Tối qua (22/9), tập 4 chương trình Ký ức vui vẻ mùa hai đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và xúc động.
Tham gia chương trình tuần này có sự xuất hiện của nghệ sĩ Châu Thanh, ca sĩ Ngọc Sơn, diễn viên Puka, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cùng NSƯT Chiều Xuân.
Mở màn chương trình, tất cả mọi người đều dành thời gian để tưởng nhớ cố NSƯT Út Bạch Lan, người được xem như một trong những Tổ nghề của cải lương và sân khấu tại miền Nam.
NSƯT Út Bạch Lan
Một số hình ảnh và các đoạn phim ngày xưa của NSƯT Út Bạch Lan đã được phát lên sân khấu, khiến ai cũng xúc động. Ca sĩ Thanh Duy thậm chí còn bật khóc đến rớt nước mắt.
Nghệ sĩ Châu Thanh cho rằng, nhờ có Út Bạch Lan, anh mới có được ngày hôm nay. Anh nói:
"Trong giới cải lương chúng tôi, hễ nhắc đến một người lớn tuổi, hát thật hay, được báo chí tôn vinh "Sầu nữ" là biết ngay nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan.
Nghe má Út Bạch Lan hát là thấy được cả một đời vinh quang trong giới sân khấu, không thể tưởng tượng được. Hồi đó, tên của má Út Bạch Lan đi tới đâu, khán giả ùa tới đó. Nhưng rồi tất cả cũng trở về cát bụi.
Má Út Bạch Lan đúng là cây đa cây đề trong nghề, má yêu thương tầng lớp nghệ sĩ trẻ lắm. Mỗi lần hát chung hay quay phim chung, má đều hướng dẫn tôi là phải làm thế này, thế kia. Nhờ má dẫn dắt nên tôi mới có được ngày hôm nay".
MC Thanh Bạch chia sẻ nhiều hơn về thời kì đỉnh cao của NSƯT Út Bạch Lan:
"Ở cái thời chưa phát triển tivi, truyền hình, chỉ có băng đĩa nhựa, cả gia đình tôi luôn ngóng đợi nghệ sĩ Út Bạch Lan ra đĩa. Chúng tôi ngóng báo chí đăng tin từng ngày một, xem ngày nào Út Bạch Lan ra đĩa để mua.
Nhà tôi ngày ấy ở Long Hồ, mà đĩa của cô Út Bạch Lan phát hành tận Vĩnh Long. Mỗi lần ba tôi đi làm, tôi luôn dặn ba phải mua bằng được đĩa, không mua được là giận luôn.
Hồi xưa, hát cải lương để mùi được rất khó, khó hơn bây giờ nhiều vì lúc hát, micro treo tít trên cao và chỉ ở nguyên một vị trí, trong khi ca sĩ vẫn phải di chuyển khắp thân khấu.
Bởi vậy, để hát làm sao cho âm thanh vang ra, hút được vào micro trên cao đòi hỏi nội lực vô cùng kinh khủng, và cô Út Bạch Lan làm được điều này.
Ca sĩ Thanh Duy bật khóc
Ngày đó, cô Út Bạch Lan chỉ cần xuống một câu vọng cổ thôi là khán giả kẹp tiền vào trong nan quạt ném từ dưới lên, ném rất nhiều. Việc ném quạt này thể hiện thành công của nghệ sĩ, không chỉ từ tiền của ban tổ chức, mà còn ở ủng hộ của khán giả.
Những ngày cuối đời, cô Út Bạch Lan vẫn đi hát miệt mài, ở đâu mời cô cũng đi. Cô không quan trọng chuyện được trả tiền hay không, cứ hễ được mời hát làk khỏe, là mạnh, là vui, giống như cái nghiệp vướng vào người, tạo nên sức man hj của người nghệ sĩ.
Trong giới nghệ sĩ, sân khấu miền Nam chúng tôi đến nay đều coi cô Út Bạch Lan như Tổ nghề của mình".
Nhân lúc Thanh Bạch nói về Tổ nghề, NSND Hồng Vân lí giải thêm về việc giới nghệ sĩ miền Nam hay cúng Tổ nghề. Cô nói:
"Ở miền Nam, tất cả mọi người trong giới nghệ thuật, đặc biệt là giới cải lương trước khi ra sân khấu đều phải khấn Tổ nghiệp. Chúng tôi có niềm tin mãnh liệt vào Tổ nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân vì sao nghệ sĩ miền Nam chúng tôi hay cúng Tổ nghiệp.
Sau này, những bậc tiền bối như cô Thanh Nga, cô Phùng Há, Bảy Nam… đều được dân cải lương và kịch nói, nghệ sĩ sân khấu chúng tôi coi như Tổ nghề. Chúng tôi kính trọng họ lắm. Má Út Bạch Lan cũng được chúng tôi coi là Tổ nghề".
Ca sĩ Ngọc Sơn thì tâm sự: "Tôi có một kỉ niệm với cô Út Bạch Lan. Năm 1988, khi cô Bạch Lan dắt đoàn đi diễn tạp kĩ ở Long Xuyên, tôi được đi chung với cô.
Cô Út Bạch Lan là người yêu nghề, nhưng cực kì nghiêm khắc, nghiêm túc trong nghệ thuật. Ai lên sân khấu cũng được cô lo lắng. Cô dặn tôi phải hát cải lương như này như kia, theo chuẩn cải lương.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn yêu quý và kính trọng cô Út Bạch Lan".