Quân đội Mỹ trong tuần này liên tục điều động máy bay, tàu chiến tới những khu vực sát biên giới Nga trong một động thái mà Washington cho rằng là để đáp trả "các hành động phi pháp và gây mất ổn định" của Moscow đối với Ukraine.
Chỉ một ngày sau khi Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell tới gần Vịnh Peter Đại Đế trên biển Nhật Bản thì không quân nước này cũng điều động máy bay giám sát OC-135 thực hiện "một chuyến bay khác thường" theo Hiệp ước Bầu trời Mở nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với Ukraine.
Trước đó, theo CNN, Quân đội Mỹ đã thực hiện những công tác chuẩn bị cần thiết để triển khai một tàu chiến tới biển Đen nhằm phản ứng trước vụ việc biên phòng Nga bắt giữ 3 tàu chiến Hải quân Ukraine với cáo buộc vi phạm lãnh hải Moscow trên hành trình di chuyển đến Eo biển Kerch để đi vào biển Azov.
"Lầu Năm Góc đang phát đi tín hiệu đáp trả đối với các hành động khiêu khích của Nga thời gian gần đây một lần nữa làm bùng phát căng thẳng trong khu vực", Peter Singer, chiến lược gia kiêm nghiên cứu viên cao cấp của tổ chức tư vấn chính sách New America chia sẻ trên hãng tin CNN.
"Hàng động tấn công khi chưa bị khiêu khích của Nga nhằm vào các tàu hải quân Ukraine trên biển Đen gần khu vực Eo biển Kerch là động thái leo thang nguy hiểm dưới hình thức khiêu khích và đe dọa", nhà nghiên cứu Peter Singer nhấn mạnh.
Tàu khu trục USS McCampbell neo đậu tại Vịnh Tokyo ngày 14/5. Ảnh: .Garrett Zopfie
Còn theo chuyên gia Boris Zilberman của Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD), trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn còn chần chừ chưa áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao chống lại Nga thì biện pháp quân sự có thể là cách để gây áp lực buộc chính quyền ông Trump phải hành động.
"Hải quân Mỹ hoàn toàn có quyền thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải như vậy và nên hành động như thế", ông Zilberman bày tỏ quan điểm.
Theo chuyên gia Zilberman, Nga tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực quân sự hóa các khu vực gần biển Nhật Bản và luôn cố gắng khuếch trương vai trò lớn hơn ở Thái Bình Dương.
Do vậy, hành động mới nhất của Mỹ ở biển Nhật Bản có thể là tín hiệu cho thấy Mỹ ngày càng quan ngại về những động thái của Nga ở Thái Bình Dương và Lầu Năm Góc nhiều khả năng đang cố gắng sớm vạch ra một giới hạn để ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực.
"Nga cần phải biết rằng, Mỹ sẽ không cho phép họ quân sự hóa các vùng biển quốc tế ở những khu vực chủ chốt như biển Đen hay biển Nhật Bản", chuyên gia Zilberman nhận xét. "Rõ ràng nếu không bị thách thức, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục hành động quả quyết chống lại các lợi ích của Mỹ và đồng minh".
Khu trục hạm USS McCampbell thực hiện chiến dịch tiếp nhận hậu cần trên biển