Mắc cọp hay còn gọi là lê rừng vốn là một loại quả đặc sản của vùng núi rừng Việt Nam, kéo dài từ vùng Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La cho tới vùng núi Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng,.... Loại quả này đang được tiêu thụ mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Tp.HCM.
Mắc cọp Cao Bằng có giá rẻ giật mình
Mắc cọp có 2 giống là mắc cọp xanh và mắc cọp nâu. Giống mắc cọp nâu thịnh hành hơn, chúng có hình dáng tròn, dẹp, ăn giống quả lê nhưng vị ngọt, mùi thơm nhẹ, vỏ có màu nâu nhạt giống vỏ hồng xiêm; mắc cọp cứng hơn lê thường, quả to chừng bằng cái chén uống nước, cá biệt có loại to gần bằng miệng cốc nước.
Mắc cọp cho ra hoa vào đầu tháng 5, đến tháng 8 thì bắt đầu cho ra quả.
Trong đông y, mắc cọp (họ lê) chứa nhiều chất xơ hơn hầu hết các trái cây khác, nên khi ăn rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa trong cơ thể. Trong quá trình hoạt động, chất xơ sẽ loại bỏ các hóa chất gây ung thư trong ruột kết, làm giảm nguy cơ phát triển ung thư ruột kết.
Trong mắc cọp có phloretin flavonoid – hợp chất có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các khối u ác tính trong cơ thể con người. Ngoài ra, nó còn góp phần làm giảm các bệnh như bệnh bạch cầu, gan…
Với những công dụng trên, mắc cọp đang rất "cháy hàng" ở Hà Nội. Chị Minh Hoài (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Lúc đầu mới nghe tên, mình thấy lạ lạ. Sau mua về ăn thì thấy giống vị lê ta. Về sau, các bé nhà mình thích ăn nên cứ khi nào đến mùa là lại nhờ người quen ở Lạng Sơn mua về".
Chị Hoài cho biết, mắc cọp mua tại vườn đã lên tới 30.000 - 50.000 đồng/kg, chưa tính chi phí vận chuyển về Hà Nội. "Người nhà mình bảo rằng, nhiều nơi đã bắt đầu nhân giống mắc cọp nên vào cuối tháng 8 giá sẽ rẻ hơn".
Mắc cọp hiện đang được bán rất nhiều ở các khu chợ cóc hoặc các gánh hàng rong ở Hà Nội. Tuy nhiên, giá mắc cọp đang rẻ giật mình, chỉ 20.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu mặc cả, giá của loại quả này chỉ 15.000 đồng/kg.
Khi cầm mắc cọp Việt Nam sẽ không đều, sần sùi và nặng hơn mắc cọp Trung Quốc. Còn với mắc cọp Trung Quốc khi cầm rất mịn tay, quả mềm, khi bóp sẽ nhẹ hơn mắc cọp Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Tả)
Cô Hương - chủ một sạp hoa quả tại chợ Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) thì lại cho câu trả lời ngược lại: "Toàn hàng Trung Quốc không đấy, nhưng yên tâm, hàng Trung Quốc cũng có răm bảy loại, không phải hàng nào cũng xấu".
Một chủ gánh hàng rong bán mắc cọp cho biết: "Hầu hết mắc cọp bán tại Hà Nội được nhập từ vùng núi Cao Bằng về, từ các bản, làng của người dân tộc. Ở đấy, mắc cọp giống như cây dại vậy nên có giá rẻ như thế".
Cô Hương lý giải: "Thực ra, mắc cọp ở Việt Nam không nhiều và không thể đủ đáp ứng nhu cầu của Hà Nội. Trong khi đó, nguồn hàng từ bên kia biên giới thì nhiều, lại rẻ hơn. Nếu lấy giá buôn, mắc cọp ta đắt hơn 2 - 3 lần so với mắc cọp Trung Quốc". Cô Hương thừa nhận, nếu muốn mua mắc cọp "xịn" thì chỉ còn cách lên tận vườn mà mua.
Làm thế nào để mua được mắc cọp "xịn"?
Chị Liên Oánh (Triều Khúc, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày trước thấy mắc cọp bán ở chợ lạ quá thì mua về nhà thắp hương. Nhìn quả thì đẹp, phù hợp với việc hương khói, song, khi bổ ra thì thối hết bên trong và có mùi thuốc tẩy. Vỏ đẹp nhưng ruột hỏng là một điều rất đáng ngờ".
Mắc cọp ở Hà Nội đang có giá 20.000 đồng/kg. (Ảnh: Hoàng Tả)
Cụ thể, mắc cọp Việt Nam quả nhỏ, không đồng đều, da sần sùi và có màu đậm hơn mắc cọp Trung Quốc. Mắc cọp xanh sẽ có vị ngọt kèm theo đó là vị chua chua, chát chát nhẹ và có mùi thơm dịu. Mắc cọp nâu có vị ngọt dịu nhẹ, vị thanh mát, khi ăn vẫn cảm nhận được vị chua nhẹ và có mùi thơm tự nhiên.
Mắc cọp Việt khi ăn giòn hơn, cứng hơn so với hàng Trung Quốc.Để phân biệt mắc cọp Việt Nam với mắc cọp Trung Quốc khá khó khăn nếu người tiêu dùng không am hiểu quá nhiều về thực phẩm. Song, giống mắc cọp được trồng ở Việt Nam và Trung Quốc khác nhau nên vẫn có một số đặc điểm khác biệt nhất định và có thể phân biệt bằng mắt thường.
Trong khi đó, mắc cọp Trung Quốc có màu nhạt hơn nhưng đều, nhiều đốm trắng, da căng bóng, quả to phổng. Khi ăn có vị rất ngọt, không có vị chua, chát như hàng Việt Nam. Ngoài ra, mắc cọp Trung Quốc ăn mềm, quả già sẽ rất bở.
Khi cầm, mắc cọp Việt Nam sẽ không đều, sần sùi và nặng hơn mắc cọp Trung Quốc. Còn với mắc cọp Trung Quốc khi cầm rất mịn tay, quả mềm, khi bóp sẽ nhẹ hơn mắc cọp Việt Nam.