Eric Gjerde, CEO của Airon Corporation, một nhà sản xuất máy thở cỡ nhỏ ở Gainesville, Florida, Mỹ đã bán được nhiều hàng hơn những gì ông muốn trong những tuần gần đây. Một công ty Ý đã yêu cầu ông cung cấp 2.000 máy. Còn nhà phân phối của công ty ở California, sau khi làm việc với các quan chức chính phủ, cũng đã yêu cầu thêm 500 thiết bị.
"Thông thường, công ty tốt lắm cũng chỉ bán được hơn 50 chiếc trong một tháng", ông Gjerde mnois. "Còn giờ họ chỉ muốn giữ càng nhiều máy càng tốt trong tay."
Ông đã từ chối đơn hàng của công ty Ý và nói rằng người dân California đang cần mình. Công ty ông sẽ làm hết sức mình và đơn hàng trong nước sẽ phải được xử lý trước.
Vào hôm 16/3, nhà phân phối ở California đã yêu cầu thêm 200 máy nữa, thậm chí đòi được giao hàng ngay trong ngày. Tuy nhiên, điều đó là không thể, bởi máy thở không phải là một thiết bị đơn giản và tầm thường. Ông chỉ biết đáp rằng mình sẽ làm những gì tốt nhất có thể.
Máy thở là thiết bị đặc biệt quan trọng để điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng.
Khi số lượng các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng lên, chính phủ và các bệnh viện trên khắp các tiểu bang đang kêu gọi được cung cấp nhiều máy thở hơn nữa. Tất cả phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung. Các loại máy móc là một thành phần quan trọng trong việc điều trị các trường hợp bệnh chuyển biến nghiêm trọng nhất, trong đó có tình trạng viêm khiến cơ thể hạn chế lượng oxy mà phổi của một người có thể tự đảm nhận việc hít vào. Các loại máy thở khác nhau về chi phí và kích thước, từ các thiết bị cầm tay được sử dụng tại nhà và trong xe cứu thương đến các máy lớn hơn dành cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Nhưng mục đích của chúng là như nhau: Chúng ép oxy vào phổi của bệnh nhân, thường là thông qua việc đặt nội khí quản.
Một số ước tính cho thấy nhu cầu về máy thở có thể nhanh chóng vượt qua các nguồn cung của nhiều bệnh viện tại Mỹ, hiện có khoảng 160.000 máy, cộng thêm 12.000 máy trong dự trữ liên bang, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins. Tuy số lượng khá lớn nhưng không phải tất cả các máy đó đều phù hợp với dịch vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Khá nhiều trong số chúng đã được sử dụng bởi những người mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
Craig Coopersmith, giám đốc phụ trách chăm sóc các trường hợp quan trọng tại Đại học Y Emory cho biết việc Mỹ có phải đối mặt với sự thiếu hụt vật tư y tế hay không, sẽ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp cách ly xã hội có thể "làm phẳng đường cong" hay không, tức là làm giảm số lượng người cần nhập viện cùng một lúc.
"Ngay bây giờ chúng tôi vẫn ổn, nhưng sẽ thiếu hụt vật tư nếu đại dịch trở nên đủ nghiêm trọng", ông nói. Tình trạng trước đó tại Trung Quốc và Ý hiện tại là minh chứng rõ ràng nhất.
Hôm qua 18/3, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đẩy mạnh sản xuất các vật tư quan trọng, bao gồm cả máy thở. Được thông qua vào năm 1950 khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên, đạo luật này cho phép chính phủ liên bang can thiệp mạnh để đảm bảo dòng hàng hóa ổn định, bao gồm cả vũ khí quân sự và cả thực phẩm và trang bị vật tư chăm sóc sức khỏe.
Trước đó hôm 17/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng tuyên bố rằng cơ quan của ông sẽ phân phối 2.000 máy thở từ kho dự trữ của họ cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Nhưng ông cũng lưu ý rằng những máy này khác với các máy thường được sử dụng trong môi trường dân sự và sẽ cần được đào tạo sử dụng đặc biệt từ nhân viên quốc phòng.
Máy thở rất khác nhau về chi phí và kích thước, nhưng mục đích của chúng là như nhau.
Các biện pháp cấp thiết đã được đưa ra, nhưng câu hỏi là liệu máy móc mới có thể được sản xuất đủ nhanh để đáp ứng các nhu cầu hay không.
"Vấn đề tôi gặp phải là mọi người đã thấy điều này xảy ra trong một thời gian dài và các chính phủ cũng như bệnh viện đều không có sự dự trữ", Gjerde nói. "Chúng như được đặt trong một cái hộp mà bạn không thể chạm vào".
Hiện tại, công ty của Gjerde đang phải nói "Không" với các đơn đặt hàng quốc tế, mặc dù ngày càng nhiều các nhà phân phối ở Đài Loan và Ý đang tới cầu xin.
Trên thực tế, việc thúc đẩy sản xuất sẽ gặp khó khăn từ chuỗi cung ứng. Airon Corporation dựa vào các nhà cung cấp trên khắp miền Trung Tây để chế tạo các van và ống, trong khi một nhà cung cấp khác ở Washington chế tạo vỏ của mỗi chiếc máy. Một vài bộ phận đến từ Trung Quốc. Gjerde đang xem xét liệu mình có thể có được các bảng mạch mà ông cần tại địa phương hay không.
"Sự phối hợp từ trên xuống có thể tăng khả năng giúp đỡ", Chris Brooks, COO của Ventec, một nhà sản xuất máy thở có trụ sở gần Seattle nói. Công ty ông thường bán được 100 máy mỗi tháng và hiện nhu cầu đã tăng lên hàng nghìn. "Hy vọng của chúng tôi là chúng ta không cần nhiều máy thở đến như vậy", ông nói.
Tại Anh, chính phủ cũng đang thúc đẩy các nhà sản xuất lớn chuyển từ chế tạo ô tô và động cơ máy bay sang các thiết bị như máy thở. Nhưng theo quan điểm của Gjerde thì ngay cả những đội kỹ thuật giỏi nhất những không được đào tạo để chế tạo máy móc y tế cũng sẽ khó có thể làm được việc này.
"Họ không biết bản chất của con quái thú, Gjerde nói. Ông đã nhận được lời đề nghị viện trợ từ một nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Canada. "Đối với một số thành phần nhất định, điều đó có thể khả thi", theo CEO này. "Nhưng điều đó quá nguy hiểm khi bị ném vào tay những người không biết họ đang làm gì."
Trong khi đó, một số người đã thực hiện các bản hack sáng tạo, như tìm mã nguồn mở để thiết kế các bộ phận của máy thở bằng công nghệ in 3D. Ở Ý, phương pháp này được sử dụng để nhanh chóng tạo ra các van thay thế cần thiết, dù sau đó họ đã bị nhà sản xuất đe dọa khởi kiện. Trên Twitter, nhiều bác sĩ ER đã trao đổi các mẹo về cách chia ống thông khí để nhiều người có thể cùng sử dụng.
Nhưng các giải pháp đó không phải là lý tưởng. Việc tách ống đi kèm với mối lo ngại về việc các bệnh nhân khác nhau cầu nhu cầu cung cấp oxy khác nhau, chưa kể tới việc có thể dẫn tới hiện tượng lây lan mầm bệnh.
"Cuối cùng, chúng ta sẽ phải tìm ra những gì thực sự thiết thực", ông Coopersmith nói. Theo ông những phương pháp đó có thể được sử dụng trong một nhóm nhỏ ở vùng sâu vùng xa, hoặc nếu tình hình trở nên tồi tệ đến mức các bệnh viện lân cận không còn khả năng chia sẻ tài nguyên. "Điều này khác với bất cứ điều gì tôi từng thấy trong đời", ông nói.
Tình trạng thiếu máy thở đang diễn ra trên toàn cầu.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế vẫn khuyên nên chuẩn bị cho những lựa chọn khó khăn nhất. Govind Persad, nhà sinh vật học tại Đại học Denver, là người chuyên nghiên cứu cách phân bổ nguồn lực y tế khan hiếm. "Tôi nghĩ mọi người đang rất hy vọng nếu họ nghĩ rằng chúng ta sẽ không cảm thấy thấy thiếu thốn", ông nói. "Một bước quan trọng là có sự hướng dẫn từ chính phủ và các hiệp hội y tế rằng các bệnh nhân nào nên ưu tiên cho các biện pháp cứu sống như tiếp cận máy thở"
Theo ông, cần phân bổ các nguồn lực quan trọng để các quyết định được đưa ra một cách công bằng hơn. Mặt khác, các bệnh viện nên tránh để rơi vào tình trạng cung ứng cho bệnh nhân đến trước, thay vì ưu tiên theo mức độ cần thiết của họ. "Một khi có ai đó đang thở máy, thật khó để tháo chúng ra", ông nói.
"Để tối đa hóa số bệnh nhân có thể được cứu, các bác sĩ sẽ cần phải cân bằng các nhu cầu quan trọng với đánh giá của họ về kết quả tiềm năng", Persad nói. "Người này có cần máy thở không? Họ có khả năng chết ngay cả khi họ có thể sử dụng máy thở không? Các bác sĩ cũng cần chuẩn bị để có lúc đưa ra phán đoán sai. Nhưng ít nhất một hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp các nhân viên y tế dễ dàng hơn trong việc chọn lựa bệnh nhân cần tiếp cận máy thở, đồng thời để họ có thể tiếp tục điều trị cho những người khác. Cuối cùng, yếu tố tiên quyết nhất vẫn là đảm bảo có đủ các chuyên gia khỏe mạnh để vận hành chúng."
Tham khảo Wired