Các mẫu xe điện của Tesla nổi tiếng với hệ thống máy tính có khả năng thực hiện nhiều tác vụ phức tạp. Khả năng của Tesla tốt tới nỗi nhiều người còn cho rằng những chiếc xe Tesla giống như máy tính gắn bánh xe. Vậy điều gì sẽ xảy ra với một chiếc Tesla khi đang chạy mà tắt hệ thống máy tính đi?
Một người dùng tại bang California, Mỹ đã chủ động buộc hệ thống máy tính trên chiếc Tesla Model X Plaid của mình phải khởi động lại khi đang di chuyển trên cao tốc.
Màn hình xe tối đen khi hệ thống máy tính khởi động lại.
Để buộc máy tính khởi động lại, người chủ xe đã giữ 2 con lăn điều khiển trên vô lăng. Sau tiếng bíp cảnh báo, toàn bộ màn hình trên xe đã tối đen lại, được cho rơi vào trạng thái khởi động lại. Tuy nhiên, trong lúc đó thì chiếc xe dường như vẫn di chuyển bình thường, không có vấn đề gì xảy ra. Sau chưa đầy 1 phút, màn hình đã cho thấy máy tính khởi động lại và tiếp tục một cách bình thường.
Chủ xe Tesla Model X Plaid chủ động cho máy tính khởi động lại khi đang trên cao tốc.
Trên thực tế, điều mà người chủ xe trên làm chỉ là khởi động lại máy tính điều khiển hệ thống giải trí, các tác vụ liên quan đến điều khiển xe do hệ thống máy tính Autopilot phụ trách. Vì vậy mà chiếc xe vẫn di chuyển bình thường khi màn hình hiển thị tối đen.
Một điều đáng nhắc tới là các xe của Tesla, và nhiều xe của các thương hiệu khác, được thiết kế và trang bị với hệ thống máy tính, thậm chí cả tính năng, dư thừa so với nhu cầu sử dụng của xe. Điều này có thể giải thích bằng việc nhiều xe ngày nay có thể cập nhật phần mềm qua mạng, hệ thống máy tính mạnh mẽ sẽ giúp xe tương thích với các phần mềm mới và kéo dài thời gian sử dụng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Tesla khuyến cáo khởi động lại hệ thống máy tính trên xe khi đang chạy có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm, bởi nhiều tính năng an toàn sẽ không hoạt động trong thời gian đó.
Người phụ nữ thử khởi động lại máy tính trên một chiếc Tesla Model X đời cũ hơn.
Bên cạnh các tình huống Autopilot xử lý sai dẫn đến tai nạn, các cơ quan quản lý dường như chưa ghi nhận tình huống tai nạn nào xảy ra do toàn bộ hệ thống máy tính trên Tesla nói riêng và xe hiện đại nói chung.
Các mẫu xe hiện đại ngày nay, nhất là xe điện, được coi đang ở tiền tuyến của cách mạng công nghệ. Những mẫu xe ngày nay được trang bị rất đầy đủ với hệ thống máy tính khỏe và đủ loại cảm biến - từ camera, cảm biến sóng điện tử - Radar, cảm biến dùng tia laser - LiDAR, hay cảm biến sóng âm thanh - Sonar.
Vị trí các cảm biến trên Mercedes phục vụ hệ thống tự lái cấp độ 3 Drive Pilot.
Những điều này khiến cho mã lực, độ thoải mái, tốc độ tối đa... không còn là những tiêu chí có thể lột tả một chiếc xe nữa. Ngày nay, người dùng khi chọn xe còn phải cân nhắc đến các tính năng và các khả năng hỗ trợ mà phần mềm của xe có thể thực hiện.
Thực tế là hệ thống máy tính trên xe can thiệp rất nhiều trong lúc lái xe. Bên cạnh những loại máy tính mạnh mẽ có thể xử lý hình ảnh ở camera và hỗ trợ lái xe, các loại 'máy tính' nhỏ xíu (đúng hơn thì là các con chip điều khiển) cũng tham gia hỗ trợ. Ví dụ khi người lái nhấn phanh, máy tính có thể quyết định lực phanh thế nào là đủ; đôi khi cần phanh mạnh hơn (trong các tình huống phanh khẩn cấp được kích hoạt), hoặc cần giảm lực phanh (để ngăn tình trạng khóa bánh khi phanh gấp).
Thậm chí, ngay cả ở vô lăng vốn kết nối trực tiếp với bánh xe vẫn có thể được máy tính điều khiển. Ví dụ như trong các tình huống khẩn cấp, máy tính có thể hỗ trợ đánh lái để ngăn không đâm vào chướng ngại vật phía trước.