Cách 40 phút lái xe về phía Đông của thủ đô Bắc Kinh, nhà máy của Beijing Aeonmed Co. đã làm việc suốt ngày đêm kể từ ngày 20/1.
Sau khi đáp ứng được nhu cầu trong nước từ 2 tuần trước, các dây chuyền của nhà máy này bắt đầu chuyển sang sản xuất cho các đơn hàng từ nước ngoài với mặt hàng máy thở. 3 ca công nhân luân phiên làm việc 24/7 cùng các nhân viên Nghiên cứu, phát triển sản phẩm sát sao bên cạnh liên tục cho xuất xưởng những chiếc máy thở Made in China.
"Tình trạng bây giờ theo đúng nghĩa đen là chẳng có nước nào trên thế giới không muốn mua máy thở từ Trung Quốc cả. Chúng tôi có 10.000 đơn hàng đang chờ. Vấn đề chỉ là nhà máy có thể làm nhanh trong bao lâu mà thôi", Li Kai - Giám đốc Beijing Aeonmed nói.
Khi tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 15.000 người, các bác sỹ từ Ý đến New York, Mỹ đều đặc biệt cần đến thiết bị y tế này để chữa trị cho bệnh nhân. Với những ca nặng, máy thở có thể giúp họ rất nhiều. Tuần trước, Thống đốc bang New York là Andrew Cuomu nói rằng cả bang chỉ có 5 - 6.000 máy thở và họ đang cần tới 30.000 chiếc.
"Cái chúng ta cần nhất bây giờ là máy thở, máy thở và máy thở. Bang đã cử người tới Trung Quốc mua máy thở rồi", ông Cuomo nói với phóng viên.
Trên toàn nước Mỹ, ước tính 960.000 bệnh nhân cần hỗ trợ của máy thở để trị Covid-19 nhưng cả nước chỉ có 200.000 chiếc. Tại Ý, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất còn chứng kiến tình trạng thiếu hụt máy thở trầm trọng hơn khiến các bác sỹ buộc phải chọn lựa ai được tiếp tục chữa trị, ai không.
Nhu cầu với các thiết bị y tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết vào lúc này biến Trung Quốc - quốc gia vừa trải qua những ngày đen tối nhất của dịch Covid-19 trở thành "phao cứu sinh" của cả thế giới. Nơi đây trở thành nguồn cung cấp khẩu trang cùng các thiết bị y tế khách cho những khu vực nóng vì Covid-19.
Với những công ty như Beijing Aeonmed, đơn hàng hiện đến từ hơn chục quốc gia khác nhau, rất nhiều trong số đó đã thuê nguyên một chiếc máy bay hay sử dụng máy bay quân sự đến để lấy hàng. Aeonmed không phải là công ty duy nhất ở Trung Quốc đang gia tăng sản xuất máy thở.
"Tất cả các nhà máy sản xuất máy thở ở Trung Quốc đều đang hoạt động hết công suất đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài", theo We Chuanpu - Giám đốc chuỗi cung ứng tại Vedeng.com - một trong những nền tảng chính ở Trung Quốc kết nối những nhà cung cấp thiết bị y tế với người mua.
Các nhà máy này đã nhận đơn hàng đủ cho việc sản xuất tới tháng 5. Dù vậy, Vedeng vẫn nhận hơn 60 - 70 đơn hàng mới mỗi ngày. Mỗi đơn đều lên tới hàng trăm, hàng nghìn chiếc máy thở. Rất nhiều trong số đó đến từ cơ quan chính phủ các nước.
Máy thở giúp bơm oxy vào phổi và loại bỏ carbon dioxide khỏi cơ thể. Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần máy này khi họ rơi vào tình trạng thiếu oxy - có thể gây tổn thương nội tạng và đe dọa đến tính mạng.
Nhu cầu máy thở lớn đến mức Tổng thống Trump còn gợi ý các nhà sản xuất ô tô của nước này chuyển sang... sản xuất máy thở. "Ford Motor, General Motor và Tesla hãy sản xuất máy thở đi", ông Trump đăng trên Twitter.
Tuy nhiên, không giống khẩu trang hay nhiệt kế - những thứ mà các công ty có thể nhanh chóng sản xuất, máy thở có đặc điểm khác và việc mở rộng sản xuất khó khăn hơn nhiều.
"Việc mở rộng sản xuất rất tốn thời gian và cần nhiều nguồn lực. Nó cũng cần có những công nhân được đào tạo kỹ lương và đặc điểm sản phẩm còn rất cồng kềnh nữa", ông Wu nói.
Nhu cầu tăng lúc này trái ngược hoàn toàn với thời gian bình thường. Thông thường, các bệnh viên có 12 máy thở chỉ để dùng cho những trường hợp nặng. Hiện tại, mỗi ca bệnh Covid-19 nặng đều cần máy thở.
Máy thở thành phẩm bên ngoài nhà máy.
Bộ Công nghệ thông tin và công nghiệp Trung Quốc đầu tháng này nói rằng các nhà sản xuất lớn của họ đã chuyển khoảng 14.000 máy thở không xâm nhập và 2.999 máy thở bình thường đến Hồ Bắc - khu vực tâm điểm dịch Covid-19. So với đó, nhu cầu của cả nước với máy thở trong năm 2018 là 14.700 chiếc.
Trong khi đó, khi các đơn hàng dồn dập đến, Beijing Aeonmed dự kiến sẽ tăng doanh thu gấp nhiều lần so với năm ngoái:
"Đại dịch không phải là vấn đề của chỉ 1 quốc gia. Cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh là thước đo với chất lượng và tốc độ sản xuất của những sản phẩm Made in China", Li nói.
Theo Bloomberg