Trong thông điệp liên bang đọc hôm 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo "vũ khí thay đổi cuộc chơi" - tên lửa hành trình siêu vượt âm có vận tốc tối đa Mach 10 Kh-47M2 Kinzhal đã vượt qua các cuộc thử nghiệm để chính thức biên chế cho đơn vị tiêm kích đánh chặn MiG-31BM thuộc Quân khu phía Nam.
Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) được các chuyên gia quân sự thế giới nhận xét rằng nó thực tế là một phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M khi sở hữu ngoại hình, kích thước và tính năng kỹ chiến thuật khá tương đồng.
Cần lưu ý thêm rằng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới của Nga là một vũ khí tấn công rất đúng nghĩa, vậy tại sao Moskva lại trang bị nó cho chiếc chiến đấu cơ thiên về nhiệm vụ phòng thủ như MiG-31 chứ không phải là những loại máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, Tu-160 hay Tu-22M3, phải chăng chúng không thể sử dụng phương tiện trên?
Tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal được treo dưới bụng tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM
Để trả lời câu hỏi này cần nhìn lại "hướng dẫn sử dụng" của Kh-47M2 Kinzhal. Do là biến thể không đối đất của đạn 9M723, Kinzhal để vươn tới được tốc độ Mach 10 và tầm xa 2.000 km trong khi trọng lượng chỉ có 3.000 kg, khó mang được lượng nhiên liệu thật nhiều phục vụ cho động cơ cực khỏe rất tốn "xăng" thì đòi hỏi máy bay mang phải phóng nó đi ở chế độ đặc biệt.
Chiếc MiG-31BM sẽ buộc phải bắn Kh-47M2 Kinzhal ở độ cao 20.000 m trong khi vận tốc của máy bay khi đó tối thiểu là Mach 2, nhằm giúp quả tên lửa có được sơ tốc ban đầu đủ lớn và vị trí tối ưu cho động cơ phát huy hết hiệu suất.
Nhờ hai "yếu tố đầu vào" rất khắc nghiệt trên mà "Dao găm" bỏ qua được giai đoạn leo cao thông thường của tên lửa đạn đạo, bước ngay vào thời kỳ lấy quỹ đạo bổ nhào nhằm đẩy tốc độ thiết kế lên mức tối ưu.
MiG-31 phải phóng Kh-47M2 Kinzhal ở độ cao và vận tốc rất lớn
Trong khi đó nhìn sang các loại máy bay ném bom chiến lược của Nga, chiếc Tu-95MS bị loại đầu tiên vì vận tốc tối đa của nó vẫn dưới âm; kế đến là Tu-22M3 khi chỉ đạt tốc độ Mach 1,8 và trần bay 13.300 m; cuối cùng là chiếc Tu-160, tuy rằng nó bay được ở vận tốc Mach 2,04 nhưng độ cao lớn nhất cũng chỉ là 15.000 m.
Nếu tích hợp Kh-47M2 Kinzhal cho các phương tiện kể trên thì mặc dù quả tên lửa to và nặng này vẫn vừa với khoang chứa vũ khí, nhưng sẽ không thể đạt tới các thông số tối ưu như khi triển khai từ tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Tuy nhiên trong trường hợp cấp bách, Nga vẫn có thể trang bị "Dao găm" cho những phương tiện trên, thậm chí là gia cố khung thân của chiến đấu cơ dòng Sukhoi nhằm chịu được sức nặng của Kh-47M2 và chấp nhận tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí bị giảm đi ít nhiều.
Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM trực ban chiến đấu với tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal