mình. Theo ông, ý nghĩa đằng sau động thái này là gì?

GS Edward Arke: Tôi cho rằng Tổng thống muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân tham gia đóng góp cho chính phủ dân chủ. Obama nhấn mạnh việc mọi công dân không kể màu da, tôn giáo... nên tham gia một cách chủ động vào quá trình đưa ra quyết định. 

Ngay cả trong các cuộc bầu cử được coi là có số cử tri đông đảo, vẫn có hàng triệu người Mỹ không đi bỏ phiếu. Dù là bầu Tổng thống mỗi 4 năm hay bầu cử quy mô địa phương, Obama khẳng định mọi tiếng nói đều quan trọng. Ông muốn lan tỏa tầm nhìn của bản thân về sự thay đổi mà ông tin rằng sẽ có lợi cho mọi người Mỹ.

Giáo sư Mỹ: Tôi hiểu, nhiều người bầu cho Trump vì họ đã không may mắn như tôi - Ảnh 1.

GS William Frasure: Tổng thống Obama nhắc đến dân chủ trong hai bối cảnh: Bức tranh cuộc sống và chính trị trong nước Mỹ, và cục diện thế giới. 

Về Mỹ: Obama gửi gắm thông điệp rằng một nền dân chủ hiệu quả cần tất cả cộng đồng tham gia vào một số công việc xã hội. Có quá nhiều người Mỹ không tham gia, thậm chí không bỏ phiếu. Tổng thống Obama cũng hối thúc người dân không được chỉ ngồi chấp nhận mọi điều giới lãnh đạo nói, mà phải tự mình đem lại sự thay đổi và tạo sức ép lên các nhà lãnh đạo để làm điều tốt nhất cho cả quốc gia.

Về quốc tế: Obama khơi gợi lại niềm tin lâu đời của Mỹ rằng, người dân sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn dưới một chính phủ dân chủ. Suốt 1 thế kỷ qua, các đời Tổng thống Mỹ đã theo đuổi quan điểm của Tổng thống Woodrow Wilson, rằng các quốc gia nên được độc lập tự do, và bản thân nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu dân chủ tồn tại trên toàn thế giới. 

Giáo sư Mỹ: Tôi hiểu, nhiều người bầu cho Trump vì họ đã không may mắn như tôi - Ảnh 2.

Ông cảm thấy ấn tượng nhất với phần nào trong diễn văn chia tay của Tổng thống Obama?

GS Edward Arke: Với tôi, đó là lời khẳng định ông vẫn sẽ làm việc tích cực với tư cách công dân. Tôi cũng ấn tượng với cách ông tập trung vào dân chủ, điểm lại các thành tựu, và cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước.

Mặc dù ông ủng hộ đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử, Obama vẫn có giọng điệu tích cực về tương lai. Tôi nghĩ có nhiều người Mỹ vẫn băn khoăn về 4 năm tới, nhưng Obama đã nhắc lại lịch sử đất nước cũng như niềm tin của ông rằng Mỹ vẫn sẽ là một nước mạnh, cho dù tân Tổng thống có kế hoạch gì đi nữa. 

GS William Frasure: Khi theo dõi diễn văn của ông trên tivi, tôi xúc động nhất khi ông cảm ơn người vợ của mình. Bà ấy là người phụ nữ rất duyên dáng, hoàn toàn xứng đáng với lòng ngưỡng mộ và kính trọng của người dân dành cho bà. 

Thật tuyệt vời khi nhà lãnh đạo quyền lực như Obama vẫn dành những cảm xúc ấm áp và chân thực cho người vợ và gia đình mình. Tôi nghĩ rằng, ai cũng có thấy điều đó thật gần gũi.

Trước thềm lễ nhậm chức của Donald Trump - một trong những ứng viên Tổng thống gây tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ, diễn văn của Obama liệu có ảnh hưởng gì đến làn sóng phản đối Trump hay không?

GS Edward Arke:  Có lẽ là không. Mặc dù Obama nhấn mạnh niềm tin vào hệ thống chính phủ của Mỹ, ông cũng kêu gọi người Mỹ hoạt động tích cực, bao gồm việc tổ chức và ủng hộ các cuộc vận động xoay quanh những niềm tin và mục tiêu chung. 

Tôi không nghĩ Obama khích lệ việc phản đối Trump, mà là đưa ra lời khuyên về việc phân tích và nghiền ngẫm mọi sự việc cho thấu tình đạt lý. Rất cần một cuộc đối thoại trung thực và một số thỏa hiệp từ cả hai đảng lớn, để nước Mỹ có thể vận hành một cách trơn tru. 

GS William Frasure: Chắc chắn là một số phần trong diễn văn của Obama có ẩn ý chỉ trích Trump. Tuy nhiên, điều đáng nói là Tổng thống đã không công khai lên án đích danh Trump.

Thay vào đó, ông nói về một cuộc chuyển giao thuận lợi. Ông không có lời lẽ nào có thể khơi gợi thù ghét Trump hoặc gây biểu tình mạnh mẽ hơn. Ở điểm này, Obama đã cho thấy tính cao thượng và khả năng kiềm chế bản thân tuyệt vời. 

Giáo sư Mỹ: Tôi hiểu, nhiều người bầu cho Trump vì họ đã không may mắn như tôi - Ảnh 3.

Trong diễn văn, Tổng thống Obama đã trực tiếp gọi Nga và Trung Quốc là hai đối thủ của Mỹ. Theo ông, Tổng thống đang muốn gửi gắm thông điệp gì?

GS Edward Arke:  Có lẽ Obama chỉ đang khẳng định điều đáng lẽ ra nên là hiển nhiên. 

Trong khi nhiều người Mỹ tin họ đang sống ở đất nước vĩ đại nhất thế giới, sự thật là có những quốc gia khác xứng tầm đối thủ với Mỹ về kích thước, kinh tế và quân sự. Điều này có đôi chút liên quan đến các quan điểm của Obama, khi ông nhắc đến những người Mỹ thu mình trong bong bóng của riêng mình. 

Mặc dù 8 năm qua Mỹ duy trì một vị thế khá tốt, Obama cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để Mỹ có thể phát huy hết tiềm năng. 

GS William Frasure: Tổng thống chỉ nhắc đến Nga và Trung Quốc 1 lần, và có ám chỉ đến hai nước này 1 hoặc 2 lần trong diễn văn. Mục đích của ông là so sánh tầm nhìn của Mỹ với hai nước này. Theo quan điểm của Obama, phần lớn mọi người coi Mỹ là hình mẫu lý tưởng để theo đuổi chứ không phải Trung Quốc hay Nga. 

Thêm vào đó, đây cũng có thể là lời cảnh báo đến Trump - do người kế nhiệm luôn tỏ ra muốn thân thiết hơn với Nga - phải thật thận trọng trong quan hệ đối tác với Putin.

Nhìn lại 8 năm nhiệm kỳ Tổng thống của Obama, ông có cảm nhận cá nhân gì?

GS Edward Arke: Với cá nhân tôi, 8 năm qua tương đối tốt với bản thân và gia đình. Tôi có sự phát triển về kinh tế, trải qua cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 mà không bị tác động nhiều bởi tình hình suy thoái chung. Thực lòng tôi không có than phiền gì. 

Tôi hiểu rằng nhiều người bầu cho Trump vì họ đã không may mắn như tôi. Trump sẽ đem cả tính không chắc chắn và khó đoán vào phòng Bầu dục, điều này khiến những người phản đối ông cảm thấy lo lắng. 

Tôi cho rằng diễn văn chia tay của Obama có ám chỉ rằng, mặc dù chiếc ghế đó rất quyền lực, một người không có khả năng đem lại sự thay đổi toàn diện. Obama cũng khuyến khích người Mỹ tỉnh táo và không cho phép người kế nhiệm ông được toàn quyền quyết định. Thay vào đó, Obama muốn người Mỹ lên tiếng đóng góp ý kiến của họ nhiều hơn nữa. 

GS William Frasure: Trên nhiều góc độ, Obama là một Tổng thống truyền cảm hứng. Tại Mỹ - một nơi đầy rẫy hành vi phân biệt chủng tộc và đối xử bất công với người da đen - các em học sinh sẽ nhớ mãi rằng 145 năm sau khi Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ, một người Mỹ gốc Phi đã được bầu vào vị trí lãnh đạo đất nước.

Obama chắc chắn là một nhà diễn thuyết tuyệt vời. Ông nổi tiếng vì có khả năng truyền cảm hứng qua các bài diễn văn, tiêu biểu như diễn văn chia tay vừa rồi. Ông liên tiếp đưa ra những góc nhìn về dân chủ, công bằng và công lý.

Về chính sách, Obama đã ấp ủ nhiều ước vọng. Nhưng các thành quả của ông, nói một cách thực tế, chưa đạt đến tầm cỡ các khát vọng của ông. 

Nền kinh tế có phục hồi sau 2008, nhưng rất chậm. Ông cho ra đời đạo luật bảo hiểm y tế mới, nhưng nó lại gây nhiều tranh cãi và vận hành không thực sự hiệu quả. Trên trường quốc tế, Mỹ rõ ràng đang ở vị trí yếu hơn so với khi ông trở thành Tổng thống 8 năm trước. 

Cách lãnh đạo thiếu quyết đoán đã khiến Nga tiếp tục mạnh tay ở Ukraine, Syria chìm vào khủng hoảng khi Nga chiếm được vị trí vững chắc ở Trung Đông. Thái độ chưa cương quyết tại Biển Đông đã góp phần giúp Trung Quốc thêm tự tin ở khu vực này.

Với nhiều nhà bình luận người Mỹ, chính sách đối ngoại là một trong những thất bại chính của Obama. Có lẽ, dấu hiệu lớn nhất của sự thất vọng với chính quyền ông là người dân Mỹ đã bầu chọn cho một ứng viên hết sức "dị thường" như Trump. Việc các chính trị gia thông thường ở cả hai đảng lớn đều bị người dân bỏ qua chính là lời phê bình gay gắt nhất đối với chính quyền của Obama.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại