Máu và nước mắt như thế là quá đủ

Xuân Đôn |

Chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi chiến tranh. Chúng ta đã có đủ Trường Sơn, đủ Vị Xuyên, đủ những người mãi mãi 18 đôi mươi... Máu và nước mắt như thế là quá đủ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây người ta tự hào vì tri thức, vì sự phát triển, vì độc lập, vì tự do...

Chú H.

Chú H., mắt vằn tia đỏ, trợn trừng, gào lên: “Máu... máu... bắn... bắn...” rồi bất ngờ chú quỳ phủ phục xuống, khóc rưng rức. Một lát, chú ngồi thần ra, nhìn xa vô định, vô hồn.

Chú H., người đàn ông tầm thước, chắc nịch, hiền lành, chăm chỉ hạt bột, làm hậu cần, bạn đồng ngũ của bố tôi trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Năm nào cũng vậy, gần Tết là tôi lại đưa bố sang thăm chú. Cứ gần Tết là chú hay lên những cơn động kinh.

Tháng 10 năm 1978, khi tôi được 1 tháng trong bụng mẹ, bố tôi đã được gọi thẳng từ trường Đại học Y Thái Nguyên sang thao trường tại Học viên quân y Hà Đông, và sau đó đeo balo lên biên giới. Ở đó, ông gặp những bạn bè đồng ngũ như chú H.

Ông và đồng đội đi suốt 10 năm của cuộc chiến tàn khốc này và không phải ai cũng về. Chiến tranh đã qua rất lâu, cả bố tôi, chú H. và những đồng đội khác đã phục viên hết cả. Ai còn đều đã lên ông bà. Và vẫn họp đồng đội đôi tháng một lần.

Máu và nước mắt như thế là quá đủ - Ảnh 1.

Những lần nói chuyện sau này, khi qua đận Tết, chú H. kể cho tôi nghe những lần tiếp vận cho đồng đội ở tiền phương Vị Xuyên, Yên Minh, Đồng Văn... vào đến trận địa mà nhìn đạn pháo bắn núi đen thành bột đá trắng xóa, tìm không thấy bóng đồng đội.

Vác gùi, gương lá cờ hồng thập tự đi nhặt xác đồng đội chỉ là những mảnh thịt lẫn trong bột đá. Phía bên kia, cũng những người lính gương cờ hồng thập tự len lỏi trong bãi bột đạn. Hễ gần đến ngày 17/2, những ký ức đau đớn lại ùa về, đầu chú ong ong tiếng đạn cối nổ.

Đứa bé sinh năm 79

Tôi sinh giữa năm 79, khi viên đạn đầu tiên rời nòng súng, tôi còn đỏ hỏn. Mẹ tôi kể cảnh khổ sở ôm tôi sơ tán từ Hà Giang về Tuyên Quang. Bà nói năm ấy Hà Giang chỉ đì đùng tiếng súng tí chút, không có pháo lớn. Cuối năm 79 cả nhà đã về lại thị xã.

Nhưng ký ức sót lại của tuổi thơ tôi thì không lạ gì chiến tranh. Bài hát “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” ngày nào cũng nghe sáng chiều trên cái loa đầu phố. Cảnh bắt trói những tên thám báo vài tuần lại thấy.

Khi tôi vào tiểu học, có lần thậm chí cây bàng gần trường còn trúng đạn pháo, chẻ toác đôi. Cô giáo chúng tôi dạy cách chạy trốn xuống hầm nằm chính giữa sân trường, khi nghe tiếng pháo rền ra sao.

Thi thoảng tiếng đạn pháo trong đêm nghe từng tràng như sấm. Ngày ngày, những chiếc xe bọc thép, xe GAZ 66 kéo pháo và lớp lớp thanh niên lún phún râu măng rầm rập hành quân qua cửa nhà tôi. Rất ít người về.

Máu và nước mắt như thế là quá đủ - Ảnh 2.

Khi bé hơn, chưa vào tiểu học, tôi theo mẹ đến cơ quan, vốn là bệnh viện thị xã, thời đó đã thành bệnh viện dã chiến, vì rằng mọi nhà trẻ lúc đó hoạt động phập phù.

Tôi đã thấy những khúc tay, khúc chân cắt rời nằm đầy trong chậu y tế giữa hành lang lạnh ngắt, u ám, từ những người thanh niên hơn tôi chỉ quá 1 giáp, hôm qua còn cười đùa qua ngõ nhà tôi. Tôi đã nghe tiếng gào của anh thương binh khi phẫu thuật thiếu thuốc mê.

Tôi đã thấy hàng thương binh ngồi yên lặng dưới nắng, dọc hai gốc cây hoa chi lăng trong sân bệnh viện. Tôi cũng đã thấy những chiếc GAZ 66 chở những chàng trai 18, nằm ngang không nói cười, đi về phía Vị Xuyên.

Sau này, khi bố tôi đã phục viên vài năm, tôi có lần hỏi, tại sao lại phải cứu 1 thương binh đã cụt cả 2 tay, 2 chân và mù 2 mắt, để chú ấy sống chả phải ác với chú ấy ư? Bố tôi trầm ngâm 1 lúc, và nói: Mẹ chú đấy vẫn cần chú đấy, con ạ.

Thù hằn phía sau

Một lần ngồi với bố tôi, tôi hỏi bố có còn thù hận những kẻ đã bắn gục đồng đội bố không? Bố tôi lắc đầu, nhẹ nhàng rằng con có nghĩ những người lính phía bên kia cũng nói chuyện với con cái họ như mình không?

Bố cầm súng vì mẹ và các con, vì sinh tồn, vì sự vẹn toàn. Nhưng bố tin, nhân dân ở đâu, quốc gia nào, dân tộc nào, chế độ nào, cũng khao khát hòa bình và phát triển. Quên thì khó, nhưng thù hận thì không.

Bố nghĩ cựu binh Trung Quốc cũng như bố thôi. Chính phủ Trung Quốc có thể còn tham vọng lớn, nhưng mong muốn của bố, của con, của người dân Trung Quốc thì như nhau con ạ. Và nhân dân mới là người quyết định.

Mệnh lệnh của thời đại

Những đứa trẻ như tôi lớn lên trong suốt thời kỳ đất nước thay đổi chóng mặt, hòa nhập với thế giới, chữa lành dần các vết sẹo chiến tranh, co gọn các vết thương còn rỉ máu. Đây đó, vẫn còn những phần lãnh thổ nằm trong tay kẻ khác. Đó đây, vẫn những mâu thuẫn có thể thành ngòi nổ chiến tranh. Nhưng hòa bình và phát triển là điều mà tuyệt đại đa số nhân dân hướng đến.

Chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi chiến tranh. Chúng ta đã có đủ Trường Sơn, đủ Vị Xuyên, đủ những người mãi mãi 18 đôi mươi.

Những người đáng lẽ ra ngồi trong giảng đường, xây những cao ốc, lái những chiếc máy bay hiện đại... thậm chí là nằm dài lười biếng bên bãi biển Nha Trang, Phú Quốc... Máu và nước mắt như thế là quá đủ. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây người ta tự hào vì tri thức, vì sự phát triển, vì độc lập, vì tự do...

Làm sao chúng ta có thể chỉ tự hào mãi vì những vinh quang quá khứ, dù chúng chói lọi như nào, nếu đất nước chúng ta không hòa bình, không giàu mạnh, phồn vinh? Niềm tự hào ấy, thuộc về những người đã nằm xuống, về chú H. và bố tôi, thuộc về những người đã đi xây nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Thế hệ sinh sau cuộc chiến như chúng tôi sẽ không thể mãi mãi “ăn theo” niềm tự hào ấy được. Thế hệ chúng tôi, nếu không cùng nhau đưa được đất nước đến bến bờ hòa bình, giàu có và hùng cường, thì không chỉ có lỗi với người đã nằm xuống, mà còn sẽ bị trách móc bởi hậu thế.

Làm sao chúng ta có thể thu hồi những phần lãnh thổ đã mất, nếu chúng ta nhược tiểu và nghèo nàn? Làm sao chúng ta có thể có hòa bình, nếu chúng ta yếu đuối? Ai sẽ coi trọng chúng ta, nếu chúng ta mãi thất học, nghèo đói, ưa bạo lực?

Đúng, chúng ta vẫn đang mua sắm vũ khí, vẫn đang xây dựng một quân đội hùng cường. Nhưng như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng chia sẻ: “Chúng ta mua vũ khí hiện đại để không bao giờ phải bắn”.

Một quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho quốc gia không bao giờ phải bước vào một cuộc chiến sinh tồn nữa. Quân đội hùng cường nhất, sẽ là quân đội đảm bảo cho đất nước phát triển phồn vinh.

Tôi, một đứa trẻ sinh ra dưới tiếng súng, hoàn toàn tin tưởng chúng tôi có thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới một cách hòa bình, và qua hợp tác với nhau. Tôi cũng tin người Trung Quốc, người Mỹ ... và mọi dân tộc khác đều nghĩ vậy.

Các đứa con tôi sẽ không phải thấy những điều tôi đã thấy. Chúng sẽ bắt tay với những người bạn nhỏ bên kia biên giới đến thăm những mảnh đất thấm máu của cha ông chúng. Để chúng cùng nhau xây các đền thờ nằm giữa các khu du lịch, để bắc những nhịp cầu, chứ không phải nòng súng, giữa những lân bang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại