"Mắt xích" Nga-Thổ trong cuộc tấn công vào chiến trường đẫm máu cuối cùng của Syria?

Thi Anh |

"Để phe chính phủ Syria có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Idlib thì phải có đổ vỡ trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Hiltermann nói.

Cứ điểm cuối cùng

Ngày 9/8, quân đội Syria thả tờ rơi xuống tỉnh Idlib với nội dung là "chiến tranh sắp kết thúc" và hối thúc người dân địa phương hợp tác với lực lượng chính phủ.

Trên tờ rơi là những hình ảnh trước chiến tranh: Cụ già ôm người lính, thanh niên trẻ đang học hành và con đường yên bình trải đầy lá khô của Damascus cùng dòng chữ: "Đây là chúng ta trước thời điểm khủng bố".

Kế đó là hình ảnh của một khu dân cư bị tàn phá, một cậu bé ôm quả bom chưa nổ và những người phụ nữ trùm khăn bị xích lại với nhau. "Đã tới lúc chấm dứt đổ máu và phá hoại" là nội dung trên một tờ rơi khác.

Trong vài năm qua, những phần tử nổi dậy bị đánh bại của Syria đã chạy trốn tới khu vực miền Bắc Idlib, vốn được thiết lập như một "khu vực giảm thiểu căng thẳng" do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ.

Khi chính phủ Syria giành lại các khu vực như Aleppo và Đông Ghouta, nhiều phiến quân đã xin hàng và gia đình của họ được đưa tới Idlib theo thỏa thuận do Nga thương thuyết.

Mắt xích Nga-Thổ trong cuộc tấn công vào chiến trường đẫm máu cuối cùng của Syria? - Ảnh 1.

Phiến quân Syria bại trận đổ về Idlib. Ảnh:Mohammed Badra—EPA-EFE/Shutterstock

Hiện giờ, Idlib là khu vực trọng điểm cuối cùng mà phe đối lập Syria nắm giữ tại nước này và cũng là trở ngại cuối cùng ngăn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố chiến thắng. Chính quyền Syria đang đưa xe tăng lên phía Bắc và mở rộng các đợt không kích để chuẩn bị cho cái có thể coi là trận đánh cuối cùng trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.

Tuy nhiên, chiến lược "phong tỏa cho tới khi đầu hàng", vốn cho phép chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ khác lại có vẻ kém khả thi với Idlib.

Idlib là nơi trú ngụ của hơn 2 triệu người, gồm cả 70.000 phần tử của hơn 10 phe nhánh phiến quân. Mặc dù nhiều nhóm trong số này đối đầu lẫn nhau nhưng có lẽ rất ít bên sẵn sàng giương cờ trắng nếu quân đội Assad tiến hành một chiến dịch lớn.

"Tinh thần ở đây rất cao - phiến quân ở Idlib sẵn sàng trước bất cứ cuộc tấn công nào của lực lượng chính phủ", Amer Abu Anas, một phiến quân thuộc phe đối lập ở phía Nam Idlib chia sẻ với Time.

Abu Anas cho biết, trong vài tuần trở lại đây, các nhóm nổi dậy đã đàn áp những phần tử phản đối ở Idlib, bắt giữ những người mà họ cho là cùng phe với chính phủ Syria hoặc tìm kiếm sự hòa giải. "Không có chỗ cho đàm phán với chính quyền Syria. Lần này chúng tôi sẽ chiến đấu cho tới người cuối cùng", Abu Anas nói.

Mặc dù tỏ ra can đảm nhưng không chắc những nhóm đối lập đầy chia rẽ và được trang bị yếu như vậy có thể đối chọi được với quân đội Syria và lực lượng đồng minh hùng hậu của họ hay không.

Nga, Thổ có đủ sức ngăn đổ máu?

Các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo nếu chính quyền Syria tìm cách giành lại Idlib bằng vũ lực. Một cuộc đối đầu như vậy có thể đẩy hàng triệu người tị nạn về biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng khả năng bùng phát một cuộc xung đột lớn hơn.

"Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự ủng hộ rõ nét đối với nhiều nhóm đối lập", Yezid Sayigh, học giả cấp cao của Trung tâm Trung Đông Carnegie nói, "Và mức độ hiện hiện quân sự ở vào khoảng 1.300 lính trên bộ".

Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là bên giữ vai trò bảo vệ cho các khu vực ở miền Bắc Syria, đưa quân tới Idlib như một phần trong thỏa thuận đạt được với Nga. Vốn đã nhận hơn 3 triệu người Syria nên điều cuối cùng mà nước này muốn là một cuộc đối đầu quân sự, gây ra một làn sóng tị nạn mới.

Cả Nga cũng vậy. Hồi cuối tháng 7, đặc sứ của Nga tại Syria Alexander Lavrentyev tuyên bố: "Bất cứ một chiến dịch quy mô lớn nào ở Idlib đều không khả thi". Nga muốn toàn bộ Syria nằm dưới quyền kiểm soát của ông Assad, nhưng một cuộc đối đầu quân sự toàn diện sẽ tốn kém, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.

Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại trung tâm nghiên cứu International Crisis Group, cho biết, ông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ ngăn xung đột leo thang.

"Để phe chính phủ Syria có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Idlib thì phải có đổ vỡ trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Hiltermann nói, "Và tôi không thấy bất cứ rạn nứt nào ở thời điểm hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong trạng thái tồi tệ với Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga. Nước này cần có những người bạn khác".

Ông Hiltermann cho rằng Nga cũng muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ ở bên.

Tuy nhiên, không rõ liệu những lợi ích của các thế lực bên ngoài có đủ để ngăn đổ máu hay không. Một vài trong số các nhóm nổi dậy cực đoan sẽ không tuân thủ theo chỉ thị của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí nếu Ankara có thể xây dựng được một liên minh giữa các nhóm phiến quân thiện chí thì liên minh đó vẫn có thể không nghe lời nếu bị gây hấn.

Trong khi đó, chính phủ Syria lại không mấy kiên nhẫn trước phương án ngoại giao. Cùng thời điểm Lavrentyev loại trừ khả năng tấn công vào Idlib, đặc phái viên của Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari cho hay, nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, chính phủ sẽ giành lại nơi này bằng vũ lực.

"Liên quan tới việc giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ của Syria thì không có thỏa hiệp", ông Jaafari nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại