Mối lo sợ ngầm khiến dân Trung Quốc phản đối tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông

Ngọc Anh |

Nỗi lo sợ của người dân Trung Quốc về khả năng chấp nhận người tị nạn Trung Đông phản ánh hiện tượng "bài Hồi giáo" ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Tư tưởng "bài Hồi giáo" gia tăng ở Trung Quốc

Ngày 20/6 hàng năm được Liên Hợp Quốc gọi là "Ngày Tị nạn Thế giới", và truyền thông Trung Quốc trong dịp này đua nhau đưa tin về việc nữ diễn viên nổi tiếng Diêu Thần đi thăm những người tị nạn đang ngụ cư ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài.

Trên trang Diplomat, tác giả Wang Jin – nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Haifa, Israel, cho rằng, chiểu theo cách mà báo chí chính thống Trung Quốc vận hành, những tin tức này được công chúng Trung Quốc xem là một động thái nhằm tạo ra bầu không khí thuận lợi, mở đường cho việc Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị đón nhận những người tị nạn Trung Đông đến nước này.

Thế nhưng, những tin tức về việc cô Diêu Thần – Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc về người tị nạn – đi thăm những người tị nạn lại làm nảy sinh vô số tranh cãi và các kiến nghị chống lại đề xuất Trung Quốc chấp nhận người tị nạn Trung Đông.

Những tranh cãi và kiến nghị đó không chỉ xuất hiện trên các trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như Weibo hay WeChat, mà còn cả trên những trang blog lớn.

Các cuộc điều tra xã hội cũng cho thấy phần lớn người dân Trung Quốc (thậm chí có số liệu điều tra công bố là 99% người dân) phản đối mạnh mẽ việc cho phép những người tị nạn Trung Đông vào Trung Quốc, đặc biệt là những người tị nạn theo đạo Hồi.

Nỗi lo sợ của công chúng Trung Quốc trong việc chấp nhận người tị nạn, đặc biệt là người tị nạn Hồi giáo, trước hết đã phản ánh hiện tượng "Bài Hồi giáo" ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Mặc dù cộng đồng người Trung Quốc theo đạo Hồi (như người Hồi hay người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương) chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số dân của nước này, nhưng con số tuyệt đối cũng đã vượt qua 20 triệu.

Các nhà hàng, khách sạn và sản phẩm dành cho người Hồi giáo đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây tại Trung Quốc, các thánh đường Hồi giáo thì mọc lên ngày càng nhiều.

Mối lo sợ ngầm khiến dân Trung Quốc phản đối tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông - Ảnh 1.

Những người Hồi - một dân tộc thiểu số của Trung Quốc - trước những Thánh đường ngày càng mọc lên nhiều ở Trung Quốc. Ảnh: Asia Times

Thêm vào đó là thực tế rằng chính sách "một con" thực hiện trong ba thập kỷ qua ở Trung Quốc chỉ áp dụng với người Hán – dân tộc chiếm hơn 90% dân số nước này. Trong khi đó, người Hồi và người dân thuộc những dân tộc thiểu số khác (theo Hồi giáo hay như không theo Hồi giáo) khác đều được quyền có 2 con hoặc nhiều hơn.

Vì vậy, có một mối lo sợ ngầm trong xã hội Trung Quốc rằng quốc gia này đang bị "Hồi giáo hóa".

Chính sách "Một con" và cảm giác bị "phản bội"

Trong bối cảnh đó, theo tác giả Wang Jin, nếu chính phủ Trung Quốc bắt đầu chấp nhận người tị nạn Trung Đông, đặc biệt là những người Hồi giáo, rất nhiều người Trung Quốc sẽ cảm thấy rằng họ bị "phản bội".

Giáo sư Xi Wuyi từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) lý giải cho cảm giác "bị phản bội" này, ông nói: "Đa số người dân Trung Quốc sẽ thấy họ bắt buộc phải từ bỏ những đứa con của mình để nhường chỗ cho người nước ngoài".

Ngoài ra, những mối đe dọa khủng bố, tội phạm ngày càng tăng ở châu Âu, mà thủ phạm là những người tị nạn từ Syria hay Afghanistan, cũng làm công chúng Trung Quốc lo ngại.

Không chỉ vậy, những câu chuyện tiêu cực từ chính những người tị nạn Trung Đông từng ở Trung Quốc cũng làm cho công chúng Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm và lợi dụng.

Theo Wang Jin, một trong số những chuyện như vậy là về một người tị nạn gốc Ả Rập đã ở Bắc Kinh trong suốt 7 năm trước khi chuyển sang Canada. Người này không làm việc và chưa bao giờ học nói tiếng Trung Quốc, anh ta sống hoàn toàn dựa vào tiền lương của bạn gái.

Khi diễn viên Diêu Thần đến thăm người tị nạn kể trên và nói rằng bạn gái của anh ta đã "làm việc vất vả", anh ta trả lời: "Bạn gái tôi nên cảm ơn tôi vì tôi đã dạy tiếng Anh cho cô ấy". Kết quả là rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi câu trả lời "không biết xấu hổ" của người đàn ông này.

Truyền thông Trung Quốc cũng đã từng đăng tải những câu chuyện về người tị nạn Hồi giáo từ Pakistan.

Theo đó, những người tị nạn ra lệnh cho con cái "không bao giờ nói tiếng Trung" vì họ không muốn con cái quên tiếng Anh và trở thành người Trung Quốc. Những thông tin này lập tức khiến người Trung Quốc tức giận và góp phần củng cố định kiến rằng những người tị nạn Hồi giáo ngạo mạn, thiếu tôn trọng đối với chủ nhà Trung Quốc.

Mối lo sợ ngầm khiến dân Trung Quốc phản đối tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông - Ảnh 2.

Những cậu bé Pakistan tị nạn ở Trung Quốc được đi học. Ảnh: UNHCR

"Trung Quốc đã làm đủ nghĩa vụ quốc tế"

Ngoài tư tưởng "bài Hồi giáo", việc miễn cưỡng chấp nhận người tị nạn ở Trung Quốc cũng có lý do chính trị. Tin đồn về việc chính phủ cho phép người Trung Động tị nạn ở Trung Quốc đang gây ra nhiều tranh cãi về việc liệu Bắc Kinh có đang "vơ vào" quá nhiều trách nhiệm quốc tế hay không.

Thậm chí chính nhóm người Hồi giáo Trung Quốc, ví dụ như người Hồi, cũng nêu ra luận điểm trên để chống lại việc chấp nhận những người tị nạn.

Trung Quốc hiện tự nhận mình là "nước đang phát triển lớn nhất" thế giới. Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến "Vành đai và Con đường", tăng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, theo Wang Jin, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi liệu họ có nên đi giúp đỡ các nước khác khi mà ngay tại Trung Quốc vẫn đang còn hơn 500 triệu người "khó khăn thiệt thòi".

Sự sụt giảm nhanh chóng của dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, sự gia tăng rủi ro trong các dự án đầu tư của mà các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện tại Pakistan hay Afghanistan, đã khiến công chúng nước này cực lực phản đối bất kỳ "nghĩa vụ quốc tế" nào bắt họ phải chấp nhận người tị nạn từ Trung Đông.

Nhiều người Trung Quốc tin rằng chính phủ của họ đã làm đủ nghĩa vụ quốc tế - thậm chí là quá nhiều rồi.

Nhiều người Trung Quốc cho rằng Mỹ, các nước châu Âu, hay ít nhất là các nước Ả Rập nên giúp đỡ những người tị nạn Trung Đông, dựa trên logic của việc cần "trừng phạt" đầu tiên những người gây ra rắc rối.

Người Trung Quốc tin rằng làn sóng người tị nạn Trung Đông là kết quả từ những cuộc nội chiến được "giật dây" hoặc "can thiệp" bởi phương Tây và những nước Trung Đông khác. Vì vậy, trách nhiệm của họ là giải quyết vấn đề này.

Mối lo sợ ngầm khiến dân Trung Quốc phản đối tiếp nhận người tị nạn từ Trung Đông - Ảnh 3.

Người dân Trung Quốc tin rằng vấn đề người tị nạn Trung Đông nên được giải quyết bởi những người đã gây ra nó như các nước phương Tây và các quốc gia Ả Rập khác. Ảnh: UNHCR

Người Trung Quốc cho rằng chính phủ của họ đã làm tròn trách nhiệm quốc tế là tham vấn cho các bên liên quan ở Syria hay Afghanistan tiến hành đối thoại và đàm phán hòa bình. Dư luận Trung Quốc cảm thấy không thể chấp nhận được nếu đất nước của họ phải giúp giải quyết một vấn đề gây ra bởi các nước khác.

Tác giả Wang Jin nhận định rằng, thái độ tiêu cực của công chúng Trung Quốc đối với những người tị nạn Ả Rập Hồi giáo không chỉ bắt nguồn từ tư tưởng "bài Hồi giáo" hay những sự kiện tiêu cực từng diễn ra liên quan tới cộng đồng Hồi giáo ở Trung Quốc, mà có thể nó cũng phản ánh đánh giá của người dân Trung Quốc đối với quá trình ra quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại