Mặt tối tại mỏ 'vàng trắng' khổng lồ ở Mỹ

Trang Ly |

Đây là mỏ 'vàng trắng' quy mô nhất tại Mỹ trong 10 năm qua.

Trên đỉnh một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động từ lâu ở phía bắc bang Nevada, các công nhân đang chuẩn bị cho nổ mìn để khoét một cái hố khổng lồ sẽ đóng vai trò là mỏ lithium quy mô lớn mới đầu tiên ở Mỹ trong hơn một thập kỷ - một nguồn cung cấp nội địa mới của một thành phần thiết yếu trong pin ô tô điện và năng lượng tái tạo.

Lithium được mệnh danh là "vàng trắng" và mỏ "vàng trắng" này có thể giúp giải quyết sự phụ thuộc gần như hoàn toàn của Mỹ vào các nguồn lithium nước ngoài.

Nhưng dự án khai thác litthium quy mô lớn có tên Thacker Pass lithium, thuộc Công ty khai thác Lithium Americas Corp (trụ sở tại Canada), đã gặp phải sự phản đối từ các thành viên của một bộ lạc người Mỹ bản địa, các chủ trang trại và các nhóm môi trường do họ lo ngại về việc sử dụng hàng tỷ gallon nước ngầm quý giá nơi này; chưa hết, việc khai thác còn có khả năng gây ô nhiễm lớn, đồng thời để lại hậu quả là một đống chất thải khổng lồ.

Dự án Thacker Pass lithium, được chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt, có thể trở thành nguồn cung cấp lithium lớn nhất của Mỹ - một kim loại có nhu cầu tăng cao trên toàn cầu do được sử dụng trong các phương tiện giao thông điện.

Lithium Americas Corp cho biết dự kiến sẽ có quyết định cuối cùng của tòa án về vấn đề này vào cuối tháng 9/2022, Reuters thông tin.

XANH vs. KHÔNG XANH

Cuộc chiến tranh giành mỏ lithium ở Nevada là biểu tượng của một căng thẳng cơ bản đang nổi lên khắp thế giới: Xe điện và năng lượng tái tạo có thể không xanh như vẻ ngoài của chúng.

Việc sản xuất các nguyên liệu thô như lithium, coban và niken cần thiết cho các công nghệ này lại thường gây hại cho đất, nước, động vật hoang dã và con người.

Mặt tối tại mỏ vàng trắng khổng lồ ở Mỹ - Ảnh 1.

Xe điện và năng lượng tái tạo có thể không xanh như vẻ ngoài của chúng. Ảnh: Internet

Vấn đề môi trường thường bị bỏ qua, một phần vì đang có một cuộc chạy đua giữa Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và các cường quốc khác. Liên quan đến các cuộc tranh giành và chiến tranh trong quá khứ về vàng và dầu mỏ, các chính phủ đang đấu tranh để giành quyền tối cao đối với các khoáng sản có thể giúp các quốc gia đạt được vị thế thống trị về kinh tế và công nghệ trong nhiều thập kỷ tới.

Các nhà phát triển và các nhà lập pháp coi dự án tại Nevada này, được phê duyệt lần cuối trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump, là một phần cơ hội để Mỹ trở thành nước đi đầu trong việc sản xuất một số nguyên liệu thô cho ngành xe điện và năng lượng tái tạo, khi Tổng thống Biden quyết liệt hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Ngoài Nevada, các doanh nghiệp đã đề xuất địa điểm sản xuất lithium ở các bang California, Oregon, Tennessee, Arkansas và North Carolina.

Sự xung đột này giúp giải thích tại sao những tháng gần đây trên khắp nước Mỹ lại xuất hiện một cuộc tranh cãi về cách tốt nhất để chiết xuất và sản xuất một lượng lớn lithium theo cách ít phá hủy hơn nhiều so với cách khai thác đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, các công ty khai thác lithium của Mỹ đã huy động được gần 3,5 tỷ đô la từ Phố Wall - gấp 7 lần số tiền huy động được trong 36 tháng trước đó, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp - để thấy cuộc chạy đua điên cuồng đang diễn ra.

Một số nhà đầu tư đang ủng hộ các lựa chọn thay thế bao gồm kế hoạch chiết xuất lithium từ nước mặn bên dưới hồ lớn nhất của California - Biển Salton - cách khu vực thuộc dự án Thacker Pass lithium khoảng 965 km về phía nam.

Mặt tối tại mỏ vàng trắng khổng lồ ở Mỹ - Ảnh 3.

Lithium Americas Corp (Canada) mong muốn thúc đẩy chuỗi cung ứng lithium trên toàn Bắc Mỹ. Ảnh: Lithium Americas Corp.

Tại Biển Salton (một hồ nước mặn nằm trên đứt gãy San Andreas), các nhà đầu tư có kế hoạch sử dụng các hạt được phủ đặc biệt để chiết xuất muối lithium từ chất lỏng nóng được bơm lên từ tầng chứa nước sâu hơn 1.200 mét dưới bề mặt. Các hệ thống khép kín sẽ được kết nối với các nhà máy điện địa nhiệt tạo ra điện không phát thải. Và trong quá trình này, họ hy vọng sẽ tạo ra doanh thu cần thiết để khôi phục lại hồ, vốn đã bị làm bẩn bởi dòng chảy độc hại từ các trang trại trong khu vực trong nhiều thập kỷ.

Các doanh nghiệp cũng đang hy vọng chiết xuất lithium từ nước muối ở các bang Arkansas, Nevada, North Dakota.

Mỹ cần nhanh chóng tìm nguồn cung cấp lithium mới khi các nhà sản xuất ô tô tăng cường sản xuất xe điện. Lithium được sử dụng trong pin ô tô điện vì nó nhẹ, có thể tích trữ nhiều năng lượng và có thể sạc lại nhiều lần.

Các nhà phân tích ước tính rằng nhu cầu lithium sẽ tăng gấp 10 lần trước khi kết thúc thập kỷ này khi Tesla, Volkswagen, General Motors và các nhà sản xuất ô tô khác giới thiệu hàng chục mẫu xe điện. Các thành phần khác như coban là cần thiết để giữ cho pin hoạt động ổn định.

Mặc dù Mỹ có một số trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, quốc gia này ngày nay chỉ có một mỏ lithium quy mô lớn, là Silver Peak ở bang Nevada, khai thác lần đầu tiên vào những năm 1960 và chỉ sản xuất 5.000 tấn mỗi năm - ít hơn 2% của nguồn cung cấp hàng năm của thế giới.

Hầu hết lithium thô được sử dụng tại Mỹ đến từ các nước Mỹ Latin hoặc Australia, và hầu hết chúng được xử lý và biến thành pin ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.

"Trung Quốc vừa đưa ra kế hoạch 5 năm tiếp theo," thư ký năng lượng của ông Biden, Jennifer Granholm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Họ muốn trở thành nơi chế tạo pin lithium lớn nhất, nhưng chúng tôi đang có những mỏ lithium lớn..."

Vào tháng 3/2022, Jennifer Granholm đã công bố các khoản tài trợ để tăng sản lượng các khoáng sản quan trọng. Bà nói: "Đây là một cuộc chạy đua tới tương lai mà Mỹ sẽ giành chiến thắng".

Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa có động thái thúc đẩy các lựa chọn thân thiện với môi trường hơn - như khai thác nước muối lithium, thay vì khai thác mỏ lộ thiên. Bộ Nội vụ từ chối cho biết liệu họ có thay đổi lập trường của mình dựa trên giấy phép Thacker Pass lithium mà họ đang bảo vệ trước tòa hay không.

Các công ty khai thác và các doanh nghiệp liên quan muốn tăng tốc sản xuất lithium trong nước và đang thúc ép chính quyền và các nhà lập pháp quan trọng đưa chương trình tài trợ 10 tỷ USD vào dự luật cơ sở hạ tầng của ông Biden, và họ cho rằng đó là vấn đề an ninh quốc gia.

"Ngay bây giờ, nếu Trung Quốc quyết định cắt đứt với Mỹ vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi sẽ gặp khó khăn" - Ben Steinberg, một quan chức của chính quyền Obama cho biết.

CHÚNG TÔI SẼ UỐNG GÌ TRONG 300 NĂM?

Trên một sườn đồi, Edward Bartell hoặc các nhân viên trang trại của ông ấy ra ngoài vào mỗi buổi sáng sớm để đảm bảo rằng gần 500 con bò và bê sống lang thang trong 50.000 mẫu Anh ở sa mạc cao của Nevada có đủ thức ăn. Đã thành thông lệ từ bao đời nay, nhưng chưa bao giờ gia đình phải đối mặt với một mối đe dọa khá lớn như thế này.

Cách trang trại của ông vài km, công việc có thể sớm bắt đầu tại mỏ lộ thiên Thacker Pass lithium, nơi sẽ đại diện cho một trong những địa điểm sản xuất lithium lớn nhất trong lịch sử Mỹ, hoàn chỉnh với bãi đáp trực thăng, nhà máy xử lý hóa chất và bãi thải. Mỏ sẽ đạt độ sâu khoảng 113 mét.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của ông Bartell là khu mỏ sẽ tiêu thụ nguồn nước vốn giúp gia súc của ông sống sót. Ước tính, việc khai thác mỏ lithium sẽ tiêu thụ 14.656 lít nước mỗi phút. Theo một nhà tư vấn của dự án Thacker Pass lithium, điều đó có thể khiến mực nước ngầm giảm trên khu đất mà ông Bartell sở hữu ước tính khoảng 3,7 mét.

Mặt tối tại mỏ vàng trắng khổng lồ ở Mỹ - Ảnh 5.

Ảnh: Lithiumamericas.com

Theo các tài liệu liên bang, trong khi sản xuất 66.000 tấn lithium cacbonat cấp công nghiệp mỗi năm, mỏ này có thể khiến nước ngầm bị nhiễm kim loại bao gồm antimon và asen.

Lithium sẽ được chiết xuất bằng cách trộn đất sét (đào từ sườn núi) với 5.800 tấn axit sulfuric (H2SO4) mỗi ngày. Toàn bộ quá trình này cũng sẽ tạo ra 354 triệu mét khối chất thải khai thác thải ra từ quá trình xử lý axit sulfuric, và có thể chứa uranium phóng xạ ở mức độ vừa phải.

Một đánh giá vào tháng 12/2021 của Bộ Nội vụ Mỹ cho thấy rằng trong vòng đời 41 năm của nó, mỏ lithium tại bang Nevada sẽ làm suy giảm gần 5.000 mẫu Anh trong phạm vi được sử dụng bởi linh dương sừng nhánh và làm tổn thương môi trường sống của gà gô hiền. Nó có thể cũng sẽ phá hủy khu vực làm tổ của một cặp đại bàng vàng có bộ lông quan trọng đối với các nghi lễ tôn giáo của bộ lạc địa phương.

Ông Bartell, người đã đệ đơn kiện để cố gắng phong tỏa mỏ, cho biết: "Thật là thất vọng khi nó được giới thiệu là một dự án thân thiện với môi trường, trong khi nó thực sự là một khu công nghiệp khổng lồ.

Tại Khu bảo tồn người da đỏ Fort McDermitt, sự tức giận về dự án đã bùng lên, thậm chí gây ra một số cuộc chiến giữa các thành viên vì Thacker Pass lithium đã đề nghị thuê các thành viên bộ lạc làm công với mức lương trung bình hàng năm là 62.675 đô la - gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của quận - nhưng điều đó sẽ đi kèm với một sự đánh đổi lớn.

"Nói cho tôi biết, chúng tôi sẽ uống nước gì trong 300 năm?" - Deland Hinkey, một thành viên của bộ lạc, đã hét lên khi một quan chức liên bang đến khu bảo tồn vào tháng 3 để báo cáo cho các nhà lãnh đạo bộ lạc về kế hoạch khai thác. "Bất cứ ai, hãy trả lời câu hỏi của tôi. Sau khi các ông làm ô nhiễm nguồn nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ uống gì trong 300 năm?".

Bài viết sử dụng nguồn: New York Times, Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại