Mánh lách cấm vận ngoạn mục của Bình Nhưỡng: Dầu chảy từ Nga sang Triều Tiên?

Thi Anh |

"Triều Tiên dùng nhiều cách để che giấu xuất xứ của hàng hóa. Người ta phát hiện thấy Bình Nhưỡng thường xuyên làm giả giấy tờ của tàu bè" - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.

Trong năm nay, có ít nhất 8 tàu chở hàng của Triều Tiên từng rời cảng Nga, đem theo nhiên liệu quay trở về quê nhà mặc dù đã đăng ký những điểm đến khác với nhà chức trách. Các quan chức Mỹ cho rằng đây là cách mà Triều Tiên sử dụng để lách cấm vận. 

Reuters không có bằng chứng về sai phạm của các tàu kể trên dù hãng thông tấn này đã nắm trong tay dữ liệu lộ trình. Việc thay đổi điểm đến trong khi di chuyển không hề bị cấm và không rõ có tàu nào đưa số nhiên liệu mà mình chuyên chở lên bờ khi tới Triều Tiên hay không. 

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định, việc thay đổi điểm đến ở giữa cuộc hành trình là đặc trưng trong chiến thuật của Bình Nhưỡng khi nước này tìm cách đối phó với cấm vận thương mại mà Liên Hợp Quốc áp đặt, liên quan tới chương trình hạt nhân. 

Việc thay đổi lộ trình và sự hiện diện của hàng loạt những công ty khác nhau - phần nhiều đặt trụ sở ở nước ngoài - có thể gây khó khăn cho công tác kiểm tra số lượng nhiên liệu được cung cấp cho Triều Tiên, cũng như theo dõi mức độ tuân thủ cấm vận. 

"Là một phần trong nỗ lực kiếm thêm thu nhập, chính quyền Triều Tiên sử dụng mạng lưới vận tải để nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa", Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall S. Billingslea phát biểu trước Ủy ban Ngoại vụ thuộc Quốc hội Mỹ. 

"Triều Tiên sử dụng nhiều cách để che giấu xuất xứ thực sự của số hàng hóa đó. Người ta phát hiện thấy Bình Nhưỡng thường xuyên làm giả giấy tờ của tàu bè". 

Hành trình của Ma Du San

8 chiếc tàu được phát hiện trên hệ thống theo dõi đã xuất phát từ cảng Vladivostok ở miền Viễn Đông hoặc Nakhodka gần đó và đăng ký Trung Quốc hoặc Hàn Quốc làm điểm đến trong lộ trình với Hệ thống Thông tin thuộc Cơ quan Kiểm soát của Chính quyền Cảng (PSC). 

Sau khi rời Nga, các tàu này được ghi nhận là đã cập cảng Kimchaek, Chongjin, Hungnam hoặc Najin của Triều Tiên. Không có tàu nào tiếp tục lên đường tới Trung Quốc, mà hầu hết đều quay trở lại Nga. 

Reuters dẫn nguồn tin từ một công ty hoạt động trong ngành đường thủy ở Vladivostok cho biết, tất cả các tàu đều mang theo một lô dầu diesel với tải trọng từ 500 cho tới 2000 tấn. 

Một trong số các tàu có tên Ma Du San, thuộc sở hữu của Công ty Đóng tàu Korea Kyongun (Triều Tiên). Tàu này đã nhận một lô 545 tấn nhiên liệu tại khu vực thuộc quyền sở hữu của công ty Xăng dầu Độc Lập (IPC) của Nga ở Vladivosktok. 

Mánh lách cấm vận ngoạn mục của Bình Nhưỡng: Dầu chảy từ Nga sang Triều Tiên? - Ảnh 1.

Một cảng thương mại ở Vladivostok. Ảnh: Reuters

Reuters đã có được hóa đơn vận chuyển - loại hóa đơn cấp ra khi hàng hóa được chất lên tàu - đề ngày 19/5 cho thấy lô hàng của Ma Du San bắt nguồn từ Khabarovskiy NPZ, một công ty lọc dầu của IPC. 

Ma Du San đã ra khơi vào ngày 20/5. Tài liệu trong hồ sơ của PSC cho thấy điểm đến tiếp theo của tàu này là cảng Trạm Giang (Trung Quốc), còn hóa đơn vận chuyển ghi nhận tàu này sẽ cập cảng Busan (Hàn Quốc).

Tuy nhiên, vị trí tiếp theo của Ma Du San sau khi rời Vladivostok lại rất gần cảng Kimchaek (Triều Tiên). Các tàu Triều Tiên thi thoảng lại tắt hệ thống phát nhận tín hiệu của mình và ở những thời điểm đó, vệ tinh sẽ không thể theo dõi được vị trí của tàu, quan chức Mỹ cho hay. 

Danh sách đen

Ngày 1/6, Bộ Tài chính Mỹ đưa IPC vào danh sách cấm vận, cho rằng công ty này đã cung cấp dầu cho Triều Tiên và có thể liên quan tới hành động vi phạm các nghị quyết trừng phạt mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã ban hành.

Ngày 22/8, chính phủ Mỹ tiếp tục cấm vận thêm 2 công ty, đều đăng kiểm ở Singapore, Transatlantic Partners và Velmur Management. 

Khiếu nại được đệ trình vào ngày 22/8 đã cáo buộc 2 công ty này rửa tiền thay cho các ngân hàng Triều Tiên bị cấm vận và đang tìm cách mua các sản phẩm xăng dầu. Khiếu nại này viện dẫn một hóa đơn vận chuyển ngày 19/5, liên quan tới lô dầu diesel mà IPC bán cho Velmur và được đưa lên tàu ở Vladivostok, trùng ngày với vận đơn của Ma Du San. 

Andrey Serbin, đại diện của Transatlantic Partners cho hay, công ty vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán từ những ngân hàng bị trừng phạt và chủ sở hữu của số nhiên liệu đã bị thay đổi sau khi nó được đưa lên tàu. 

"Chúng tôi đã bán nhiên liệu cho một công ty Trung Quốc", Serbin - một người bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen vì "hoạt động trong ngành công nghiệp năng lượng Triều Tiên" và tìm cách mua nhiên liệu để vận chuyển tới Triều Tiên - nói về một số lô hàng mà công ty này đứng ra làm trung gian. 

"Chúng tôi không làm thế nào kiểm soát được hàng hóa", Serbin nói nhưng không tiết lộ về những con tàu mà Transatlantic Partners đưa nhiên liệu lên. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters khẳng định, Ma Du San nằm trong số đó.  

Theo dữ liệu giám sát, kể từ khi cấm vận của Mỹ bị áp lên IPC, tất cả các tàu treo cờ Triều Tiên từng ở cảng Vladivostok đều rời đi. Họ lên đường mà không đem theo lô hàng nào. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại