Năm 2012, một người đàn ông 26 tuổi ở Trung Quốc được tìm thấy đã chết, sau khi thức liên tục 12 ngày đêm để theo dõi giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO). Câu chuyện trở thành ví dụ điển hình cho các bà mẹ giáo dục con cái về tác hại của việc thiếu ngủ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không nghĩ bản thân việc không ngủ có thể dẫn đến cái chết. Năm 1964, Randy Gardner, một cậu bé mới chỉ 16 tuổi khi đó đã không ngủ suốt 11 ngày để phá kỷ lục thế giới. Cho đến tận bây giờ, Gardner vẫn sống khỏe ở tuổi 68.
Mặc dù trước đó, kỷ lục thế giới của ông đã bị phá vỡ một cách ngoạn mục bởi Maureen Weston, một người phụ nữ ở Peterborough, Anh Quốc vào năm 1978 (cô này đã thức suốt 449 tiếng đồng hồ so với 264 tiếng của Gardner), thí nghiệm năm 1964 trên cơ thể Gardner vẫn là thí nghiệm tốt nhất cho các nhà khoa học giám sát ảnh hưởng của việc thiếu ngủ với con người.
Không có một bằng chứng nào cho thấy việc thiếu ngủ có thể khiến bạn tử vong. Trường hợp của người đàn ông Trung Quốc, các bác sĩ cho biết trước khi tử vong anh ta đã uống quá nhiều rượu.
Ngược lại, thí nghiệm củaGardner đã cho thấy bạn có thể thức đến hơn một tuần và vẫn không có nguy cơ tử vong sớm. Nhưng trước khi quyết định pha cà phê và thức trắng đêm, có một vài điều mà bạn nên biết.
William C. Dement, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, chính là người đã quan sát và ghi lại sóng não của Gardner trong suốt thử thách của ông vào năm 1964.
Như bạn có thể đoán được, việc thức trắng 11 đêm liên tiếp không phải là một ý tưởng hay ho cho lắm. Chỉ sau 3 ngày thức trắng, Gardner bắt đầu cảm thấy buồn bã và mất khả năng điều phối. Dần dần, từng giác quan của anh ta bị ảnh hưởng, kể cả khứu giác.
Đến ngày thứ năm Gardner bị ảo giác, não anh ta trượt vào một trạng thái giống như mơ ngủ.
Các phân tích tiếp theo về hoạt động não của Gardner cho thấy anh ta không hoàn toàn tỉnh táo ngay cả khi mắt anh vẫn đang mở. Nhiều phần của não bộ đã thay phiên nhau ngủ, chúng thực sự đã dừng hoạt động.
Mặc dù thử thách 11 ngày là một trải nghiệm khắc nghiệt, dường như nó không tạo ra ảnh hưởng trên sức khỏe lâu dài của Gardner. Một số thí nghiệm trên động vật cho thấy chúng sẽ chết sau khi thức quá lâu, thậm chí chết trong giấc ngủ sau đó.
Năm 1898, hai nhà sinh lý học người Ý đã quan sát những con chó thức trắng trong một vài tuần. Những con chó được kéo đi bộ để không thể ngủ cho đến khi bi kịch xảy ra, chúng chết vì suy thoái dây thần kinh trong não và tủy sống.
Các thí nghiệm tương tự trên chuột cũng cho thấy thiếu ngủ có thể gây tử vong. Nhưng đối với Gardner, sau khi thức trắng 264 tiếng đồng hồ, anh chỉ cần đi ngủ 14 tiếng rồi thức dậy, khỏe mạnh và tiếp tục sống tới tận bây giờ.
Vì một lý do nào đó mà con người đã phát triển được một số thủ thuật thần kinh tương tự như ở chim và động vật có vú thủy sinh – đó là khả năng đóng cửa các bộ phận của não để bảo trì trong khi các bộ phận khác vẫn tỉnh táo.
Bình thường, con người cũng hay trượt vào microsleep (những giấc ngủ siêu ngắn thậm chí bạn không nhận ra mình đã vừa ngủ), khi vượt qua giới hạn của sự tỉnh táo.
Có thể, đây là một bản năng giúp chúng ta sinh tồn trong quá khứ, kết hợp với một số khả năng chịu đựng sức bền khác cho phép chúng ta di chuyển trong thời gian dài.
Randy Gardner trong thí nghiệm không ngủ 11 ngày vào năm 1964
Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc lạm dụng những năng lực này có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt.
Karyn O'Keefe, một chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Massey ở New Zealand nói với ScienceAlert: Thiếu ngủ làm tăng đáng kể nguy cơ gặp chấn thương hoặc tai nạn trong khi thực hiện các nhiệm vụ nhạy cảm với tính an toàn.
"Ví dụ, thiếu ngủ đã được chứng minh làm tăng đáng kể nguy cơ bị tai nạn xe cộ", cô giải thích. O'Keefe trích dẫn một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng việc chỉ ngủ từ 4-5 tiếng/đêm khiến bạn dễ bị tai nạn xe máy gấp 4 lần so với những người ngủ đủ 8 tiếng.
"Đối với nguy cơ chấn thương liên quan đến công việc, một nghiên cứu lớn ở Mỹ đã chỉ ra rằng những công nhân ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có khả năng bị thương nhiều gấp 2,7 lần so với những người ngủ 7 đến 7,9 giờ", O'Keefe nói.
Nếu bạn đủ may mắn để tránh tai nạn, thiếu ngủ thường xuyên cũng sẽ tàn phá nhiều khía cạnh sức khỏe khác của bạn.
"Về lâu dài, thiếu ngủ đã được chứng minh sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất, chẳng hạn như tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và đột quỵ, cũng như tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng", O'Keefe cho biết.
Thực tế với nhiều người ngày nay, ngủ đủ giấc dường như luôn là một mục tiêu ngoài tầm với. Công việc và thói quen sinh hoạt gắn liền với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi… thường xuyên khiến chúng ta thức khuya và thiếu ngủ.
Và một khi điều đó xảy ra, không dễ gì để thiết lập lại thói quen ngủ đủ giấc của bạn.
Nhưng nếu bạn thường xuyên mất ngủ, sức khỏe của bạn sẽ xuống dốc
Thiếu ngủ không gây chết người ngay lập tức, chỉ trừ một số trường hợp hiếm gặp gọi là FFI (Chứng mất ngủ chết người - Fatal Familial Insomnia).
Đó là một bệnh di truyền gen hiếm gặp trong gia đình. "Mất ngủ gia đình gây tử vong là một bệnh di truyền prion cực kỳ hiếm gặp và nó sẽ tấn công não bộ", nhà tâm lý học lâm sàng Lora Wu cũng đến từ Đại học Massey nói với ScienceAlert.
"Mất ngủ trong trường hợp này thường là triệu chứng sớm của tình trạng thoái hóa thần kinh nhanh chóng dẫn đến tử vong, thường là trong vòng hai năm".
Thực ra bạn cũng không cần phải google căn bệnh đáng sợ này vào lúc 2 giờ sáng, bởi trên thế giới chỉ có gần 60 người ở 27 gia đình từng mắc chứng mất ngủ gây tử vong. Cá chắc là bạn không đen đủi đến vậy.
Cuối cùng, kết luận cho câu hỏi của chúng ta: Mất ngủ sẽ không gây chết người. Nhưng nếu bạn thường xuyên mất ngủ, sức khỏe của bạn sẽ xuống dốc. Tốt nhất là hãy ngủ đủ giấc và giữ thói quen lành mạnh đó.
Tham khảo Sciencealert