'Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi'

Ngọc Tú |

Tại Hội nghị đánh giá hiện trạng môi trường biển sau sự cố môi trường Formosa xả thải, nhiều người quan tâm đến chất lượng biển và muốn biết đến bao giờ biển sẽ hoàn toàn sạch độc.

Diễn biến chất lượng nước biển, hệ sinh thái sau khi Formosa xả thải

Sáng 26/8, UBND Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng Môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường Formosa xả thải khiến cá chết hàng loạt.

Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện, TP, TX đến các phường, xã ven biển thuộc 8 huyện, thị thành trong tỉnh Hà Tĩnh.

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Tại hội nghị, GS.TS Mai Trọng Nhuận -Chuyên viên cao cấp, giảng viên, Nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày kết quả đánh giá môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Cụ thể, sau khi xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra, các bộ ngành đã huy động đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chức năng vào cuộc đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Trên cơ sở kết quả phân tích, về cơ bản, các thông số lý hoá, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Colifom đều nằm trong giới hạn cho phép.

Các thông số sắt, tổng số phenol và xyanuacó số mẫu vượt giới hạn cho phép giảm dần theo thời gian.

Tại khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Chà (Thừa - Thiên - Huế) do dòng xoáy cục bộ nên một số thông số cao hơn so với khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn và cần tiếp tục giám sát thường xuyên.

Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCN, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn thuỷ sinh.

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 2.

GS.TS Mai Trọng Nhuận trình bày kết quả đánh giá môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Trên cơ sở kết quả phân tích 29 mẫu trầm tích, 146 mẫu bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích đều có giá trị nằm trong giới hạn. Hàm lượng phenol và xyanua có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian.

Hội nghị cũng đã đánh giá diễn biến các hệ sinh thái trong môi trường biển tại 4 tỉnh miền trung.

Cụ thể, trong tháng 4-5/2016, 100 rạn san hô đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành bị chết hàng loạt. Điển hình là tại Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh) với tỷ lệ chết 90% và giảm dần ở tỉnh khác. Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật đố cá rất thấp.

Đến tháng 6-7/2016, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng và có hiện tượng phụ hồi tự nhiên từ những tập đoàn đã chết từng phần. Ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển. Cá kích thước nhỏ và động vật tầng đáy cỡ lớn có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Về chất lượng hải sản, một số chất ô nhiễm trong hải sản ở miền Trung đã giảm dần theo thời gian. Các cơ quan chức năng sẽt iếp tục giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ TNMTcông bố.

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 3.

Hình ảnh các nhà khoa học xuống đáy biển lấy các mẫu chất, trầm tích để nghiên cứu, đánh giá môi trường biển.

Những câu hỏi nóng về biển miền Trung

Video đại biểu đặt câu hỏi nóng về môi trường biển và PGS.TS Trịnh Văn Tuyên trả lời.

Sau khi nghe báo cáo kết quả điều tra của các nhà khoa học, nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã nêu lên nhiều câu hỏi nóng. Trong đó, các vấn đề về chất lượng nước biển, chất lượng cá và vấn đề thời gian, kết quả làm sạch môi trường biển luôn được quan tâm.

Đại tá Lê Văn Sao - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đặt câu hỏi: "Với sự cố môi trường ảnh hưởng lớn đến 4 tỉnh miền Trung, vậy Formosa đã dùng bao nhiêu lượng hoá chất để xảy ra tình trạng như trên?".

Trả lời câu hỏi, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: "Hiện nay Formosa có 1 lò cốc và sẽ có thêm 3 lò cốc khác nữa. Hiện chỉ mới hoạt động 1 lò cốc.

Mỗi ngày sản xuất khoảng 2000 tấn cốc. Mỗi tấn cốc sẽ phát 0,6 tấn nước thải. Như vậy, mỗi ngày formosa sẽ xả khoảng 1000-1200 m3 nước thải ô nhiễm, trong đó phenol nguy hiểm và cao nhất.

Nếu ta không xử lý thì mỗi 1m3 sẽ có khoảng 1 cân, 1 ngày sẽ có 1 tấn phenol xả ra. Nhưng những ngày gần đây hệ thống xử lý nước thải sinh hoá đã gần đạt chuẩn. Nếu đúng thế thì hiện nay mỗi ngày chỉ còn xả ra hơn 1kg phenol".

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 5.

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên trả lời các đại biểu trong Hội nghị về môi trường biển hiện tại.

Ông Nguyễn Trọng Nhiệu - Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đặt ra vấn đề trên thế giới có nhiều nước từng xử lý sự cố môi trường biển rất tốt như nước Nhật Bản. Vậy tại sao không mời các chuyên gia Nhật Bản về giúp xử lý ô nhiễm?

Với câu hỏi này, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết: "Biển miền Trung có thể tự làm sạch, đào thải chất độc, ô nhiễm nhưphenol, xyanua.

Đặc biệt để quá trình tự đào thải, làm sạch nhanh của biển thì yếu tố rất quan trọng là các cơ quan chức năng, nhà khoa học giám sát chặt chẽ các nhà máy trong việc xả thải tới đây để giảm dần các độc tố trên.

Thời điểm này chưa nên can thiệp áp dụng công nghệ vào trầm tích biển vì rất tốn kém. Có khi xử lý không khéo thì độc tố phát tán ra diện rộng rất nguy hiểm".

Ông Nguyễn Như Viết - Nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh đặt vấn đề: "Người dân chúng tôi mong chờ một cơn bão lớn vào Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Giá như có cơn bão vào, mưa to gió lớn thì sẽ đẩy chất thải mất đi và đỡ hơn. Nhưng chờ vào thiên nhiên thì không biết đến bao giờ.

Vậy nên, thiết tha các nhà khoa học, kiến nghị với nhà nước khẩn trường vào cuộc chứ không thể chờ thiên nhiên được".

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 6.

GS.TS Mai Trọng Nhuận thừa nhận bão vào sẽ làm nhanh hơn quá trình đào thải, lọc chất độc Formosa trong biển.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên cho biết: "Việc đảo trộn sẽ thúc đẩy nhanh quá trình đào thải, lọc chất độc thải, nhưng đây chỉ là hoà tan.

Còn cơ chế trong nước biển có oxy nên sẽ phân huỷ, oxy hoá và có hệ sinh vật nên sẽ phân huỷ bằng sinh học nữa nên quá trình tự phân huỷ sẽ nhanh, nếu nồng độ thấp thì quá trình sinh học tham gia vào phân huỷ phenol nhanh hơn".  

Trả lời PV sau Hội nghị, GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng thừa nhận, nếu có bão, quá trình khuấy đảo, đảo trộn giữa nước biển trong và ngoài bờ, dòng hải lưu chảy thì việc đào thải, lọc chất độc trong môi trường nước biển sẽ nhanh hơn và tốt.

Mong bão lớn về để cuốn chất độc Formosa đi - Ảnh 7.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các thực hiện cam kết của Formosa và các vấn đề xử lý, thải chất thải ra môi trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại