Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, "vượt cạn" đau đớn gấp 3 lần

Vân Anh |

Đề Mi ví chuyến đi sinh của mình giống như 1 lần sinh thường và 2 lần sinh mổ liền kề nhau.

Người ta thường bảo nếu đã từng trải qua cơn đau đẻ thì những cơn đau khác trong đời đều không nhằm nhò gì. Và cô nàng có biệt danh Đề Mi (tên thật là Đặng Hà, sinh năm 1996, TP.HCM) dưới đây cũng vừa trải nghiệm cảm giác đau đớn nhất đời ấy.

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 1.

Đề Mi

Hành trình đi sinh có quá nhiều sợ hãi, áp lực và tủi thân

Đề Mi có hàng ngàn lượt theo dõi trên MXH nhờ nổi tiếng với loạt clip chia sẻ về cuộc sống mẹ bỉm. Chỉ cách đây 1 tháng, cô đã chào đón bé trai đầu lòng, đặt tên là Su Su. Mới đây, một clip trên trang cá nhân của cô nhận được nhiều quan tâm sau khi chính chủ chia sẻ về quá trình "vượt cạn" đặc biệt.

"Gấp ba lần đau đớn" là 5 từ ngắn gọn mà Đề Mi miêu tả về hành trình đi sinh của mình.

Ban đầu vợ chồng cô chọn sinh thường vì muốn con chào đời tự nhiên, cũng như có điều kiện tốt nhất về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Dù đã cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng cả mặt tài chính lẫn tinh thần, song quá trình đi sinh không thuận lợi như cặp đôi đã tính toán.

Đề Mi nhớ lại, cô nhập viện vào lúc 8h30 sáng khi đã có dấu hiệu đau chuyển dạ. Tuy nhiên, mãi đến 12h đêm, cổ tử cung của cô mới nở được 4 phân. Việc chịu đau cả một ngày trời khiến cô mệt mỏi và dần mất kiên nhẫn. Phải đến hơn 2h sáng, cô mới được bác sĩ cho tiêm thuốc tê để giảm bớt đau đớn.

"Mình chỉ đợi cổ tử cung mở được 5 phân để đủ điều kiện tiêm thuốc tê. Thế nhưng, khi đã tiêm thuốc rồi thì có vẻ không có tác dụng lắm với cơ thể. Tiêm xong mình buồn tập 1. Bởi mình vẫn đau không thở nổi", Đề Mi nói.

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 2.

Sau khi vào phòng sinh thường, do khó sinh nên cô nàng được bác sĩ chuyển ngay sang phòng cấp cứu.Sau khi vào phòng sinh thường, do khó sinh nên cô nàng được bác sĩ chuyển ngay sang phòng cấp cứu.Sau khi vào phòng sinh thường, do khó sinh nên cô nàng được bác sĩ chuyển ngay sang phòng cấp cứu.Sau khi vào phòng sinh thường, do khó sinh nên cô nàng được bác sĩ chuyển ngay sang phòng cấp cứu.

"Trong phòng sinh thường, dù cổ tử cung đã mở đủ 10 phân và mình cố gắng rất nhiều nhưng bé vẫn chưa chịu ra. Khúc này, bác sĩ nói con bị ngửa đầu sâu quá. Sau 1 tiếng không thấy kết quả, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu. Đến đây thì chồng mình không được đồng hành cùng mình nữa mà phải ở ngoài sảnh đợi. Mình lên phòng mổ cấp cứu và tiêm tê lần hai, sau đó bị co giật trong 2 tiếng vì ảnh hưởng phụ của thuốc", Đề Mi tâm sự.

Dù phải trải qua quá trình sinh mổ đầy khó khăn, song Đề Mi cho hay thời điểm nằm trong phòng hồi sức 4 tiếng mới là quãng thời gian gây "ám ảnh" nhất cho cô. Bởi khi đó, cô chỉ nằm ở phòng một mình, không ngủ được, đau, đói, khát.

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 3.

3 ngày sau Đề Mi được bác sĩ cho xuất viện. Gia đình cô cứ ngỡ mọi việc đã xong xuôi, thế nhưng không ngờ là vết mổ của Đề Mi bắt đầu sưng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, vết mổ của cô bị nhiễm trùng do dị ứng với chỉ tự tiêu. Thế là, Đề Mi lại trải qua lần thứ ba đau đớn. Bác sĩ rạch vết mổ cho cô để vệ sinh hàng ngày, sau đó mới may lại lần nữa.

"Sau khi kết thúc chuỗi ngày nằm viện, mình cảm giác bản thân đã trải qua 1 lần sinh thường và 2 lần sinh mổ vậy đó. Ban đầu nhà mình tính chỉ nằm viện 3-4 ngày thôi, nhưng hoá ra mình nằm đến 9 ngày lận", Đề Mi nói lại mà da thịt vẫn nhớ cơn đau.

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 4.

Cô tập đi lại sau khi sinh con

Nhiều người thường nói, một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của người phụ nữ là lần đầu tiên nhìn thấy con chào đời. Thế nhưng, do quá trình sinh nở quá vất vả, Đề Mi đã không được tận hưởng niềm vui này.

"Lần đầu tiên y tá cho xem mặt con, mình rất hụt hẫng vì mọi thứ không được trọn vẹn như mình chờ đợi. Do mình vừa trải qua cả quá trình sinh thường, sau đó lại mổ cấp cứu nên lúc con được đưa ra ngoài, bản thân đã quá mất sức. Mình gần như lả đi và vẫn đang co giật (có lẽ do ảnh hưởng của lần tiêm thuốc tê thứ hai). Lúc đó, mình chỉ mơ màng nghe thấy tiếng con khóc. Rồi y tá có đưa bé cho mình nhìn lướt qua rồi lại mang đi mất. Mình không được ôm con kề da nên rất là buồn.

Nửa ngày sau, mình mới được gặp lại con. Cảm giác ấy lạ lắm, kiểu tình mẹ ùa về á. Mình quên hết những cảm giác đau đớn và tiêu cực mới trải qua. Mình rất hạnh phúc, rất vui vì thấy con tròn trịa trắng đẹp. Giống như chồng, mình tưởng đứa trẻ mới sinh cũng có da đỏ và nhăn cơ. Lúc này mình vẫn phải nằm im chứ chưa ngồi dậy được. Tới tận ngày thứ 3 mình mới ôm được con vào lòng", mẹ trẻ xúc động nói.

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 5.

Lần đầu tiên gặp con của Đề Mi không như mong đợi

Tiêu hơn 100 triệu cho hành trình đón con, chi tiền thuê nhà rộng hơn

Đề Mi tâm sự: "Sau khi sinh con, cái khác đầu tiên là mình thấy cơ thể xấu hẳn đi nè, rạn quá trời và thêm vết mổ đẻ. Nhưng mà thay đổi lớn nhất là mọi lo lắng của mình giờ luôn đặt con lên trước tiên, chứ không còn suy nghĩ nhiều cho bản thân như trước nữa.

Tâm tư nhạy cảm hơn, dễ xúc động với mọi nội dung liên quan đến con cái, trẻ em và gia đình. Rất là dễ khóc luôn. Hồi trước, mình hiếm khi khóc lắm, chứ giờ coi cái gì cảm động xíu là nước mắt chảy không kìm được".

Tổng chi phí cho lần mang bầu và sinh con đầu tiên của cô lên đến hơn trăm triệu đồng. Bao gồm 54 triệu tiền phí cho những ngày ở viện; 20 triệu tiền sắm sửa đồ đạc chuẩn bị sinh con; 30 triệu tiền khám, bổ sung thực phẩm, thuốc men.... chăm sóc sức khoẻ, mỹ phẩm cho mẹ bầu; 11 triệu đồ bầu...

Đó là chưa kể những thay đổi trong thói quen ăn uống hàng ngày, tiền thuê giúp việc và nhiều phí lặt vặt khác mà vợ chồng cô phải trả trong suốt hơn 10 tháng để đợi bé chào đời. Ngoài ra, từ khi có Su Su, vợ chồng Đề Mi đã quyết định chi tiền thuê nhà rộng hơn để có cuộc sống thoải mái.

Dẫu có đầy thử thách về mặt cảm xúc, sức khoẻ, chuyện kinh tế, song chỉ cần nhìn ngắm Su Su, mọi khó khăn của cô dường như đều vơi bớt. Cho đến hiện tại, may mắn là Đề Mi nhận được nhiều giúp đỡ từ gia đình hai bên, chồng và cô giúp việc trong quá trình nuôi dưỡng bé.

Nói về sự thay đổi của chồng sau khi có con nhỏ, Đề Mi hài hước cho hay : "Chồng mình biết lo cho sức khoẻ của bản thân hơn, tập thể dục nhiều hơn vì sợ bị ốm thì vợ con không có ai lo".

Mẹ trẻ tiêu hơn 100 triệu mang thai con đầu lòng, vượt cạn đau đớn gấp 3 lần - Ảnh 6.

Vợ chồng Đề Mi

Trong khi đó, bố mẹ hai bên gia đình cũng quan tâm đến hai vợ chồng và cháu nhỏ và suy nghĩ của các ông bà cũng rất hiện đại.

"May mắn là các bố mẹ đều rất dễ chịu, suy nghĩ thoáng, tôn trọng suy nghĩ và quan điểm của hai vợ chồng mình. Nên là mỗi khi gặp 1 quan điểm nào thấy không phù hợp từ các mẹ, mình đều có thể trao đổi thẳng thắn và giải thích rõ ràng ngay lúc đó. Thành ra cũng không có gì bất đồng tới mức áp lực hay là phải tìm cách giải quyết cả.

Ngoài ra, mình cũng hay tham khảo kinh nghiệm từ một số bạn bè chị em thân thiết và mấy chị dâu trong nhà. Đấy đều là những bà mẹ hiện đại cả nên là cũng nhận được rất nhiều chia sẻ thú vị", Đề Mi nói.

Cho đến hiện tại, Đề Mi vẫn ở cữ. Tuy nhiên, cô vẫn thường xuyên kiểm tra thông tin và phản hồi tin nhắn của nhân viên cho đỡ buồn. Cô dự tính nếu sức khỏe hồi phục nhanh, cô có thể quay lại công việc trong khoảng 3 tháng tới.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại