Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vốn nổi tiếng với những thành công trong hoạt động điều tra giám sát, nhưng ít ai biết rằng ngay cả những chuyên gia hàng đầu thế giới làm việc cho cơ quan này cũng phải đau đầu trước một câu đố thoạt nhìn có vẻ rất đơn giản.
Điều đặc biệt là câu đố này lại được đặt ngay trước trụ sở của CIA như để "trêu ngươi" các nhân viên ngày này qua ngày khác vậy.
Tất cả bắt đầu vào năm 1991, khi nhà điêu khắc người Mỹ Jim Sanborn tạo ra một "tác phẩm" để đời theo đơn đặt hàng của CIA. Đó là bức điêu khắc mật mã được đặt tên Kryptos, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là "ẩn giấu".
Bảng mật mã trước trụ sở của CIA.
Tác phẩm này gồm một khung bằng đồng có khắc khoảng 1.700 chữ cái được sắp xếp "lộn xộn" và chia thành bốn bản mật mã khác nhau. Ngoài ra Kryptos còn bao gồm các cấu phần khác như một khúc gỗ lớn dựng đứng, một phiến đá granite màu đỏ và xanh lục, một tảng thạch anh trắng, và một hồ nước nhỏ.
Ngay từ thời điểm mới xuất hiện trước trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia của Mỹ, bức điêu khắc bí hiểm này đã thu hút sự quan tâm của vô số những người đam mê giải mã chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, trong đó tất nhiên có cả những chuyên gia của chính Cơ quan Tình báo Trung ương.
Bản mật mã bí hiểm đến cực độ!
Với sự quan tâm đặc biệt như thế, các bản mật mã đã lần lượt được "giải quyết" nhanh gọn chỉ trong vòng vài năm sau khi xuất hiện. Đầu tiên là một câu thơ do chính Sanborn tự sáng tác:
"Giữa bóng mờ và nơi không ánh sáng, nằm ẩn mình những ảo ảnh mông lung."
Đáng chú ý là tác giả đã cố tình viết sai từ "illusion" (ảo ảnh, ảo giác) thành "iqlusion" để làm khó các chuyên gia giải mã.
Bản mật mã thứ hai nói về một thứ gì đó được chôn giấu:
Bản 1: "Nó hoàn toàn vô hình. Sao có thể như thế được? Họ đã dùng từ trường Trái đất. Thông tin được tập hợp lại và truyền đi dưới lòng đất đến một địa điểm bí mật. Langley có biết chuyện này không? Chắc là họ phải biết: Nó được chôn giấu đâu đó ngoài kia mà.
Ai biết chính xác địa điểm đó? Chỉ có mình WW thôi. Đây là thông điệp cuối cùng của ông ấy. Ba mươi tám độ năm mươi bảy phút sáu phẩy năm giây về hướng Bắc, bảy mươi bảy độ tám phút bốn mươi bốn giây về hướng Tây. Lớp thứ hai."
Bản 2: Trong bức mật mã này cũng có một lỗi chính tả là từ "underground" (dưới lòng đất) được viết thành "undergruund". Nội dung của nó đề cập đến một địa điểm cách khoảng 46m về hướng Đông Nam tính từ vị trí của Kryptos.
Bản 3: Bản mật mã thứ ba là một đoạn trích từ cuốn nhật kí của nhà khảo cổ học Howard Carter, mô tả cuộc khai mở lăng mộ của pharaoh Tutankhamun vào năm 1922:
"Thật chậm rãi, chậm rãi đến tuyệt vọng, những tàn tích của lối đi đổ nát vốn ngăn trở phần dưới của ô cửa dần được lấy đi. Bằng đôi tay run rẩy, tôi đục một lỗ nhỏ tí ở góc trên bên trái. Rồi sau khi khoét rộng nó ra một chút, tôi đưa ngọn nến vào và chăm chú quan sát.
Luồng khí nóng thoát ra từ gian buồng khiến ngọn lửa lập lòe, nhưng ngay sau đó các chi tiết của căn phòng bên trong liền hiện rõ giữa màn sương. Bạn có thấy được gì không?"
Như vậy cả ba thông điệp đầu tiên dường như đều hướng về một địa điểm bí mật nào đó.
Bản 4: Tuy nhiên sự bí hiểm đã được đẩy đến cực độ ở bức mật mã thứ tư – chỉ gồm 97 chữ cái, và có thể là chỉ dẫn cuối cùng – khi nó làm khó các nhà giải mã, kể cả những chuyên gia hàng đầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Ngay cả tác giả Sanborn cũng tin rằng mình sẽ không sống đủ lâu để chứng kiến ai đó phá giải được câu đố này. Chính vì thế mà vào năm 2010 ông đã đưa ra gợi ý rằng có sáu ký tự trong bức mật mã thứ tư sẽ được giải mã thành "Berlin".
Nhưng suốt bốn năm sau vẫn chưa ai tận dụng được manh mối đó, và Sanborn phải tiếp tục đưa ra gợi ý thứ hai: Từ tiếp theo sẽ là "clock". Như vậy bức thông điệp cuối cùng này đề cập đến "chiếc đồng hồ Berlin" nào đó.
Khả năng cao nhất là Sanborn đang muốn ám chỉ chiếc đồng hồ công cộng nổi tiếng có tên là Berlin Clock, hay Berlin-Uhr. Bản thân chiếc "đồng hồ" này cũng là một câu đố, bởi nó chỉ giờ bằng các màu sắc và buộc người xem phải tính toán theo một quy trình phức tạp để tìm ra giờ giấc chính xác.
Mỗi ô đèn đỏ ở hàng trên cùng tượng trưng cho năm tiếng đồng hồ, trong khi mỗi ô đèn đỏ ở hàng thứ hai ứng với một tiếng. Hàng thứ ba có mười một ô đèn vàng và đỏ, mỗi ô là năm phút. Và hàng dưới cùng có bốn ô đèn vàng, mỗi ô tượng trưng cho một phút.
Để biết thời gian, ta phải cộng hết tất cả các giờ và các phút lại với nhau. Ví dụ như nếu có hai ô ở hàng đầu và ba ô ở hàng hai sáng đèn, thì lúc đó là một giờ chiều (2x5 + 3x1 = 13).
Khi được hỏi về lý do đề cập đến Đồng hồ Berlin, Sanborn đã trả lời đơn giản rằng mặc dù tại Berlin có nhiều chiếc đồng hồ thật sự thú vị, nhưng đây là chiếc mà ông cảm thấy hấp dẫn nhất.
Tuy địa điểm cuối cùng đã được tiết lộ, nhưng bức màn bí ẩn bao quanh bản mật mã Kryptos vẫn còn đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Wired vào năm 2005, Sanborn kể rằng khi CIA đặt làm tác phẩm này, ông đã được yêu cầu phải viết ra đáp án của các bức mật mã và gửi cho họ trong một phong bì niêm kín.
Thực tế là Sanborn đã gửi chiếc phong bì đó cho cựu Giám đốc CIA là William Webster, và thú vị ở chỗ, điều này đã được ông đề cập đến trong bức mật mã thứ hai: Chính là cái tên WW.
Nhưng tác giả của bản mật mã nổi tiếng khắp thế giới này đã không tiết lộ toàn bộ đáp án cho Webster. Ông giấu đi lời giải cho đoạn cuối cùng, khiến nó không bao giờ được giải mã. Và theo lời giải thích của Sanborn thì "Đó là một phần của tình báo mà, phải không?"