Mẹ của ca sĩ Nguyễn Hải Yến tên là Ngô Thị An. Bà sinh năm 1957 là người gốc Hà Nội. Không chỉ giỏi kinh doanh buôn bán, theo lời Nguyễn Hải Yến, mẹ của cô còn là người phụ nữ sâu sắc, tân tiến, luôn suy nghĩ tích cực và truyền năng lượng tích cực cho những người xung quanh.
Để khách quan, ca sĩ Nguyễn Hải Yến đã tạo điều kiện cho phóng viên trò chuyện trực tiếp với mẹ của cô để cảm nhận và hiểu rõ hơn về bà.
Sống sao để người ta nhìn vào thấy mình đàng hoàng là được
Mẹ của ca sĩ Nguyễn Hải Yến từng làm rất nhiều công việc để gánh gồng kinh tế trong gia đình từ bán hàng rau ở chợ tới mở quán cơm hay đi buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Mỗi chuyến như thế, có khi bà đi cả tháng trời.
Trong nhóm đi chợ chung với bà An có vài người bụng mang dạ chửa, không làm được việc nặng, thế là bà làm hết. Từ lấy hàng đến bê vác hàng hộ bạn. Bởi sự chân tình đó mà bạn hàng rất quý. Họ tin tưởng tới mức nhờ bà giữ luôn cả tiền tiết kiệm mà chẳng cần sổ sách ghi lại.
Hồi bà An mở quán cơm tại nhà, ai cũng nghĩ chỗ khỉ ho cò gáy ấy thì ai mà ăn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào, sau đó, trường học, bệnh viện mọc lên ầm ầm. Quán cơm bỗng nhiên đắt khách.
Nguyễn Hải Yến và mẹ
Bà phải thuê tới 6 người giúp việc. Tuy là người giúp việc nhưng bà An đối xử với họ như con, nuôi ăn nuôi ở trong nhà, sinh hoạt cùng chủ. Chẳng những vậy, mỗi khi người giúp việc ốm đau, bệnh tật, bà lại thuốc thang, chăm sóc như mẹ chăm con.
Thậm chí, có lần, nhân viên của bà bị bỏng. Thay vì đưa tiền rồi để họ về nhà nghỉ ngơi, bà An đưa đi viện, tự tay chăm sóc từ A đến Z. Từ cơm nước, giặt giũ quần áo, thay băng, vệ sinh cá nhân... không chừa việc gì, cho tới khi người ta khỏi hẳn.
Gia đình của người giúp việc ở quê gặp khó khăn, gọi điện lên nói cần tiền. Bà chẳng nghĩ ngợi, ứng ngay 3 tháng lương. Nghỉ Tết, thay vì cho tiền, bà mua cho mỗi người 1 chỉ vàng làm quà.
Bởi thế nên cả 6 người giúp việc năm nào đều thương và gọi bà An là mẹ. Dù mấy chục năm sau, giờ bà An không còn bán cơm nữa, họ cũng không còn đi làm thuê làm mướn nữa nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Mỗi lần bà An ốm đau là họ thăm hỏi như người trong nhà.
Có lần, một người già ở đâu tới ngủ trước cửa nhà. Bà cụ không nhớ mình tên gì, ở đâu. Mẹ của Nguyễn Hải Yến cho vào nhà chăm nuôi.
Qua hôm sau, ai cũng khuyên không nên vì sợ phiền phức, bà đành đưa bà cụ tới công an phường, xin cho bà cụ ngủ ở đó, còn cơm nước thì nhận nuôi tới nơi tới chốn. Ít lâu sau, người nhà bà cụ nghe tin tới đón về.
Mẹ ca sĩ Nguyễn Hải Yến chia sẻ: "Quan điểm của tôi là giúp được ai cái gì thì giúp. Đã là con người thì phải biết thương yêu nhau. Tôi cũng luôn bảo Yến, con đi làm chung với người ta, chịu thiệt chút cũng được, ông trời sẽ bù cho con cái khác.
Ngày xưa tôi khổ lắm những trời chưa bao giờ để tôi hết tiền, cứ hết lại có. Hơn chục năm bán cơm rồi mấy năm buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, vất vả vô cùng nhưng lúc nào tôi cũng tự nhủ nhà đông anh em, không được ăn học nhiều thì phải phấn đấu.
Sống sao để người khác nhìn vào thấy mình sống chân thật, đàng hoàng là được. Tôi không giàu nhưng cũng không nghèo. Tới tuổi này còn khỏe mạnh được là phúc của tổ tiên để lại".
Mẹ của Nguyễn Hải Yến và người con riêng của chồng sau. Bà An còn thương cô con riêng của chồng như con đẻ. Hai mẹ con rất thương yêu nhau.
Thương con chồng nhiều hơn cả con đẻ
Bố mẹ Nguyễn Hải Yến chia tay nhau khi cô đang học lớp 6. Bà mải miết đi làm ăn buôn bán bên Trung Quốc, tích cóp xây nhà cho 3 anh em ở riêng.
Ít lâu sau, bố của Nguyễn Hải Yến kết hôn với một người phụ nữ khác đã từng lập gia đình và cũng có con riêng. Còn mẹ của cô nên duyên với 1 người đàn ông khác cũng đang "gà trống nuôi con".
Khi phóng viên hỏi về cuộc chia ly với bố Nguyễn Hải Yến cũng như cuộc sống có vẻ "phức tạp" của gia đình với 3, 4 bề con như thế, bà Ngô Thị An không ngần ngại chia sẻ:
"Ngày xưa tôi chấp nhận hết vất vả cho chồng con sung sướng.
Cuộc đời tôi tới giờ mới biết đi du lịch chứ từ xưa giờ chưa từng đi đến đâu, tối ngày chỉ biết làm việc để kiếm tiền nuôi con, rồi đối nội đối ngoại sao cho phải phép.
Nhà chồng đông anh em, nhà vợ cũng đông anh em. Tôi nuôi bao nhiêu gà vịt, anh em cứ lên bắt về thịt tự do, tới mức không biết còn bao nhiêu con, có bao nhiêu con.
Kể cả khi tôi đã đi lấy người khác nhưng bố chồng trước của tôi vẫn thương lắm. Lúc nào ông nhắc tới tôi cũng thương cô con dâu ngày xưa nó vất vả quá, khổ quá.
Khi ông chết, ông di chúc lại cho tôi miếng đất nhưng tôi không lấy mà để lại cho con trai của anh chồng. Từ ngày lấy nhau, sinh con đẻ cái tới lúc chia tay, tôi chưa bao giờ nghĩ tới tiền của.
Con người mà lúc nào cũng nghĩ tới tiền thì không tốt, phải nghĩ tới tình cảm. Mình có chân có tay, có đầy đủ thì phải biết chia sẻ với người thiếu khuyết. Tôi luôn nhắc các con thế.
Bà An và người chồng sau.
3 bề con cháu của bố mẹ Nguyễn Hải Yến, người vợ sau, người chồng sau quây quần vui vẻ trong ngày Tết.
Tôi lấy người chồng thứ hai cũng là cái số cái mệnh. Con cái người ta tôi cũng coi như con mình, có khi còn thương hơn. Mình không đẻ ra nó nhưng mình phải thương hơn vì nó không có mẹ. Nó mất mát tình cảm thì mình càng phải bù đắp nhiều hơn.
Bởi tôi sống thế nên với các con của tôi và người chồng trước, ông ấy cũng cư xử rất tốt. Ông sau mua thuốc cho ông trước, cho tiền liên tục. Khỏe thì ngồi nhậu với nhau.
Các anh chị em của Yến 4 bề đều thương nhau. Chúng nó cư xử được với nhau như thế thì dĩ nhiên, có những câu nói mình phải giấu vào lòng cả đời. Cái hay thì nói ra, cái dở thì giấu đi và biết bỏ qua cho nhau chứ không ôm hết vào bụng. Bởi ôm vào lòng lâu dần sẽ thành lửa to bùng cháy lúc nào không biết.
Rồi đừng có đụng tí lại than thở với chồng, với con cũng không hay. Mình chịu thiệt một chút không sao, miễn gia đình êm ấm là được.
Tôi với bố của Yến không còn ở chung mấy chục năm nay nhưng chị gái của ông ấy vẫn hay nói với Yến là "trong các nàng dâu, mẹ mày khéo léo, giỏi giang nhất nhà". Các em của bố Yến cũng quý tôi lắm. Còn em chồng hiện tại, cái gì cũng gọi hỏi chị dâu chứ chẳng gọi cho anh trai mình bao giờ, có gì ngon cũng lại đem lên biếu chị dâu.
Mình tiếc người ta cái này, sẽ có người khác tiếc mình cái khác. Vạn vật luôn có sự công bằng, tôi luôn tâm niệm điều đó mà sống".