Giả sử đêm qua, U19 Nhật Bản tung vào sân đội hình mạnh nhất, và rồi sau đó vì một lý do nào đó, thất bại trước U19 Việt Nam. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sau khi hạ đội mạnh nhất nhì giải, thắng nốt U19 Saudi Arabia để lên ngôi vô địch U19 châu Á.
Nếu thế thì sao nhỉ?
Nếu điều này xảy ra thì vui đấy, quá vui ấy chứ. Nhưng phải chăng U19 Việt Nam quá giỏi, nên có thể lên đỉnh châu Á, dù trước đó còn thi đấu chẳng đâu vào đâu ở sân chơi U19 ĐNÁ? Hay nhìn nhận theo 1 cách khác, các đối thủ quá kém, để U19 Việt Nam có thể 1 bước lên tiên, chạm tay vào chức vô địch?
Cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng vào thực tế là U19 Việt Nam còn nhiều hạn chế, và những gì thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đạt được đã là đỉnh cao với khả năng hiện tại, tất nhiên kết hợp cả yếu tố may mắn, dù không nhiều.
Nếu với sức mạnh ấy, U19 Việt Nam có thể thắng Nhật, thậm chí vô địch thì phải biết tìm nơi đâu "cao nhân" giúp thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn khắc phục những điểm yếu của mình, điều chắc chắn sẽ bị khai thác sâu tại WC U20 sắp tới, cũng như ảnh hưởng con đường lên chuyên của từng cầu thủ?
U19 Việt Nam 0-3 U19 Nhật Bản
Một cuộc chiến chênh lệch với đội hình dự bị của Nhật Bản sẽ là liều thuốc quan trọng cho U19 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tới World Cup U20.
Và quan trọng hơn, nó cho thấy thế giới bóng đá còn rất rộng lớn, để không chỉ lứa U19 Việt Nam mà tất cả cầu thủ tại dải đất chữ S còn phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều.
"Ở châu Á, Nhật Bản luôn là đối thủ mang lại cảm giác bất lực rõ nhất với các cầu thủ Việt Nam. Kể cả không tung vào sân đội hình mạnh nhất và chỉ chơi cầm chừng họ vẫn giống như "lạt mềm buộc chặt ", có thể tăng tốc để tạo ra cơ hội bất kỳ lúc nào.
Việt Nam vào đến Bán kết đã là tốt lắm rồi. Đừng quên Nhật Bản từng có mặt trong trận chung kết giải U20 Thế giới năm 1999 và chỉ chịu thua Tây Ban Nha của Xavi, Casillas, Marchena…
Trong khi tính đến trước năm 2014 Việt Nam toàn thua và chỉ ghi được đúng 1 bàn thắng ở tất tần tật những lần đối đầu giữa các đội tuyển của 2 nền bóng đá" – BLV Quang Huy.